Hành trình âm nhạc của Phan Văn Minh

BẢO ANH 26/09/2021 06:20

Tuyển tập ca khúc “Cả nhà thương nhau” (NXB Đà Nẵng 2021) của nhạc sĩ Phan Văn Minh vừa được phát hành, phác họa tương đối con đường âm nhạc của anh qua 136 ca khúc được chọn in. Nhưng đây lại chưa phải là con số cuối cùng, bởi gia tài âm nhạc của anh đến nay đã lên tới gần 600 ca khúc.

Bìa tuyển tập ca khúc “Cả nhà thương nhau”. Ảnh: B.A
Bìa tuyển tập ca khúc “Cả nhà thương nhau”. Ảnh: B.A

Lâu nay, khi nói đến nhạc sĩ Phan Văn Minh, gần như ngay lập tức người ta nhắc đến bài hát “Cả nhà thương nhau” - một ca khúc thiếu nhi nhưng lại được cả trẻ con lẫn người lớn thuộc.

Ngoài ra, người ta còn nhắc đến anh với một số ca khúc đình đám khác, thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Đó là “Tình khúc Thu Bồn” bay bổng; “Quả táo cho Eva” đắm say; “Khúc trầm hương giao thừa” đầy yêu thương và ấm áp không khí gia đình; “Người Quảng dáng nâu” góc cạnh, giàu “cá tính Quảng”; “Huyền sử sông Hồng” hào sảng, thiêng liêng,...

Trong tuyển tập vừa được trình làng, người yêu nhạc một lần nữa được “nhìn ngắm” trọn vẹn dáng vẻ của những ca khúc “đi vào lòng người”. Và, cùng với hơn 100 ca khúc khác “đã thực sự trải nghiệm cảm xúc trước cuộc đời” (lời tựa của tác giả) được tuyển chọn vào đây, có thể hình dung rõ hơn về một Phan Văn Minh - nhạc sĩ.

Ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của Phan Văn Minh đa số đẹp; trong đó có một số trường hợp thuộc loại rất đẹp và sang trọng. Bởi vậy, nhạc của anh dễ tìm được sự đồng cảm và có sức lan tỏa.

Điển hình là ca khúc thiếu nhi “Cả nhà thương nhau”, chỉ có 28 chữ nhưng hát mãi không hết, vì ở đó đầy ắp những yêu thương. “Huyền sử sông Hồng” cũng là một trường hợp đặc biệt, đã nhiều lần xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc tầm cỡ bởi sự hào sảng, chứa chan tâm thức cội nguồn: “...Bao ngàn năm qua vẫn đỏ ngầu dòng phù sa. Sông Hồng vươn vai về đại dương xa dựng một sơn hà. Từ buổi chia tay mẹ lên núi biếc nhìn theo bóng cha. Cùng dòng sông sâu qua miền châu thổ dựng thành Cổ Loa...”...

Tuyển tập “Cả nhà thương nhau” - tác phẩm mà nhạc sĩ Phan Văn Minh xem như “một cuốn hồi ký về con đường mình đã đi qua cùng với âm nhạc”, được chia làm 3 phần. Phần tình ca mang tên “Quả táo cho Eva”, gồm 43 tình khúc được sáng tác từ năm 1984 đến năm 2020.

Phần nhi ca mang tên “Cả nhà thương nhau”, gồm 48 ca khúc thiếu nhi được viết từ năm 1982 đến năm 2015. Phần ngợi ca mang tên “Huyền sử sông Hồng”, gồm 45 ca khúc mang âm hưởng ngợi ca quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung, các vùng đất trên mọi miền Tổ quốc và Quảng Nam nói riêng, được viết từ năm 1982 đến năm 2020.

Bằng cách này, Phan Văn Minh chỉ ra cho mọi người thấy những “con đường” âm nhạc mà anh đã và đang đi - mải miết và bền bỉ. Cũng từ đây, lại có thể nhận ra rõ hơn một Phan Văn Minh lãng mạn, đắm đuối, bay bổng trong tình ca; sâu lắng, đầy yêu thương và tự hào trong những ca khúc mang âm hưởng ngợi ca; hồn nhiên, trong sáng, tinh tế trong ca khúc thiếu nhi...

Tất nhiên, dù “tỉnh táo” và “rạch ròi” đến mấy, sự phân chia này vẫn chỉ là tương đối. Và, điều ấy cũng chẳng hề gì, vì trong mỗi âm giai, vút lên từ mỗi ca khúc của Phan Văn Minh vẫn là những lời yêu thương tha thiết quyện hòa dành cho quê hương, cho tuổi thơ, cho tình nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình âm nhạc của Phan Văn Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO