Hồi ức “Hai quê hương”

VĂN BẢY 12/09/2021 06:55

Cuốn hồi ức “Hai quê hương” (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) của Nguyễn Xuân Thọ vốn có “gốc” từ những bài mà ông viết trên facebook cá nhân. Thế nhưng, vì những câu chuyện chân thực, văn phong sáng sủa và đủ hấp dẫn để các độc giả khích lệ ông tập hợp, chỉnh sửa thành sách.

Tác giả Nguyễn Xuân Thọ với cuốn hồi ức “Hai quê hương”.
Tác giả Nguyễn Xuân Thọ với cuốn hồi ức “Hai quê hương”.

“Tôi không có ý đồ và cũng không biết viết sách. “Chém gió” trên facebook riết, từ năm 2016 cứ bị bà con xui viết sách, hết người này đến người khác. Nhưng vẫn không ham.

Dịp về Tết 2019 ngồi cà phê với anh Đào Hiếu, anh bảo: “Các tư liệu của em rất quý, không tập hợp thành sách thì uổng lắm”. Tôi bỗng thấy xuôi. Anh Hiếu là nhà văn, từng làm trong ngành báo chí xuất bản, nói vậy chắc có lý. Thế là tôi tập hợp mấy bài trên facebook, nhờ anh Hiếu gửi cho một biên tập viên cứng cựa của một nhà xuất bản”.

Thế nhưng câu chuyện không giản đơn như vậy, bản thảo phải đi sang một hai nơi, không phải vì nội dung nhạy cảm gì, mà vì cách viết facebook và viết sách có sự khác biệt, cần những hiệu chỉnh, bổ sung thì mới in sách được. Sau gần hai năm chỉnh sửa, đến đầu tháng 12.2020, bản thảo mới được đưa vào kế hoạch xuất bản, đến nay đã phát hành rộng rãi.

Hai tâm tình gộp lại

Cuốn hồi ức được viết theo dòng thời gian, nên hai quê hương Việt và Đức lần lượt xuất hiện như những giai đoạn của tác giả. Nguyễn Xuân Thọ sinh năm 1951 tại Bình Định, theo ba má tập kết ra Bắc và lớn lên ở đây từ năm 1955. Năm 1967, sang Đức học nghề truyền hình, năm 1971 quay về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực truyền hình. Từ 1975 đến 1981, học tại chức ở khoa điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1991, ông cùng gia đình sang Đức định cư, lập nghiệp. Vì vậy cuộc sống ở Việt Nam và Đức thay phiên nhau xuất hiện trong 5 chương sách.

Đọc “Hai quê hương”, nhà văn Đào Hiếu nhận xét: “Anh sống chung với người Đức, ăn uống, vui chơi, làm việc, giao dịch với người Đức. Cho nên tác phẩm này là tác phẩm Đức chính hiệu, mặc dù tác giả là một người Việt chính hiệu. Đọc anh, tôi thấy anh hiểu nước Đức, con người Đức còn hơn cả một người Đức chính cống, bởi vì cái nhìn của anh, cảm nhận của anh là cảm nhận của hai con người gộp lại, hai đôi mắt gộp lại, hai trái tim gộp lại, hai cái đầu gộp lại và hai tâm tình gộp lại”.

Dù là những chuyện có vẻ riêng tư, nhưng Nguyễn Xuân Thọ luôn đặt chúng trong bối cảnh rộng, nên độc giả sẽ hiểu thêm về thời cuộc. Các hồi ức về Hà Nội những năm 1960 - 1970, về những trò trẻ trâu thời chiến tranh, về thời kỳ bao cấp, thời mưu sinh ở VTV, lúc trở về Quy Nhơn và Huế sau 1975, về các bóng hồng… thật sinh động, có đóng góp cho ngành xã hội học vài tham chiếu nho nhỏ. Bởi khi viết về bối cảnh ở Việt Nam hoặc Đức, Nguyễn Xuân Thọ đều gián tiếp đưa ra các so sánh, kết luận, để độc giả tiện quan sát.

Nguyễn Xuân Thọ kể: “Với 16 tuổi đầu, từ một đất nước đói nghèo, chiến tranh sang Đông Đức học điện tử truyền hình, tuy cũng là một nước XHCN, nhưng văn hóa Âu ở đó khác biệt. Vì lúc đó tôi còn trẻ và ít nhận thức, nên chỉ tìm cách thỏa mãn trí tò mò của mình, chứ chưa tìm cách lý giải sự khác biệt về văn hóa”.

Ông nói thêm: “Về sau, khi đã làm chủ tiếng Đức, tôi bắt đầu nhận xét kỹ hơn và nhận thấy sự khác biệt lớn giữa văn hóa Á - Âu. Trong “Hai quê hương”, tôi có kể về tiếng chuông nhà thờ ở vùng quê Đức khác hẳn tiếng chuông nhà thờ ở Hà Nội ra sao. Về cách ứng xử của các thầy cô Đức với chúng tôi, dù có những quy định ngoại giao giữa hai đảng, đặc biệt là về kỷ luật của người Đức. Ông nông dân dù nuôi đủ gia súc để ăn, nhưng vẫn phải bán chúng cho lò mổ, sau đó phải đi mua thịt ngoài cửa hàng. Đó là những quy định thú y từ đầu thế kỷ 20”.

Tủi nhục và mừng vui

Xuyên suốt các bài trong chương 4, Nguyễn Xuân Thọ trình bày con đường lập nghiệp của vợ chồng ông ở Đức, nó giống như cuộc đấu tranh của những thân phận cùng đường, tuyệt vọng. Cung cách xây dựng cuộc sống mới của họ mang dấu ấn của sự manh mún, vô kế hoạch, đôi khi bất minh, tủi nhục.

Ông viết trong hồi ức: “Hành trang của chúng tôi khi sang thế giới mới là lối sống của một xã hội lạc hậu, phi khoa học. Nhiều thói quen xấu đã ngấm vào máu, nên dù biết, không thể sửa được. Chính những hạn chế này đã làm cho sự thành đạt của chúng tôi cho đến nay vẫn vô cùng khiêm tốn”. “Đồng tiền tôi kiếm được qua máy móc, cũng y như của bà con khác từ đĩa mì xào, từ quầy bán quần áo, từ những cửa hàng hoa ở khắp thế gian này, đều thấm đẫm những giọt mồ hôi tự hào, cùng bao giọt nước mắt tủi nhục, vì xuất thân nhược tiểu”.

Ông kể: “Mà không riêng gì chúng tôi, những người bạn Nga và Đức cũng giúp tôi nhận thấy những khác biệt về văn hóa ngay trong lòng châu Âu. Liên Xô mặc dù là lực lượng chiếm đóng ở Đông Đức, nhưng binh sĩ Nga luôn rất khiêm tốn với người Đức và ngược lại, người Đức thua trận vẫn không coi người Nga là đẳng cấp ngang mình. Ở đây, bên cạnh trình độ phát triển, còn có sự khác biệt về nhận thức vai trò cá nhân đối với xã hội giữa người Slavia (gồm Nga, Ukraina, Bulgaria, Ba Lan, Nam Tư,Tiệp Khắc…) với người phương Tây...”.

Ông đã bật khóc khi được lọt vào câu lạc bộ những người có thu nhập từ 100.000 USD/năm, không phải khóc vì có nhiều tiền, mà vì cảm thấy bản thân không quá thua kém, người ta làm được thì người Việt mình cũng làm được, nếu có đủ cố gắng. Từ năm 1995, ông là chủ một doanh nghiệp truyền hình tại Cologne, Đức.

Lý do chính của việc viết facebook và in sách, Nguyễn Xuân Thọ nói: “Tôi bộc bạch bí mật của đời mình không phải để mua vui hoặc câu like, mà chỉ muốn nhắn gửi các bậc phụ huynh rằng hãy trút bỏ cho con cháu mình những tảng đá của lạc hậu, thấp hèn trước khi đưa chúng ra biển. Cho dù khó đến mấy thì cũng chẳng còn con đường nào khác là phải tự thay đổi, nếu không muốn con cháu mình bị tủi hổ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi ức “Hai quê hương”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO