Những trang sách thấm đượm tình quê

BẢO ANH 22/08/2021 06:32

Từ những thôi thúc ở nơi sâu thẳm tâm hồn và tình quê máu thịt, những người cầm bút xứ Quảng đã viết rất nhiều về quê hương. Vẻ đẹp của đất và người xứ Quảng hiện ra tươi đẹp, gần gũi, ngọt lịm cảm xúc, nóng hổi hơi thở cuộc sống... trong từng trang sách.

Quê hương, xứ sở là nguồn cảm hứng, là đề tài của rất nhiều tác phẩm văn học của các tác giả Quảng Nam. Ảnh: B.A
Quê hương, xứ sở là nguồn cảm hứng, là đề tài của rất nhiều tác phẩm văn học của các tác giả Quảng Nam. Ảnh: B.A

Hương sắc Quảng

Trong làng văn Quảng Nam hiện tại, viết trực tiếp, tả trực diện, kể thực cảnh về xứ Quảng có lẽ không ai bằng nhà văn Hồ Duy Lệ và Phạm Thông. Trong văn của hai ông, tên đất, tên làng, cảnh sắc, phong vị... đều là những thứ có thật, ở xứ Quảng, của xứ Quảng.

Tất nhiên, yêu cầu của thể tài bút ký buộc người viết phải trung thành với “nguyên mẫu” cuộc sống. Trong khi đó, cũng là người viết nhiều về quê nhà, nhưng tùy trường hợp, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ khi thì chọn phương thức trực tả, khi thì chọn cách tiếp cận gián tiếp. Nhưng dù tiếp cận với cách nào, nhiều vùng trên mảnh đất chưa mưa đà thấm luôn thấp thoáng trong các tập sách.

Không hoặc hiếm khi nêu đích danh một địa danh cụ thể nào, nhưng cảnh sắc, đối thoại, bối cảnh, hành trạng của nhân vật... trong văn của nhiều cây bút văn xuôi khác ở Quảng Nam vẫn đủ để người đọc nhận ra bóng dáng xứ Quảng thân thương.

Đó là một Hiệp Đức nhiều duyên nợ trong văn Nguyễn Tấn Ái; một Tam Kỳ đầy kỷ niệm và giàu khát vọng trong văn Phương Dung, Ngô Phú Thiện, Duy Hiển; một Hội An cổ kính, vừa xa vừa gần trong văn Cao Kim, Phạm Thúc Hồng...

Hay như với nhà văn Lê Trâm, không phải cho đến khi tập tản văn “Về yêu xứ rượu Hồng Đào” được phát hành (năm 2018), người đọc mới nhận ra anh là cây bút yêu xứ Quảng đến da diết. Thực ra, tập sách này là một góc nhìn gần của anh về xứ Quảng hôm qua và hôm nay.

Như với nhiều tác giả văn xuôi, quê hương gần gũi, thân thương cũng là một đề tài phổ biến trong thơ của nhiều nhà thơ xứ Quảng. Có những tập thơ, chỉ đọc cái tựa đã thấy tình quê tình thơ chất ngất: “Khúc hát lưu dân” (Nguyễn Đức Dũng); “Sinh ra từ cánh đồng làng” (Ngô Thị Thục Trang); “Cánh đồng và dòng sông”, “Miền quê”, “Địa đạo Phú An” (Huỳnh Minh Tâm); “Gió ba sông” (Nguyễn Tấn Sĩ); “Bóng làng” (Ngô Hà Phương); “Giếng làng” (Huỳnh Ngọc Sáu)...

Giới văn nghệ Quảng Nam đã từng thử “thống kê” về cảm hứng sáng tác của một số nhà thơ xứ Quảng và đưa ra một số đáp số thú vị. Chẳng hạn với nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, có không dưới 30 vùng đất cụ thể ở xứ Quảng in dấu trong thơ anh; trong đó nhiều nhất là các vùng quê thuộc Tam Kỳ và Phú Ninh.

Với các nhà thơ Nguyễn Giúp, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Hải Triều, hai con sông Thu Bồn và Vu Gia là hình ảnh thường trực, đến mức nhà văn - nhà phê bình văn học Lê Hoài Lương phải thốt lên, rằng nếu không có hai con sông kia, không biết các nhà thơ ấy sẽ làm thơ như thế nào...

Nối dài tình yêu xứ sở

Theo thống kê của Chi hội Văn học Quảng Nam, tính từ năm 2015 trở lại đây, các hội viên của chi hội đã xuất bản được hơn 100 tập sách, gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, tản văn. Nội dung, đề tài, hình tượng nhân vật nhìn chung rất đa dạng, nhưng thường thấy trong nhiều tác phẩm là những góc nhìn tinh tế, những cảm nhận chân thành, gần gũi về quê nhà. Nói cách khác, dù được phản ảnh trực diện hay gián tiếp, bóng dáng của một Quảng Nam “chưa mưa đà thấm”, kiên trung bất khuất, son sắt nghĩa tình vẫn luôn ẩn hiện.

Ngoài ý thức tự thân của mỗi người cầm bút, từ năm 2017, “Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam” bắt đầu được thực hiện, tạo thêm nguồn động viên để văn giới tập trung sáng tác nhiều hơn về quê nhà.

Qua 2 đợt xét hỗ trợ theo tiêu chí của chính sách này vào các năm 2017, 2019 và đợt xét “thử nghiệm” với các tiêu chí tương tự được thực hiện vào năm 2014, đã có hơn 70 đầu sách văn học và nghiên cứu về Quảng Nam được hỗ trợ kinh phí để xuất bản. Đây đều là những tập sách được thẩm định, sàng lọc kỹ càng, vừa giàu chất Quảng bởi gắn với và đáp ứng được tiêu chí “viết về Quảng Nam”, vừa đảm bảo các yêu cầu về văn chương nói chung.

 Năm 2021 này, thêm một đợt xét hỗ trợ xuất bản nữa trong khuôn khổ của chính sách nói trên tiếp tục được thực hiện. Thông tin từ Sở VH-TT&DL cho biết, lần này có 30 bản thảo của các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về dự xét. Trong số này, có 20 bản thảo văn học và đặc biệt là với thơ, lần đầu tiên kể từ năm 2017 đến nay, có 2 tập trường ca.

Nhìn tổng thể, hầu hết bản thảo đều bám sát các nội dung, đề tài theo yêu cầu để được hưởng chính sách hỗ trợ, như: phản ánh truyền thống, lịch sử đấu tranh cách mạng; công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; thiếu nhi; những nhân tố mới, tích cực trong đời sống xã hội; văn hóa các dân tộc, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Cũng nhờ việc bám sát các chủ đề, đề tài này, đa số các bản thảo có “chất Quảng” khá đậm nét, nhất là ở các tác phẩm bút ký, ghi chép, tản văn, tùy bút... Điều này cho thấy, đất và người Quảng Nam vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho những người cầm bút.

Hiện tại, công tác đánh giá, thẩm định đối với các bản thảo tham gia dự xét trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021 đang được tiến hành khẩn trương. Kết quả cuối cùng và những đánh giá cụ thể thì phải chờ ít nhất một tháng nữa, nhưng theo đánh giá sơ bộ của một số thành viên hội đồng thẩm định, có nhiều điều rất đáng được chờ đợi về một “mùa sách Quảng” từ chính sách này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những trang sách thấm đượm tình quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO