Suối nguồn - sự kiêu hãnh của tồn tại

LÊ THỊ NGỌC TRÂM (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An) 31/10/2021 14:47

(QNO) - Mặc dù được xuất bản cách đây gần một thế kỷ nhưng cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học Mỹ - "Suối nguồn" vẫn đem lại hứng thú mãnh liệt cho bạn đọc trẻ đương đại. Tác phẩm “khó đọc” này được thi vị hóa bởi cách giới thiệu hấp dẫn, chuyên nghiệp, sâu sắc của cô giáo Lê Thị Ngọc Trâm.

Là giáo viên dạy Văn và rất say mê đọc sách, cô giáo Lê Thị Ngọc Trâm chắc chắn sẽ tròn vai trong việc truyền cảm hứng tích cực cho học sinh, lan tỏa những giá trị riêng biệt và tích cực của văn hóa đọc.

-----------------------

Bìa tập sách Suối nguồn. Ảnh: NGỌC TRÂM
Bìa tập sách Suối nguồn. Ảnh: NGỌC TRÂM

Giữa thảm họa đại dịch, Suối nguồn (The Fountainhead) - tác phẩm kinh điển dày đến 1.200 trang của tác giả Ayn Rand mang đến cho bạn đọc thực sự là một nguồn suối mát lành, tôn vinh sự kiêu hãnh của tồn tại.

Với một người ngại đọc những tác phẩm đồ sộ như tôi, Suối nguồn có lẽ không nằm trong sự lựa chọn. Tuy nhiên một duyên cớ nào đó khiến khi đọc những trang đầu tiên và tôi đã không thể bỏ xuống.

Truyện kể về anh chàng kiến trúc sư trẻ Howard Roark, anh bị đuổi khỏi trường đại học và cả công ty mình đang làm việc bởi những ý tưởng táo bạo khi theo đuổi trường phái kiến trúc hiện đại, đồng nghĩa với việc đi ngược lại thời cuộc và số đông.

Dám khác biệt là một sự dũng cảm. Câu chuyện tiếp tục với hành trình sống khắc nghiệt mà Roark phải trải qua khi anh liên tục bị từ chối. Nói như nhà nghiên cứu người Đức Peter von Matt: “Chúng ta thích cái đã quen thuộc”. Suối nguồn nói điều ngược lại: cái mới chính là điều hấp dẫn.

Đặt nhân vật trong sự đối lập với Peter Keating, Gail Wynand, tác giả mang đến bối cảnh đám đông cho Roark xuất hiện, vừa tạo ra được những đoạn đối thoại giàu tính triết lý.

 
Saturday Review of Literature giới thiệu "Suối nguồn".

Roark hầu như đơn thương độc mã, anh bảo vệ đến cùng dấu ấn cá nhân trong mỗi công trình mình tạo ra. Dù để nuôi dưỡng niềm say mê sáng tạo, anh đã phải đánh đổi, đạp đổ và chịu đựng như một kẻ ngốc trong cuộc đua danh lợi. Số phận của Roark tương tự với số phận của tác giả viết ra nó. Nữ nhà văn người Mỹ gốc Nga này đã bị 12 nhà xuất bản từ chối nhưng cô vẫn giữ tiên cảm: tác phẩm sẽ sống!

Tôi dần hiểu vì sao mình không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ cuốn sách, bởi khi đọc người, ta cũng đang đọc chính mình.

Khác biệt không phải là một lựa chọn mà là định mệnh. Mỗi chúng ta đều khác biệt, có chăng nỗi sợ hãi đơn độc khiến chúng ta bỏ rơi, lãng quên điều đó. Đã bao lần, ta đánh mất tiếng nói bên trong, phản bội chính linh hồn mình chỉ vì định kiến, sự áp đặt và tư duy bầy đàn?

Tác giả chắp thêm đôi cánh bay bổng bằng câu chuyện tình yêu giữa Roark và Dominique Fracon, một người con gái cũng cá tính không kém. Họ có sự hòa quyện lứa đôi ngay từ lần gặp đầu hay đó cũng là ngụ ý của nhà văn cho sức hấp dẫn của niềm kiêu hãnh được là mình? Một tình yêu vừa mang màu sắc giới tính, vừa phi giới tính đã làm tôi liên tưởng đến “bệnh Đan Thiềm” trong vở kịch Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng).

Không ngoa khi tôi cho rằng đây là một cuốn triết học về con người cá nhân. Suối nguồn giúp mỗi người định nghĩa được sự kiêu hãnh bản thể; để trả lời cho ba câu hỏi lớn: Tôi là ai? Tôi có gì? Tôi muốn gì?

Một số trích dẫn từ “Suối nguồn“.
Một số trích dẫn từ “Suối nguồn".

Theo tôi, tác phẩm không viết về một con người lý tưởng (như chính tác giả đã chia sẻ) mà phục diện phần ưu việt bên trong mỗi con người bình thường. Cái tiên quyết, chúng ta cần một niềm tin vào chính bản thân mình. Sở dĩ Roark đã sống một cuộc đời trọn vẹn là bởi: “Anh là một người có đức tin sâu sắc, Roark ạ - đức tin theo cách của riêng anh. Tôi có thể nhìn thấy nó trong những tòa nhà anh kiến trúc” (nhân vật Hopton Stoddard).

Điều tôi băn khoăn, một tác phẩm lãng mạn như Suối nguồn đứng ở vị trí nào trong đời sống văn hóa đương đại? Khi sự thực dụng dần lên ngôi; trong nhịp sống nhanh vội, nếu không bắt kịp tốc độ thời đại, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau, lạc loài và vô dụng?

Thế nhưng, chính trong bối cảnh ấy, văn chương nói riêng và chủ nghĩa lãng mạn nói chung (bằng cách xây dựng một thế giới như nó có thểphải là) lại là khoản cứu trợ tinh thần kịp thời trong cuộc sống ngày càng nghèo nàn sự mơ mộng. Chúng bồi đắp rất nhiều lý tưởng và ước mơ, níu giữ cho chúng ta một điểm tựa giữa thế giới chênh vênh.

Khép lại cuốn sách, tôi nghe thì thầm những tiếng nói bên trong nội tâm mình và trước mắt tôi là viễn cảnh: “Ở đó, chỉ còn đại dương, bầu trời, và hình dáng của Howard Roark”.

-------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Suối nguồn - sự kiêu hãnh của tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO