Họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương: “Con đường sáng tạo thì bao giờ cũng là tái bắt đầu”

HIỀN HÒA 22/06/2022 08:57

Từ ngày 12 đến 30.6 tại Green Palm gallery (49 Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Hoài Thương cùng với đồng hương xứ Quảng là Vũ Anh và Nguyễn Quang Minh (quê Hải Dương) trưng bày triển lãm “Những khuôn mặt mới”, giới thiệu khoảng 30 tác phẩm. 

Tác phẩm Nhịp điệu mùa Xuân.
Tác phẩm Nhịp điệu mùa Xuân.

Sinh năm 1987 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2010, Nguyễn Thị Hoài Thương đang dần tạo cho mình phong cách nghệ thuật và một chỗ đứng nhất định trong lòng giới thưởng ngoạn hội họa.

Hội họa chưa bao giờ là con đường dễ, nhất là việc chọn nó như một nghiệp dĩ để theo đuổi trọn đời. Với nữ giới, việc chọn lựa này còn khó khăn hơn gấp bội. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Hoài Thương về con đường chuyên nghiệp của chị.

* Xin được bắt đầu bằng một ý tưởng chừng như rất căn bản, khi vẽ, chị quan tâm đến những điều gì đầu tiên?

Nguyễn Thị Hoài Thương.
Nguyễn Thị Hoài Thương.

Kỹ thuật, chất liệu, nguyên tắc, bố cục… là những điều đầu tiên tôi được học từ thầy của mình  trước khi trở thành họa sĩ, nhưng khi bắt tay vào vẽ rồi, thì mới biết thứ dẫn dắt ta đi thực sự là cái mà ta chưa bao giờ được học và không thể nào học được, đó là cảm xúc.

Khi sáng tác, cảm xúc là điều mà tôi quan tâm nhiều nhất, cũng là cái làm khó tôi nhiều nhất. Vì mỗi trải nghiệm cảm xúc trôi qua trong tranh vẽ cũng giống như trong đời thực vậy, mỗi người phải tự học cách nắm bắt, cân bằng và bày tỏ ra.

* Vậy theo chị, thế nào là bức tranh đẹp?

Bức tranh đẹp là khi nó trao truyền hết được cảm xúc, ẩn ý của họa sĩ đến với người xem. Có thể đó là một giá trị nhân văn, một tinh thần bất khuất, hoặc chỉ giản đơn là một buổi sớm mai nhẹ nhàng, tinh khiết… Nói chung, tiêu chuẩn của cái đẹp muôn hình muôn dáng, chín người mười ý.

Cá tính Quảng với trái tim ấm áp

Kể từ năm 2006 đến nay, Nguyễn Thị Hoài Thương đều đặn tham gia các cuộc quyên góp  tác phẩm nghệ thuật vì mục đích thiện nguyện do nhiều đơn vị tổ chức, trọng đó có Operation Smile Việt Nam. Ngoài ra, với mỗi bức tranh bán được, Hoài Thương sẽ trồng một cây trên đồi của làng cổ Phú Lâm, thuộc thôn Tiên Sơn, huyện Tiên Phước.

Theo ý riêng, bức tranh đẹp nhất là khi nó vượt qua mọi nguyên tắc, khuôn sáo được học để đạt đến cái tự nhiên nhất, rồi hòa cùng bản thể của vũ trụ.

Để đạt được điều đó, họa sĩ phải dùng hết nội lực vốn có của mình, thông qua đôi bàn tay điêu luyện, mà chuyển tải ý nghĩa, cảm xúc lên chất liệu, để trao truyền đến người thưởng ngoạn một tư tưởng nhân văn. Đây còn là quá trình chuyển hóa tư duy thông qua vật chất trên con đường đạt đến “giác ngộ”.

Vì vậy, bức tranh đẹp là khi đến với công chúng, nó khơi gợi nơi người xem những cảm xúc ngạc nhiên, thỏa mãn, bất mãn, hoặc đồng cảm, mà không bị giới hạn bởi tôn giáo, văn hóa, hoặc chính trị…

Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng để có được tác phẩm đẹp và thành công, thì ngoài tài năng, còn có cả may mắn và sự hạnh ngộ nào đó, không phải cứ muốn là đạt đến được.

* Như vậy là chị có quan niệm riêng về hiện thực đời sống và hiện thực trong tác phẩm?

Với tôi, hiện thực trong đời sống là chất liệu, là cảm hứng, là hiện tượng… để hiện thực trong tác phẩm được hình thành. Mỗi thời đại có quan niệm về hiện thực và nghệ thuật khác nhau, nên cũng sinh ra những hình thức thể hiện khác nhau.

Có khá nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau theo dòng biến đổi của lịch sử mỹ thuật, từ tả thực, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực… cho đến những trường phái vật thể, phi vật thể…

Nhưng chung quy, thì mỗi một tác phẩm nghệ thuật được sinh ra là một lần họa sĩ đang làm mới lại cái trải nghiệm đã cũ, cho dù tác phẩm thuộc trường phái nào, thì nó cũng thấm đẫm cái hơi hướng của thời đại mà họa sĩ được sinh ra.

Tác phẩm Hoa phù dung.
Tác phẩm Hoa phù dung.

Nhiều khi tác phẩm không còn mang tính chất cá nhân, mà đã biến thành những rung cảm chung của cộng đồng, của công chúng, nó có thể hòa nhịp cùng với vũ trụ và nhân loại.

Thế nên, mới nhìn bên ngoài, người ta cứ hay nhầm tưởng rằng họa sĩ này vẽ giống họa sĩ kia, hoặc muốn vẽ đẹp thì phải làm thế này thế kia, đôi khi phải gác bỏ cái hiện thực nghiệt ngã của đời sống để mơ tưởng và vẽ ra những không gian huyền ảo, mơ mộng.

Nhưng thực tế thì không phải vậy đâu, chính cái nền của hiện thực đời sống mới là bước đệm để nâng tâm hồn ta bay lên trên con đường tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng. Cái nền đó đã bao gồm hết mọi điều, trong đó có cả huyền ảo, mơ mộng. Đôi khi cảm hứng sáng tạo quy định hành vi và mục địch vẽ. Đấy cũng là một trong nhiều lý do mà người ta lại đặt “chân”, “thiện” rồi mới đến “mỹ” là vậy.

* Từ quan niệm này, vẽ phong cảnh theo chị thế nào là đạt?

 Trong ngôn ngữ hội họa, tranh đạt là khi nó hội tụ đủ những yếu tố như bố cục đẹp lạ, không gian xa gần thu hút, không sai phạm các quy tắc căn bản…, nhưng cũng không nên vội bàn đến những điều được chỉ dạy, bởi khi đã ghi nhớ, rèn luyện thành thục rồi thì lúc sáng tác ta phải học cách quên đi căn bản. Tác phẩm nghệ thuật không thể được sinh ra với cái đầu đầy kiến thức, chật định kiến, mà nó phải được dẫn lối bằng cái “chân thiện mỹ” của con tim.

Tuy là vậy, tôi nghĩ vẫn có những cái chung cho tất cả, như là chân lý phổ quát, khi mà một bức tranh dù vẽ phong cảnh hoặc thiếu nữ, thì cũng cần có sự cân bằng. Ví dụ như để gam màu nóng dịu dàng hơn ta thêm vào đấy chút màu lạnh; hoặc như trong mớ đường nét thô kệch, ta cần vài nét mảnh mai; kế tiếp mùa đông lạnh lẽo sẽ là mùa cây lá đâm chồi nở hoa, xuân đang đến…

Sự cân bằng và hài hòa trong tranh cũng y như trong cuộc sống này vậy, “mọi thứ sinh ra như có một bàn tay để sẵn…”, thế thì, bức tranh phong cảnh đạt là phải có được sự cân bằng và hài hòa trong các khía cạnh như đường nét và màu sắc, như sự giao cảm giữa người vẽ và người xem.

* Chị chọn sẽ trở thành một họa sĩ như thế nào?

Khi đặt bút vẽ, cứ ngỡ rằng đấy là những nét bút đầu tiên, đến nét tiếp theo, để rồi cuối cùng là nét bút hoàn thiện. Nhưng chẳng có nét đầu tiên và cuối cùng nào cả, những sửa đổi, bôi xóa, những làm mới… cứ kế tiếp nhau.

Cái ý nghĩ ban đầu chẳng bao giờ giữ được nguyên vẹn, bao nhiêu kinh nghiệm, thành công của ngày hôm qua chẳng để dành cho sự hoàn thiện hôm nay được. Con đường sáng tạo thì bao giờ cũng là tái bắt đầu. Thế nên, nhiều lúc đang vẽ mệt quá, mà ai hỏi xong chưa, thì tôi sẽ bảo ngay rằng xong rồi, lúc ấy họ sẽ cười xòa: “à, tranh xong là khi cô họa sĩ đã quá mệt”.

Nhiều người gặp gỡ lần đầu thường nói tôi sao chẳng có chút gì giống họa sĩ hoặc người làm nghệ thuật? Những lúc như thế tôi chỉ nhoẻn miệng cười: “à, vì em thích làm họa sĩ trong yên lặng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương: “Con đường sáng tạo thì bao giờ cũng là tái bắt đầu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO