Đi tìm bài học cho cuộc sống

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN (giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước) 22/11/2021 14:37

(QNO) - Nhà giáo tâm huyết không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khát khao rèn luyện, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. “Bài học cho cuộc sống từ các môn học” (nhóm giáo viên Suối nguồn) qua bài giới thiệu của cô giáo dạy Văn - Nguyễn Thị Diệu Hiền, mở ra trường liên tưởng giữa tri thức và đạo đức, hy vọng đem đến cho bạn đọc những hình dung thú vị. 

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Ban Tổ chức cuộc thi “Cùng đọc sách” xin gửi lời tri ân đến các thế hệ thầy cô giáo đã và đang hết mình vun đắp cho sự nghiệp trồng người.

-------------------------------

Bìa tập sách “Suối nguồn“. Ảnh: S.N
Bìa tập sách “Suối nguồn“. Ảnh: S.N

Hành trình giải mã các tri thức khoa học, các thuật ngữ, công thức… để học sinh thẩm thấu và vận dụng vào thực tế muôn trùng phức tạp và gian nan. Vậy, làm thế nào để học sinh nhận ra rằng Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Anh… không hề là môn học khô khan, trái lại, ẩn tàng trong trùng trùng quy tắc, công thức ấy lại là những bài học vô giá của cuộc sống?

Làm thế nào để các môn học không bị án ngữ bởi suy nghĩ “khô khan, phi thực tế”? Nền giáo dục khai phóng rất cần điều này. Ẩn số của những bài toán tưởng chừng nan giải này là bộ sách “Bài học cho cuộc sống từ các môn học”, tác giả là nhóm giáo viên Suối nguồn của Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải (GS. Vật lý ĐH Tenessee Wesleyan - Hoa Kỳ).

 

"Những gợi mở cho học sinh thấy sự tương tự giữa logic của các kiến thức môn học và logic của các kiến thức đạo lý. Những kiến thức môn học có thể giúp học sinh thành những người tài giỏi nhưng những bài học đạo lý mới có thể giúp học sinh trở thành những người tử tế...".

Lời mở đầu của nhóm tác giả, cũng với lời giới thiệu của giáo sư Phan Văn Trường về một cuốn sách gây bất ngờ, được đánh giá “là tuyệt tác, là kỳ dị, là hiếm có, và là niềm thích thú vô tận”; “độc đáo, hiếm có và giá trị” đã dẫn dắt và lôi cuốn người đọc.

Tập 1 dành cho các môn Toán, Lý, Hóa; tập 2 dành cho các môn Sinh, Địa, Anh văn, và sẽ còn nhiều tập nữa, tùy duyên (theo TS.Nguyễn Đông Hải, chủ biên). Xem mục lục, người đọc tưởng như mình đang cầm trên tay tóm tắt kiến thức cơ bản về Toán, Lý, Hóa với những bài: Mệnh đề, Tập hợp, Hệ trục tọa độ; Chuyển động cơ, Các định luật I, II, III Newton, Nội năng; Thành phần nguyên tử, Liên kết hóa học, Oxy và ozon...

Thế nhưng, nhóm giáo viên Suối nguồn đã chuyển hóa những lý thuyết ấy bằng những minh họa, gắn kết thực tiễn về luật nhân quả, về lòng nhân ái và vị tha, về cách chấp nhận những biến chuyển không ngừng nghỉ của cuộc sống… với từng mệnh đề Toán học, với từng định luật Vật lý, với từng hiện tượng Hóa học.

Công cuộc giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện và nâng cao phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ nay sẽ không còn là những bài học khô khan, đôi khi sáo rỗng và giáo điều, nếu thầy cô và học sinh được tiếp cận cuốn sách này. 

Mỗi bài học sẽ bắt đầu bằng khái niệm ngắn gọn, dễ hiểu hoặc gợi lại bản chất vấn đề mang tính lý thuyết. Từ đó, tác giả dẫn dắt một cách tự nhiên, logic đến các bài học trong thực tế đời sống. Sự thú vị, bất ngờ, hấp dẫn rồi lắng đọng tính nhân văn là cảm nhận của nhiều bạn đọc.

Xin điểm qua vài bài học:

- Bài Phương và hướng của vectơ, từ bản chất của hai vectơ đối nhau, có thể liên tưởng tới những người cùng xuất phát điểm (điểm gốc), cùng điều kiện phát triển (cùng phương) nhưng theo hai hướng ngược nhau sẽ dẫn đến kết quả trái ngược.

Ví như hai anh em cùng sinh ra trong một gia đình nghèo khó; người lười học, đổ lỗi cho số phận, sống buông thả; người siêng năng, nỗ lực vượt lên số phận, đạt thành công. Vậy phấn đấu theo hướng nào là do ý chí, nghị lực và hành động của mỗi cá nhân. Quả thật, “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi tạo ra”.

- Bài Hệ quy chiếu lại là cách nhìn nhận, đánh giá người khác hay một sự việc dựa trên hệ quy chiếu quan niệm, hiểu biết, vốn sống. Cần đánh giá trên quan điểm toàn diện, nhân ái, biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm thông.

Hơn nữa, hệ quy chiếu của mỗi người mỗi khác từ trí tuệ, phẩm chất, tâm lý, kiến thức nền…, giáo viên không nên so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, mà chỉ nên so sánh học sinh ấy với chính em trước đó, để khích lệ, trân trọng sự nỗ lực của từng học sinh theo cách phù hợp nhất.

 

- Bài Liên kết ion và tinh thể ion: Từ bản chất của liên kết này là lực hút tĩnh điện, tác giả nêu ra bài học về sự tuần tự, nỗ lực và khiêm tốn, về cách gieo hạt và chăm sóc khu vườn tâm hồn, về sự thay đổi để hòa hợp của từng cá thể duy nhất, gợi triết lý “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” trong sự phát triển chung của cộng đồng.

- Bài học ... và …

Gợi mở, kết nối một cách logic giữa tri thức và đạo lý để thực hiện mục tiêu giáo dục trong thời đại mới, chú trọng rèn luyện và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, để các em trở thành hiền tài là khao khát của người thầy tâm huyết.

Hấp dẫn lôi cuốn, mở ra một trường liên tưởng thú vị, đó là những gì người đọc nhận được từ “Bài học cho cuộc sống từ các môn học” do nhóm giáo viên Suối Nguồn biên soạn.

Đại thi hào Goethe từng viết “Khởi thủy là hành động”. Để lý thuyết không còn là màu xám, mỗi độc giả nên là một dòng suối, tiếp nhận vẻ đẹp của cuốn sách cho chính mình và tiếp nối hành trình lan tỏa, cho cây đời mãi mãi xanh tươi.

---------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi tìm bài học cho cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO