Nguyễn Lãm Thắng với chất thơ rặt Quảng

LÊ TRÂM 24/07/2022 09:05

“Cứ hẹn miết, rồi không về, bắt mệt!/ Đợi với chờ, nghe ớn họng ông quơi!/ Hứa cho cố, để cuộc tình trớt quớt/ Mấy chục năm, ông lạc mấy phương trời?...” Nguyễn Lãm Thắng vì “Thương hoài thương hủy” quê xứ mà làm nên giọng thơ đặc biệt...

Chân dung nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng.

Nguyễn Lãm Thắng vừa là bút danh vừa là tên thật, ngoài ra còn có các bút danh danh khác là Nguyễn Du Lãm, Nguyễn Trần Bảo Nghi, Nhật Quang… Anh sinh năm 1973, quê tại làng Tịnh Đông Tây, Đại Lãnh, Đại Lộc. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1998, hiện là giảng viên dạy Ngôn ngữ, Hán Nôm và Văn hóa Việt Nam, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế.

Tác phẩm đã in: “Điệp ngữ tình” (54 bài thơ tình, 2007), “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi, 2012), “Họng đêm” (175 bài thơ tự do, 2012), “Đầu non cuối bãi” (54 bài thơ lục bát, 2014), “Giấc mơ buổi sáng” (345 bài thơ thiếu nhi, 2016), “Thương hoài thương hủy” (304 bài thơ, 2020).

Anh đã đoạt giải thưởng: Giải thưởng báo Mực tím năm 2003; Giải thưởng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế 2007; Giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế 2012 và 2020.

Ấn tượng trong mắt bạn văn

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh nhận định về thơ Nguyễn Lãm Thắng: “Các con chữ sắc ngọt, trương nở qua các công đoạn cắt dán và lắp ghép, hình thành những điểm nhô, nhọn, tượng trưng, siêu thực.

Do đó, những thi ảnh của “Họng đêm” vừa cất giấu những ám ảnh vô thức, vừa đầy lý trí, gợi nhiều luồng tiếp nhận… Với “Họng đêm”, Nguyễn Lãm Thắng thực sự đã minh chứng được vị trí của mình đối với thơ trẻ đương đại”.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận xét về tập thơ “Thương hoài thương hủy”: “Thi tập này vừa triệu hồi đau thương - vội vàng - điêu tàn, vừa kiến tạo cảm trạng đương đại, tích hợp các trào tiếu bỡn giỡn dân gian, cái khẩu ngữ khẩu khí xứ Quảng, cái bừa bộn hỗn mang dân tình. Mỗi nhát cắt thi phẩm không chỉ là sự vật vã của linh hồn, mà còn là sự giãy giụa của thân xác.

“Phật chúa im hơi không cứu rỗi”, “ta thương đời ta như câu thơ mong manh”. Và người thơ tự hóa giải kỳ oan thiên nan vấn, bằng xung lực sáng tạo, bằng cách thế vô vi như “câu kinh rong chơi” giữa vô thường phù sinh, bằng nỗi thương hoài thương hủy tha nhân và cuộc đời”.

Search vào Google mục từ “Nguyễn Lãm Thắng” nhận được những thông tin thấy choáng: Đã viết 1.008 bài thơ thiếu nhi; hay đã viết tất thảy 1.631 bài thơ, 130 bài dịch - hoặc: Nguyễn Lãm Thắng - 5 bài thơ xuất hiện 7 lần trong sách giáo khoa. Đó là số liệu chưa được cập nhật, có từ 10 năm trước! Ngoài ra, thơ Nguyễn Lãm Thắng được phổ nhạc hơn 300 bài, nhất là mảng thơ thiếu nhi.

 Có vẻ như Nguyễn Lãm Thắng không phải đang làm thơ mà đang tiến đến một cấp độ cao hơn: Chơi thơ thì phải!

Bóng cha trên từng con chữ

* Được biết, nhà thơ Nguyễn Sư Giao có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sáng tác của anh. Xin anh cho biết thêm về câu chuyện này.

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Ba tôi - nhà thơ Nguyễn Sư Giao - tác giả tuyển tập thơ “Dòng sông trăng” (NXB Văn học 2013) với hơn 400 bài thơ (trong đó có 166 bài thơ thiếu nhi) và truyện thơ “Dòng sông quê hương” (gồm 3.456 câu thơ lục bát). Ngoài ra, trong tuyển tập này có 34 bài thơ dịch từ thơ chữ Hán của các tác giả thơ Đường và thơ trung đại Việt Nam.

Từ nhỏ, tôi đã được tiếp cận với những tác phẩm thơ này. Khi lớn lên, đi làm thuê, đi học, rồi làm việc ở Huế, mỗi khi về thăm ba mẹ, tôi lại đọc một lần cho ba tôi nghe những sáng tác của ông.

Hai cha con - hai người bạn, lại có dịp hàn huyên câu chuyện văn nghệ và những sáng tác mới. Chính vì điều này, trong sáng tác của tôi có ảnh hưởng rất nhiều từ ba tôi. Tôi làm thơ lúc nào không biết. Các thể thơ tôi đều nắm vững thi luật. Đối với tôi, không có thể loại thơ nào là cũ.

Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng.
Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng.

* Nhiều năm làm giảng viên Đại học Sư phạm Huế và đã có nhiều công trình đáng kể. Xin anh cho biết một cách tổng quát về các đề tài anh đã và đang quan tâm?

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Tôi tốt nghiệp đại học ngành Văn - họa. Khi ở lại trường, tôi tham gia giảng dạy Hán Nôm, Phương ngữ học, Lịch sử tiếng Việt và Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nếu có điều kiện thuận lợi tôi sẽ in Tuyển tập thơ Đường, thơ chữ Hán trung đại Việt Nam, Địa danh Quảng Nam và sẽ triển lãm tranh cá nhân.

Đọc Nguyễn Lãm Thắng, chừng như có sự chuyển động trong từng câu chữ, từ tập thơ đầu “Điệp ngữ tình” đến “Thương hoài thương hủy”. Trong “Điệp ngữ tình”, sóng ngôn ngữ có cái êm dịu của biển hè: “Nơi anh sống lối về thơm hoa cỏ/ Những con đường dung dị không tên/ Anh nằm nghe xanh mùa lên tiếng thở/ Từ trong hồn phố nhỏ thân quen”, rồi “Anh gom cô đơn nối lại những giọt buồn/ Trong đôi mắt chiêm bao của từng đêm dông bão/ Cái rét gánh tương tư về trong lảo đảo/ Từng giọt mưa trò chuyện với cơn mê”.

Từ “Bâng khuâng gió chạm sân trường cũ/ Nắng đã thay mùa xanh biếc xanh/ Con bướm ngày xưa không đến nữa/ Nỗi buồn ghế đá cứ vây quanh” đến: “Sợi khói buồn thơm những nụ hôn/ Chiều cướp vội bay theo đàn gió lạ/ Mùa đổi dạ lá run cành hối hả/ Anh khai sinh cho đá giọt thơ mềm”.

Thế nhưng đến “Họng đêm” rồi “Đầu non cuối bãi”, người đọc thấy có những câu thơ bật lên: “Nắng loang ướt lá bồ đề/ Tiếng chuông đột quỵ bên lề hoàng hôn” và “Trời mang mang, đất mang mang/ Một đêm nằm nhớ văn lang quá trời”. Hay tưng tửng kiểu như: “Thưa em, anh biết chết liền/ Bàn tay năm ngón làm phiền… bàn tay”, hay “Một nghèo cộng với một nghèo/ Níu nhau, ta cõng qua đèo đức tin”…

Chuyển động của sóng ngôn ngữ

* Cảm giác thơ anh là sự chuyển động của sóng theo mùa: xuân-hạ-thu-đông, vậy đâu là nguồn năng lượng tạo nên sóng ngôn ngữ ấy?

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Với tập thơ đầu tay “Điệp ngữ tình” phần lớn được viết khi tôi còn là học sinh, sinh viên nên ngôn ngữ còn trong sáng. Đến “Họng đêm”, “Đầu non cuối bãi” rồi “Thương hoài thương hủy” hình như tôi già nua lúc nào không hay.

Bởi vì, tôi thấy cuộc đời này có quá nhiều nỗi buồn. Đôi lúc buồn quá, tôi lại “tưng tửng” với thơ để chắt chiu từng ký ức, từng nỗi vui nho nhỏ. Là người Quảng Nam, tôi càng biết nâng niu phương ngữ của xứ sở sinh ra mình. Tôi sợ lắm khi phương ngữ bị thời gian mai một.

* Có người nhận xét “Nguyễn Lãm Thắng làm thơ lục bát cứ như chơi”...

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Vâng, thơ lục bát dễ làm, cứ bắt vần sáu tám là được, nhưng khó hay. Biết bao nhà thơ đi trước đã thành công. Vì tôi yêu lục bát, nên cứ thở ra là lục bát. Còn nó như thế nào thì xin nhường lại cho bạn đọc.

* Thơ thiếu nhi chiếm khối lượng đáng kể trong gia tài sáng tác của anh. Đã có nhiều tập thơ thiếu nhi dày dặn ra đời. Anh cho biết thêm về vị trí của thơ thiếu nhi trong sự nghiệp sáng tác của mình?

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Tôi viết hơn 2.000 bài thơ cho trẻ con. Tập thơ “Giấc mơ buổi sáng” tái bản 2016 gồm 345 bài thơ, chỉ là một phần nhỏ thôi. Những bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1, 2 và 3 theo chương trình 2018 đã sử dụng 16 bài thơ, đoạn thơ của tôi làm ngữ liệu. Có gần 300 ca khúc thiếu nhi được phổ từ thơ tôi của các nhạc sĩ: Hoàng Lương, Hồ Hoàng, Quỳnh Hợp, Nguyễn Ngọc Tiến, Trương Pháp…

* Trong số những bài thơ được chọn in sách giáo khoa và phổ nhạc, anh tâm đắc với những tác phẩm nào nhất?

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Tôi thích các bài thơ như: “Giấc mơ buổi sáng”, “Con đường làng”, “Em nghĩ về trái đất”…

Đối với thơ được phổ nhạc, mỗi ca khúc đều có giai điệu riêng, tôi đều thích. Như: “Chợ xuân” (Quỳnh Hợp), “Trong giấc mơ buổi sáng” (Trương Pháp), “Vì sao lưng bà còng” (Hoàng Lương), “Heo đất ngày xuân” (Yên Lam), “Cái nắng đi chơi” (Nguyễn Tiến Nghĩa)…

* Bạn đọc rất thích những bài thơ rặt Quảng của anh, có thể kể một vài bài tiêu biểu về mảng đề tài này?

- Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Vâng, xin ví dụ vài bài: “Thương hoài thương hủy”, “Gặp chi cắc cớ rứa trời”, “Chiều ngó xa xăm”, “Đêm buồn sờ cái gót chân”, “Lẩn thẩn chiều quê”, “Tau hỏi mi”…

* Xin cảm ơn nhà thơ!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Lãm Thắng với chất thơ rặt Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO