Ngược đường bay về phía nhớ thương...

BẢO ANH 15/05/2022 07:26

“Ngược đường bay/ làm cánh chim lẻ bạn/ Vẫy cuối trời. Một bóng dáng thu phai/ Ngược đường bay/ Khe khẽ khóc/ Ai hay!”. Trong hành trình “ngược” ấy, với nữ nhà thơ Phương Dung, thực ra là cả một nẻo về của nhớ thương...

Tập thơ “Gởi thương cho nhớ” và các ấn phẩm khác của Nguyễn Phương Dung. Ảnh: B.A
Tập thơ “Gởi thương cho nhớ” và các ấn phẩm khác của Nguyễn Phương Dung. Ảnh: B.A

Từ câu thần chú “Vừng ơi”

Cách đây 19 năm, ở tuổi 45, Nguyễn Phương Dung xuất bản tập thơ đầu tay “Vừng ơi” (Hội VHNT Quảng Nam, 2003). Lúc bấy giờ, cảm nhận về thơ Phương Dung, nhà thơ Thanh Quế viết: “Thơ Phương Dung như những con sóng ngầm ào ạt, bứt phá nhưng lại biết kìm nén. Kìm nén tức là vừa biết giữ mình, vừa quyến rũ được người khác đến với mình, để họ như những người tình cùng đi với mình trong cuộc đời đầy sóng gió trắc trở nhưng không ít đắm say, hạnh phúc”.

Mà thật vậy, từ khi đọc lên câu thần chú “Vừng ơi”, cánh cửa thơ ca đã mở ra với Phương Dung. Chị say sưa làm thơ, được xem là một tác giả nữ sung sức, có nội lực, có giọng riêng... trong số không nhiều cây bút nữ của Quảng Nam. Chị có nhiều bài thơ hay, đắm đuối: “Ta nghìn năm câm lặng/ Khảm tình vào vách rêu/ Trong lằn sâu thương nhớ/ Ngày và đêm lặn vào” (Mùa xuân còn lại). Cả những thổn thức và những tiếng thở dài rất đàn bà được giấu bên trong khao khát hồi sinh: “Bên trong cánh vạc hao gầy/ Trái tim người đàn bà vùng vẫy hồi sinh” (Khởi hành)...

Đặc biệt, chị có bốn câu thơ được rất nhiều người thích, được xem là “chân dung”, là chỉ dấu của một Phương Dung - thơ đa đoan, cô đơn và có phần yếu đuối dù luôn cố tỏ ra mình mạnh mẽ: “Đêm đêm ngửa nón ra đường/ Hốt trăm thiên hạ phố phường điêu ngoa/ Đem về mở trái tim ra/ Chọn một chiếc bóng để mà... tương tư” (Tứ tuyệt)...

Tám năm sau, năm 2011, Nguyễn Phương Dung in tập thơ riêng thứ hai “Phía tàn tro” (NXB Đà Nẵng). Vẫn đầy ắp những nỗi niềm đàn bà, nhưng ý tứ đằm hơn và câu chữ chín hơn. “Trên hai vai đầy tuổi/ Không còn chỗ để gánh thêm giận hờn...” (Chiều ba mươi ở quán cà phê cũ).

Đến “Gởi thương cho nhớ”

Sau hai tập thơ “Vừng ơi” và “Phía tàn tro”, Nguyễn Phương Dung có một “quãng lặng” với thơ khi mà chị chuyển sang viết văn xuôi. Nhiều truyện ngắn của chị xuất hiện trên các báo, tạp chí trong cả nước. Và rồi cuối năm 2019, chị cho ra mắt tập truyện “Nguyễn Phương Dung và các truyện ngắn” (NXB Hội Nhà văn). Cũng như với thơ, truyện ngắn của Phương Dung khá đa đoan, nhiều day dứt.

Nhà thơ Phương Dung.
Nhà thơ Phương Dung.

Dù vậy, những người quen biết và từng yêu thơ Phương Dung vẫn tin rằng, thơ và chị sẽ không... bỏ nhau. Quả nhiên, cuối tháng 4 vừa rồi, Nguyễn Phương Dung trình làng tập thơ riêng thứ ba: “Gởi thương cho nhớ” (NXB Hội Nhà văn).

Người đọc lại bắt gặp ở đây những nỗi niềm chưa bao giờ cũ nơi chị: “Ta khổ quá chừng mình ta biết/ Thương lời tình cũ chắc rêu xanh/ Có phải một lần trao thánh giá/ Mà ngàn đời cùng Chúa điêu linh” (Mấy khúc buồn ngày không có chi vui). Cả những réo đòi, van xin, những mong người khác “đi với mình trong cuộc đời đầy sóng gió trắc trở nhưng không ít đắm say, hạnh phúc”: “Đông Tây Nam Bắc người cầm/ Xin chừa tay để mà cầm tình em...” (n câu thơ lục bát gởi người).

Nhưng không chỉ có những nỗi tình, ở “Gởi thương cho nhớ” còn đầy ắp nỗi đời, nỗi quê. Trước khi rời Tam Kỳ vào TP.Hồ Chí Minh định cư, nhà thơ Nguyễn Phương Dung “xin” vẫn là hội viên Hội VHNT Quảng Nam.

Và chị đã nhiều lần trở về trong các sự kiện văn nghệ. Chị đã viết, trong da diết nhớ quê, mà mấy câu thơ xót ứa trong những ngày đầu tha hương: “Chiều cuối năm uống rượu với đồng hương/ Chuyện thường tình của đàn ông xa xứ/ Ta cũng bùi ngùi chén lai chén khứ/ Bên bờ sông. Chiều phương Nam gió lay/ Ly hương giờ này thêm ta góp chén/ Chụm đầu bạc thếch nhớ chuyện xanh xưa/ Đàn ông Quảng Nam say thì đọc thơ/ Ta say ngậm ngùi uống thêm nước mắt”.

Đúng là, không có lý do gì để bài thơ “Uống rượu chiều phương Nam” với những câu thơ kiêu bạc mà buồn đến thế kia không có mặt trong tập “Gởi thương cho nhớ”.

Cũng vậy, như những câu thơ dưới đây, phải xuất hiện trong thơ Phương Dung và phải có mặt trong tập thơ của nhớ thương này: “Ta thấy mình như con nai lạc gió say trăng cuối chặng rừng già/ Ta có quê mà chẳng có nhà/ Buổi về lại Quảng Nam đứng ở đầu sông ta khóc đầy sông nước” (Khúc ca bi tráng); “Ta đi. Gởi lại quê nhà/ Một ta vui với một ta thật buồn/ Một ta nhòa lệ mưa tuôn/ Một ta cười giữa con đường trắng mây” (Biệt khúc).

Đọc tập thơ thứ 3 và là tập sách thứ tư của nhà thơ nữ Nguyễn Phương Dung, tôi gọi điện hỏi bao giờ chị lại về Quảng Nam? Chị không trả lời, chỉ đọc hai câu trong bài “Lục bát cho mình” in ở trang đầu tiên của tập thơ “Gởi thương cho nhớ”: “Cúi đầu lạy tạ thiên duyên/ Mong nghìn thu nữa vẫn nguyên vẹn tình”...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngược đường bay về phía nhớ thương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO