Dưới những lớp ngôn từ của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

NGUYỄN MINH HÙNG 25/12/2023 09:00

(QNO) - Gọi Mộc Nhân Lê Đức Thịnh là “cây bút trẻ tuổi 60” cũng không sai vì khi thực sự bắt đầu viết (2015), chỉ trong 8 năm, anh đã xuất bản 9 tác phẩm với nhiều thể loại thơ, tiểu luận phê bình, nghiên cứu, dịch thuật, tản văn...

 

Những cuốn thuộc loại khó viết và kén người đọc (Bụi trong gió - dịch thuật, NXB Đà Nẵng, 2016; Bob Dylan - những hòn đá lăn; Nobel Văn học 2016, nghiên cứu, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2017; Bob Dylan - Mai sau biết đến bao giờ - Nobel Văn học 2016, nghiên cứu, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2018; Yesterday - 60 năm The Beatles, nghiên cứu âm nhạc, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2020; AUBADE - Tuyển thơ Louise Glück, Nobel Văn học 2020, nghiên cứu, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2021...). Tìm một người viết có năng lực, sung sức, đam mê như anh ở đất này, thời điểm này, không dễ...

Cuốn chân dung văn học này (theo cách gọi của tác giả) có bao nhiêu chân dung? Họ là những ai? Mục lục sách ghi 18 tác giả - tác phẩm được Mộc Nhân Lê Đức Thịnh viết về. Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là chân - dung - tác - giả qua 18 bài viết khá ấn tượng và 3 bài bổ sung cho diện mạo "nhân vật chính" trở nên sắc nét hơn: một bài mở đầu của chính tác giả "trần tình" về phương thức tiếp cận, một bài của Lê Thị Ngọc Trâm Cảm quan về sự tái sinh trong Ngẫu khúc chữ viết về thơ MNLĐT, một của Huỳnh Minh Tâm hình dung khá đấy đủ về Mộc Nhân và hành trình chữ. Huỳnh Minh Tâm và Lê Thị Ngọc Trâm không chỉ thêm nét vẽ cho “nhân vật chính” mà còn "tự hoạ chân dung" là người am hiểu văn chương, đọc một cách cẩn trọng và dõi theo từng trang viết của tác giả Dưới những lớp ngôn từ...

Trong sách này, theo quê quán - nơi ở của những tác giả được đề cập đến, thì có Đại Lộc (10), Điện Bàn, Tiên Phước, Tam Kỳ (mỗi nơi 2), Núi Thành, Hiệp Đức, Thăng Bình (mỗi nơi 1).

Người đọc không nghĩ anh "ưu tiên" cho quê nhà và cho bạn thân; anh cũng không cố tình chọn tác giả tiêu biểu cho một giai đoạn hay của một vùng đất. Anh chỉ viết về tác phẩm mình đọc kỹ hoặc nắm bắt được điều muốn nói hoặc tìm thấy duyên do nào đó dưới "lớp ngôn từ" hoặc bất thình lình muốn chơi một "ngẫu khúc chữ"... như phong cách thường thấy của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh. Nhờ vậy, văn phong tác phẩm phóng túng, không gượng ép khuôn thước như người mới bước chân vào lĩnh vực phê bình.

Đọc gần 200 trang sách không có cảm giác lí lẽ khô khan hoặc giải nghĩa dài dòng vốn là điều dễ mắc phải của cả những tay phê bình có nghề - dù những chân dung anh cất công đi tìm chưa hẳn đã thực sự là một hình tượng sáng tạo đúng nghĩa. Viết dở về một cái không dở và viết hay về một cái không hay là một phương diện đáng lưu ý của phê bình văn học.

 

Thử đọc nhan đề những bài viết: Xác lá hoàn nguyên (thơ Trương Văn Quang), Có một dòng sông đã qua đời (thơ Nguyễn Hải Triều), Dưới thảm mục những linh hồn mở ra (thơ Nguyễn Giúp), Chân dung bút mực (phê bình của Nguyễn Tấn Ái), Bình yên như những sớm mai (Nguyễn Thị Diệu Hiền), Lan man trong bàn tay mưa (thơ Nguyễn Chiến), Hoa khế náu mình góc sân (thơ Nguyễn Vĩnh), Ráng chiều chín đỏ về xuôi (thơ Hải Điểu)… sẽ thấy nỗ lực không theo dấu chân từng in dấu, nỗ lực đi tìm chữ để thay thế ý tưởng đi tìm, nỗ lực để "thi hoá" lối vào thế giới bí ẩn thi ca... Đặt đề cũng là yếu tố của thi pháp.

Văn phê bình của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh không đơn thuần là “cảm thụ” có tính chất “bình giảng” trong nhà trường như một thói quen nghề nghiệp mà có lý luận, có lý thuyết vừa làm bệ phóng cho điệu nhảy chữ nghĩa vừa giữ đôi chân không rơi khỏi sàn diễn vốn mặc định và hạn định của phê bình văn học. Những trích dẫn đúng chỗ (Paul Valéry, Jorge Borger, Gabriel Garcia Marquez, Patrick Rothfuss, Jakobson, Rorger Miller, Ralph Waldo Emerson...) không để tác giả dựa dẫm hay chứng tỏ mà tạo sự liên kết, tương hỗ và làm tăng độ rung động ở những tầng sâu vẻ đẹp ngôn từ.

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh vẫn đang ôm ấp những dự định, muốn viết và dám viết. Anh cứ vậy mà đi, đừng áp lực, đừng trói buộc vào nhà nọ nhà kia làm chi cho mệt nhoài... Không viết nữa cũng không sao. "Con tìm con sẽ gặp" (Jésu). Nhưng ca dao cũng như đang nhắc ta về những cuộc rượt đuổi vô vọng của văn chương: "Chim bay biển bắc anh tìm biển đông"... Cứ chơi như chơi đàn. Cứ đi như phượt thủ... Đâu phải là để đến đâu!...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới những lớp ngôn từ của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO