Pierre Lục và sách cho trẻ em

LÊ NHẬT KÝ 27/11/2021 16:06

(QNO) - Nói tới những người Quảng Nam – Đà Nẵng viết sách cho trẻ em, nhiều người thường nghĩ đến Võ Quảng, Nguyễn Nhật Ánh, Kim Hài, Quế Hương… Ít ai biết rằng, trước những cây bút vừa kể, có linh mục  Pierre Lục (hay Phê-rô Lục) vừa biên tập, vừa viết nhiều cuốn sách về giáo dục và văn học cho thiếu nhi…

Sách Ấu học
Sách Ấu học

“Bà đỡ” nhiều tâm huyết

Ông tên thật là Trần Lục, sinh năm 1868, tại làng Phú Thượng, xã Hòa Sơn, tỉnh Quảng Nam – nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Ngay từ năm 13 tuổi, ông vào học tập tại Tiểu chủng viện Làng Sông (Bình Định), rồi sau đó sang Pinang (Malaysia) học tiếp. Ông thụ phong linh mục vào năm 1898.

Pierre Lục làm việc chủ yếu tại nhà in Làng Sông. Đó là một trong ba nhà in quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, thành lập vào khoảng năm 1868. Nhà in Làng Sông hoạt động đến cuối năm 1953 thì ngừng hẳn vì chiến tranh khốc liệt.

Với gần một thế kỉ hoạt động như vậy, Làng Sông đã xuất bản được một khối lượng sách báo phong phú, gồm nhiều thể loại và cho nhiều đối tượng khác nhau. Sách báo Làng Sông được phổ biến rộng rãi, hiện còn lưu giữ được khoảng 400 ấn phẩm tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Linh mục Pierre Lục làm việc tại nhà in Làng Sông vào những năm 1904 – 1906, và 1923 – 1926. Ở giai đoạn sau, ông được giao nhiệm vụ kiểm duyệt các bản thảo, trước khi đưa cho nhà in ấn hành. Ông là người giỏi văn chương quốc ngữ nên thực hiện công việc này một cách dễ dàng và hứng thú.

Trong kết quả biên tập chung, mảng sách dành cho trẻ em là một cống hiến quan trọng của Pierre Lục. Khẳng định này chủ yếu dựa trên sự suy đoán, vì thời bấy giờ, danh tính người biên tập, người chịu trách nhiệm xuất bản hầu như không được thể hiện lên bìa sách như hiện nay.

Suy đoán ấy xuất phát từ chức trách (kiểm duyệt sách vở quốc âm) và mong muốn làm “cho trẻ nhỏ mở trí” của ông, kết hợp với thời gian xuất bản của các ấn phẩm. Cố nhiên, không phải mọi ấn phẩm ra đời trong thời gian Pierre Lục làm việc tại Làng Sông đều do “một tay ông đặt bày” mà có thể còn liên quan tới người khác. Nhưng, với những căn cứ kể trên, chúng ta hoàn toàn có niềm tin về dấu ấn “bà đỡ” của Pierre Lục ở hầu hết các trang sách giáo dục, văn học dành cho trẻ em. Cụ thể, đó là các  sách giáo dục, như: Sách mẹo An Nam tiểu học (Trần Kim); Tiểu quốc ngữ văn ngữ pháp: cho các trường tiểu học theo tiếng Trung kỳ (Pierre Thanh Hương); Của tôi tập đọc; Toán pháp ấu học: Bốn phép gốc; Tập đánh vần chữ Quốc ngữ cho mau biết coi sách; Bài vẽ hoạch (Huỳnh Trước); Con nít học nói cho nhằm lễ nghi: Tiên học lễ, hậu học văn (Simon Chính); các sách văn học: Vì thương chẳng nệ (Đảnh Sơn); Trước cửa thiên đàng; Tiếng Chúa gọi; Ngai vàng (Lê Văn Đức); Lục súc tranh công (dân gian); Chúa hài đồng gọi (Đinh Văn Sắt)…

Một thuận lợi của nhà in Làng Sông là sự phát triển khá mạnh mẽ của hệ thống trường học do nhà nước và giáo phận thành lập. Theo thống kê của trang Me’morial de la Mission de Qui Nhơn, đến cuối năm 1927, chỉ riêng giáo phận Đông Đàng Trong đã thành lập được 60 trường học. Chương trình giáo dục của nhà trường bao gồm nhiều môn học quốc ngữ khác nhau: Tập viết, Tập đọc, Chính tả, Từ vựng, Toán số học, đo lường, hình học, Địa lý, Lịch sử, Đạo đức, Mỹ thuật… Thực tế này đã đặt ra cho nhà in Làng Sông nhiệm vụ phải cung cấp đầy đủ sách học cho nhà trường. Bản thân Pierre Lục rất quan tâm tới chất lượng của sách nên ông thường “hay trở đi trở lại nhà trường, nhà in mấy phen”, lắng nghe dư luận về “việc sách vở chữ nghĩa” để có căn cứ chỉnh sửa.

Tác giả tại Nhà in Làng Sông
Tác giả tại Nhà in Làng Sông

Dấu ấn “bà đỡ” của Pierre Lục ở mảng sách này là định hướng về cách tổ chức bản thảo sao cho phù hợp với tâm lí, năng lực tiếp nhận của trẻ em ở từng độ tuổi. Trong các sách dạy về tập đọc, ngữ pháp hay giao tiếp ứng xử, tác giả thường hay kết hợp hài hòa giữa hai mục tiêu giáo dục và giải trí. Người biên soạn đã đưa vào sách nhiều mẩu chuyện đời thường, thú vị và giàu ý nghĩa giáo dục. Mặt khác, lời văn rõ ràng, trong sáng và không kém phần tươi tắn, mới mẻ, ví như: “Ngoài đồng trông một màu vàng ói, các bông lúa nặng trĩu những hột nên cúi rạp xuống đất; thỉnh thoảng một luồng gió thổi, cây lúa lướt theo chiều gió, khác nào như những làn sóng trong sông, ngoài bể vậy” (Tả cảnh ngày mùa)…

Cố nhiên, để có được những ấn phẩm tốt, phù hợp với chủ trương chung và quan điểm cá nhân, ông phải làm việc với các tác giả, cân nhắc lựa chọn bản thảo để “mọi người, bất kì là một bậc học thức thông minh, cho đến cậu học sinh bé nhỏ, hay những quần thao nữ sĩ cầm đến đều hiểu được” (Tiểu sử Phê-rô Lục).

Trong công việc của mình, Pierre Lục đã trung thành với nguyên tắc làm việc đó, đồng thời hỗ trợ tác giả tối đa để có được những cuốn sách hay, những bài báo tốt phục vụ bạn đọc. Đóng góp của ông ở phương diện này diễn ra âm thầm, không dễ đo lường nhưng không phải là không cảm nhận được.

Nhà viết sách tiên phong

Pierre Lục có 4/10 cuốn sách viết cho trẻ em là Ấu học (1906), Trung học (1914), Nghị luận (1915) và Hai chị em lưu lạc (1927). Trong số đó, hai cuốn Ấu học và Hai chị em lưu lạc thực sự là những sáng tạo quan trọng, đã làm nên tên tuổi đời văn, đồng thời đưa ông vào nhóm những cây bút Quảng Nam có vai trò tiên phong ở một thể loại hay một lĩnh vực văn hóa cụ thể.

Sách Hai chị em lưu lạc.
Bìa cuốn sách Hai chị em lưu lạc.

Ở vị trí tác phẩm đầu tiên, Ấu học là sách dành cho giáo dục trẻ em, được tác giả viết năm 1905, vào những lúc công việc tại nhà in rảnh rỗi. Năm 1906, Ấu học được xuất bản, phát hành tới các trường học thuộc địa phận Qui Nhơn, Sài Gòn và một số địa phương khác.

Đặc điểm của cuốn sách là chú trọng tới giáo dục gia đình nên những trao đổi của tác giả hướng tới cùng lúc với cả hai đối tượng là phụ huynh và trẻ em.

Trong lời đầu sách, tác giả cho biết ông soạn sách này trong bối cảnh nhiều nơi đã có trường dạy chữ quốc ngữ cho trẻ em, vì thế, cần đặt bày “đôi chuyện vui chơi, hầu trẻ nhỏ tập đọc cho quen, lại cũng cho biết ăn ở nết na thật thà khiêm nhượng” (Lời khuyên).

Trên quan điểm như vậy, ông xây dựng nội dung cuốn sách thành 31 chương, mỗi chương đều có tiêu đề, như: Con nít từ hai tuổi sấp lên, Con Chơn được trứng gà, Con mèo chụp chim sẻ sẻ… Ở bốn chương đầu, tác giả chia sẻ với phụ huynh về đặc điểm và phương pháp giáo dục trẻ em theo từng độ tuổi: 2 –  4 tuổi, 5 – 6 tuổi, 9 – 10 tuổi… Hai mươi bảy chương còn lại dành cho trẻ em, theo cách vừa kể chuyện, vừa trò chuyện về điều hay, tật xấu của con người. Để trẻ dễ tiếp thu, ông chọn cách truyền đạt bài học thông qua các câu chuyện thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Chuyện kể của ông ngắn gọn, bài học giáo dục được nêu lên trực tiếp bởi chính tác giả (người kể chuyện) hay một nhân vật nào đó trong tác phẩm. Cách thức truyền đạt này hoàn toàn phù hợp với tâm lí tiếp nhận của trẻ em, vốn mạnh về trực giác hơn luận lí.

Vào nửa đầu thế kỉ XX, một số cuốn sách về giáo dục gia đình, giáo dục trẻ em theo tinh thần văn hóa phương Tây đã được biên soạn, giới thiệu rộng rãi tới công chúng: Ấu học (Pierre Lục, 1906), Bài vẽ hoạch (Huỳnh Trước, 1927), Gia đình giáo dục (Nguyễn Trọng Thuật, 1934), Giáo dục nhi đồng (Đạm Phương nữ sử, 1942)… Trong tương quan chung, Ấu học vinh dự là cuốn sách giáo dục trẻ em đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ; là tác phẩm  mở đầu dòng sách giáo dục trẻ em thời hiện đại, được nhiều người quan tâm tìm đọc và tiếp nối.

Năm 1927, Pierre Lục xuất bản cuốn tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc. Với cuốn sách này, ông có thêm niềm vinh dự tương tự khi trở thành người đầu tiên ở Việt Nam viết tiểu thuyết cho trẻ em.

Trong lời Tựa sách, ông viết như sau: “Đã có nhiều tiểu thuyết cho người lớn, mà chưa thấy tiểu thuyết cho trẻ nhỏ coi chơi. Vậy tôi soạn cuốn này đặng cho trẻ nhỏ coi, chẳng những giải khuây, mà lại nhứt là đặng học đòi gương lành thói tốt: con cái biết thảo kính vâng lời cha mẹ; anh chị em biết thương yêu gìn giữ nhau; bạn hữu phải hết lòng trung tín giúp đỡ nhau”.

Kiểm chứng lại thực tiễn văn học thiếu nhi Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, có thể thấy ý kiến trên của ông là có cơ sở. Với Hai chị em lưu lạc, Pierre Lục đã khắc phục được khoảng trống thể loại, mở đầu dòng tiểu thuyết phiêu lưu vốn rất được bạn đọc thiếu nhi yêu thích.

Toàn bộ nội dung tiểu thuyết được tác giả bố trí thành bốn hồi (chương), trong mỗi hồi lại chia ra nhiều mục cụ thể, có tên gọi nên rất thuận lợi cho quá trình tiếp nhận, ghi nhớ của các em.

Học tập kinh nghiệm nghệ thuật phương Tây, Pierre Lục đã xây dựng Hai chị em lưu lạc thành một câu chuyện phiêu lưu của hai thiếu niên có tên là Gương và Lành. Đó là những đứa trẻ ngoan đạo, không may mẹ mất sớm (vì dịch bệnh), phải cùng cha rời Bình Định vào Nam tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Trên hành trình di chuyển này, hai đứa trẻ gặp rất nhiều biến cố do thiên tai và nhân tai gây nên. Truyện kể càng lúc càng hấp dẫn khi Gương và Lành bị bắt cóc, phải trải qua nhiều ngày tháng khổ cực trên đất Cao Miên, Lào, Hồng Kông… Cuối cùng, nhờ trí thông minh lanh lẹ, hai chị em đã thoát được chốn ngục tù, trở về với gia đình, tiếp tục ăn học nên người. Cùng với chất phiêu lưu, Hai chị em lưu lạc còn hấp dẫn bởi nội dung thương tâm, khơi sâu vào lòng trắc ẩn của bạn đọc.

Trước năm 1975, tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc được nhà văn Nhật Lệ Giang phóng tác, xuất bản trong Tủ sách Tuổi hoa ở miền Nam. Bản phóng tác gọn hơn, có thay đổi ít nhiều về câu chữ, ngôn từ để phù hợp hơn với hoàn cảnh mới của văn phong tiếng Việt.

Khi viết cho trẻ em, Pierre Lục rất chú trọng về mặt ngôn ngữ. Dù là Ấu học, Nghị luận, Trung học hay Hai chị em lưu lạc, ông đều chọn lối văn trong sáng, biểu cảm và giàu tính nghệ thuật. Pierre Lục am hiểu đời sống sâu rộng, vốn từ vựng phong phú nên ngòi bút rất linh động, diễn tả khéo léo và tinh tế mọi trạng huống của hiện thực và tâm lí con người. So với ngày nay, lối văn của ông không nhiều xa cách; do đó, hoàn toàn có thể giới thiệu rộng rãi tới bạn đọc.

Thái độ coi trọng việc sử dụng ngôn ngữ của Pierre Lục là kết quả nhận thức về tác động của sách vở, văn chương đối với bạn đọc trẻ em. Cụ thể, người viết sách phải tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển ngôn ngữ cho các em. Trong những năm đầu thế kỉ XX, yêu cầu nói trên càng được coi trọng khi công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ đang được cổ động mạnh mẽ. Bản thân Pierre Lục tin tưởng sâu sắc rằng, khi trẻ em say mê đọc sách thì chúng sẽ tích lũy được nhiều lời hay ý tốt, nhờ đó mà nói năng sẽ trở nên lưu loát hơn, văn minh hơn.

Vì nhiều lí do mà sự nghiệp trước tác của Pierre Lục chưa được phổ biến rộng rãi. Mãi tới thời gian gần đây, khi nguồn gốc chữ quốc ngữ được quan tâm trở lại và giáo phận Qui Nhơn tiến hành tái thiết Tủ sách Nước Mặn thì đóng góp của Pierre Lục mới dần được tìm hiểu, khẳng định. Thiết nghĩ, ông hoàn toàn xứng đáng để được tôn vinh trên tư cách một người Quảng Nam – Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự tiến bộ của nền văn hóa nói chung, sự tiến bộ của trẻ em nói riêng, ở giai đoạn giao thời, chuyển sang phạm trù hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Pierre Lục và sách cho trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO