Nhà thơ Tường Linh: Thường hằng một nỗi hoài hương

CHÂU NỮ 19/02/2017 09:23

Đâu phải đến bây chừ, sau hơn nửa thế kỷ sống xa quê hương và khi tuổi đã ngoài 86 - cái tuổi mà người ta vẫn thường sống bằng hồi niệm, bằng ký ức, nhà thơ Tường Linh mới gửi tình yêu về quê nhà qua từng tác phẩm. Thực ra, nỗi nhớ vẫn thường hằng, thao thiết trong ông từ xưa xa, ngay khi ông là chàng trai mới ngoài 20 tuổi, vừa rời quê nhà Trung Phước (Nông Sơn) ra đi…

Nhà thơ Tường Linh. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà thơ Tường Linh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Quê nhà: gần và xa

Nếu sinh ra tại một nơi khác không phải Quảng Nam, không chắc gì tôi đã trở thành một văn nghệ sĩ dù là văn nghệ sĩ nghiệp dư”. (Nhà thơ Tường Linh)

Phải “sẩy quê” ra đi được ít lâu, khi nghe tin ngôi làng Trung Phước của mình bị nhấn chìm bởi trận lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn - 1964, bất chấp hiểm nguy, Tường Linh bươn bả tìm về. Nhà nhà, người người trôi theo dòng nước dữ. Khung cảnh tang thương, qua lời kể của người dân trong làng, ông khóc quê bằng bài “Thảm nạn quê hương”. Bài thơ này sau đó trở thành bài thơ “dân gian”, các vị cao niên làng Trung Phước, Đại Bình quê ông đều thuộc và đọc trong “ngày giỗ quê hương” 6.10 hàng năm rồi truyền lại cho con cháu. “Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm/ Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm/ Đồng hoang vu còn giữ những thây người/Những thây người! Không đếm hết, em ơi!(...)/ Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ/ Thảm nạn này biết thuở nào quên”. Không quên được, nên mỗi khi nhắc về quê hương, trận đại hồng thủy xảy ra hơn nửa thế kỷ trước vẫn là một nỗi ám ảnh trong ông. Nhiều tác phẩm sau này của nhà thơ Tường Linh ít nhiều cũng có dính dáng tới trận lụt kinh hoàng ấy.

*
*              *

“Thiên lý tha hương ngộ cố tri”, huống chi với người có tuổi, lại mang tâm hồn thi sĩ đầy mẫn cảm và ưu lụy như Tường Linh, gặp người Quảng, nghe giọng Quảng, hỏi sao không mừng, không thương, không nhớ. Ấy là chuyện cách đây vài năm, cô bạn đồng nghiệp của tôi mang quà tết của Báo Quảng Nam đến biếu ông. Bạn kể, đi nhiều, gặp nhiều người Quảng xa quê ở khắp Bắc, Trung, Nam nhưng chưa gặp được ai khiến bạn trào nước mắt vì cảm động, vì cảm thấy gần gụi, thân thương như ruột thịt, như khi gặp nhà thơ Tường Linh. Bạn dùng dằng không muốn bước ra khỏi nhà ông. Bước đi mà cứ ngoái đầu nhìn lại; rồi gặp nụ cười hiền lành, ánh mắt hiền từ của ông dõi theo, dùng dằng... Cũng vậy, mỗi lần trò chuyện qua điện thoại với tôi, những câu nói đầu tiên của nhà thơ Tường Linh thường là hỏi thăm về những đổi thay ở quê nhà, về những bạn bè của ông một thuở. Và rồi ông tự vấn: “Nhưng sao mà càng nói càng thêm nhớ quê!?”. Xa quê mấy chục năm, bây giờ tuổi đã ngoài bát thập, sức khỏe có phần suy giảm mà tình yêu quê nhà, nỗi nhớ quê hương, không hề suy suyển mà ngày một đầy lên trong ông.

*
*                 *

Quê nhà, với nhà thơ Tường Linh gần mà xa. Gần, khi ông được “về quê” qua từng tác phẩm, qua từng trang báo. Ông theo dõi và vui mừng với những đổi thay của quê hương. Với tên tuổi, chất lượng bản thảo của mình, sáng tác của ông có thể gửi đăng được ở nhiều báo trong nước. Nhưng ông vẫn chọn những tờ báo, tạp chí ở Quảng Nam - Đà Nẵng để cộng tác. Ông bảo, có như thế ông mới được “về quê”... Báo Quảng Nam với ông là “người nhà”, rồi đến các tạp chí Đất Quảng, Non Nước... Ở tuổi này, sức khỏe yếu dần, mắt kém dần. Di chứng trong lần bị thương ở mắt cá chân năm nào khiến ông đi lại khó khăn, ông đau đáu vì mấy năm nay chưa về thăm quê. Và ông dự định trở về quê nhà trong năm nay vì sợ không còn cơ hội “nhìn mặt quê hương”... Con cháu ở Sài Gòn luôn xúm xít sum vầy nhưng ông vẫn luôn dành cho riêng mình một “khoảng sống” bằng ký ức.

Thơ và người

Nhà thơ Tường Linh tên thật là Nguyễn Linh, sinh ngày 12.12.1931 (tuổi thật năm Canh Ngọ - 1930); quê quán làng Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Năm 1954, ông sống ở Huế, Quảng Trị; từ năm 1956 đến nay sống tại TP.Hồ Chí Minh .

Ông đã xuất bản các tác phẩm: Thơ tập làm thuở nhỏ (in thạch bản, Tam Kỳ - 1950), Mùa di (in thạch bản, Bồng Sơn - 1953), Mùa hoa cải (Huế - 1955), Mây cố quận (NXB Tao Đàn, Sài Gòn - 1962), Nghìn khuya (NXB Tao Đàn, Sài Gòn - 1965), Thu ơi từ đó (NXB Tao Đàn, Sài Gòn -1972), Giọt cổ cầm (NXB Đà Nẵng - 1998), Về hỏi lại (NXB Đà Nẵng - 2001), Thơ Tường Linh tuyển tập (NXB Văn học - 2011).

Tường Linh trưởng thành trong thời kỳ chín năm kháng chiến chống Pháp. Ông nhớ lại, làng Trung Phước quê nội và làng Đại Bình quê ngoại của ông sau cách mạng tháng 8.1945 nhập thành xã mới Nam Linh. Địa bàn này là cửa ngõ vùng tự do rộng lớn của ta, kéo vào tận Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên của Liên khu Năm, giáp mặt với các tiền đồn của giặc Pháp như Thu Bồn, Phú Thuận... Cùng với các bạn trẻ ở trong xã, Tường Linh gia nhập đội du kích của xã Nam Linh, ngày đêm chốt giữ đường truông Phường Rạnh, Thạch Bàn, quân địch tiến lên là đánh. Suốt 9 năm, địch không thể tiến vào cửa ngõ này của ta. Đại Bình, vì thế, mãi là làng quê thanh bình như tên gọi.

Sau khi được dự một lớp quân chính tại Nam Trung Bộ, đầu năm 1949, Tường Linh nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại các mặt trận bắc Quảng Nam. Tháng 7.1954, trong một trận đánh, ông bị thương, chòm gân gần mắt cá chân phải bị đứt. Gần nhà ông có một bệnh xá dã chiến, ông được điều trị tại đây, chủ yếu là thay băng, chống nhiễm trùng. Do vết thương lâu lành này mà ông không thể đi bộ vào Quy Nhơn (Bình Định) để tập kết. Khi phía ta rút đi theo Hiệp định Genève, tại Quảng Nam thường xảy ra những vụ trả thù những người kháng chiến còn ở lại. Tường Linh, nhờ người dân báo tin, che chở đã may mắn thoát hiểm trong một đêm bị kẻ thù săn lùng. Với cái chân bị thương chưa lành, ông ra Huế, Quảng Trị nhưng thấy không ổn bèn vào Sài Gòn ẩn trú. Khi đã tạo được giấy tờ hợp pháp, ông tìm việc làm vừa để mưu sinh, vừa theo học đại học Văn khoa Sài Gòn...

*
*                 *

Tường Linh khá rành về thơ Đường luật và các cổ thể như đối, phú, chúc văn, văn tế, biền ngẫu... trước khi biết về thơ mới, bởi vì ông nội của ông (là bạn đồng niên, đồng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng) đã dạy kỹ cho Tường Linh. Ông chuyển sang thơ mới với tác phẩm đầu tiên là bài thơ “Chị Điện Hòa” viết về một liệt nữ đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh với giặc Pháp tại xã Điện Hòa (Điện Bàn) ngày 4.11.1950. Người “Chị Điện Hòa” đã cực kỳ kiên cường chèo đò dưới làn đạn để đưa một đơn vị ta sang sông và hy sinh dưới hai làn đạn của máy bay giặc. Là người lính được cứu, là người trong cuộc, ông đã viết lại thành thơ. Tương tự bài “Thảm nạn quê hương”, bài thơ “Chị Điện Hòa” đến nay vẫn còn được nhiều vị cao tuổi ở xã Điện Hòa nhớ và nhắc lại.

Ở đâu cũng vậy, Tường Linh - một nghệ sĩ hiền và lành như đất, được đất và người bao dung, che chở. Có lẽ vì thế, thơ, truyện của ông, dù là tiếng kêu xé lòng về chiến tranh, tai ương, hoặc khúc tráng ca khải hoàn, hay niềm vui thanh bình hạnh phúc, thảy đều nhẹ nhàng, có tình, có hậu. “Văn là người”. Với ông điều này thật đúng. Văn xuôi hay thơ của Tường Linh chủ yếu là về quê hương, đất nước và con người. Những đề tài, sự kiện về quê nhà Quảng Nam, trước 1975, Tường Linh viết để đăng tải trên các báo tiến bộ ở Sài Gòn như tạp chí Bách Khoa, nhật báo Điện Tín... Từ 1975 đến nay, những tác phẩm loại ấy, ông dành riêng cho Báo Quảng Nam và các báo, tạp chí khác ở quê nhà.

Tường Linh yêu quê hương đến độ hình ảnh nào của Quảng Nam cũng đều có thể được ông đưa vào thơ, vào truyện. Nặng ân tình với Quảng Nam, có lần ông bộc bạch: “Nếu sinh ra tại một nơi khác không phải Quảng Nam, không chắc gì tôi đã trở thành một văn nghệ sĩ dù là văn nghệ sĩ nghiệp dư”. Ông vẫn khiêm tốn như thế dù ông có một gia tài văn chương đồ sộ: hơn 10 tập thơ in riêng với hàng trăm bài; gần 130 truyện ngắn, tùy bút và 36 bài hồi ký viết theo thể tự truyện. Hầu hết tác phẩm của ông đầy ắp những sự kiện, kỷ niệm của đời ông với quê hương, về quê hương, được tái hiện bằng những hình ảnh mộc mạc, gần gụi, thân thương, chân thành, sâu lắng, da diết... Da diết, vời vợi và đau đáu thương yêu như những dòng thơ ông viết cho ngày rời quê xứ thuở nào: “Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng/ Đôi bờ, xin gửi chút thương mong/ Quê hương chớ gọi tôi là khách/ Bài độc hành ca viết chửa xong” (Đi giữa đôi bờ).

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà thơ Tường Linh: Thường hằng một nỗi hoài hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO