Thành phố của những ngày ngộp thở

LÊ TRÂM 26/01/2022 16:35

(QNO) - Nhà văn Trần Nhã Thụy quê Quảng Ngãi, đi học và trụ lại sinh sống, làm việc tại TP.Hồ Chí Minh đã mấy chục năm. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, như nhiều người khác, anh cũng định cùng cả nhà “thoát” khỏi Sài Gòn.

Bìa tập sách “Viết từ thành phố lockdown“.
Tập sách “Viết từ thành phố lockdown”. Ảnh: LÊ TRÂM

Cuối cùng, vì nhiều lý do, anh đã ở lại. Và cuốn vào cùng cơn đại dịch khủng khiếp suốt mấy tháng trời, những ghi chép ban đầu của nhà văn lần lượt xuất hiện trên Facebook giúp nhiều người hình dung về thành phố những ngày “thót tim” ấy.

Một chương trình giúp đỡ nhiều người đang “vùng vẫy tuyệt vọng” trong cơn đại dịch do anh cùng những người bạn tâm huyết và can đảm mang tên “Trụ lại Sài Gòn” đã cứu giúp bao nhiêu người, bao nhiêu số phận.

Trong bộn bề lo toan, khốn đốn cùng đại dịch, những ghi chép và việc làm vô cùng thiết thực của anh và nhóm bạn được ghi lại trong “Viết từ thành phố lockdown” (anh viết cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, NXB Hội Nhà văn 2021) giúp mọi người hình dung lại mấy tháng trời “khủng khiếp” vừa trôi qua.

Phần I “Phố tàn hơi” là những ghi chép - tản văn của Trần Nhã Thụy, bắt đầu từ sự xuất hiện của “Bóng người xanh” trên các ngõ hẻm, đường phố, ban đầu còn thưa thớt, sau đó đậm dần, cùng những tiếng còi hú của xe cứu thương vang vọng ngày đêm khắp hang cùng ngõ hẻm đầy bi thương.

Hiện thực khắc nghiệt, dữ dội, tàn khốc như một cơn bão dữ đánh thẳng vào mọi gia đình, ngóc ngách của xã hội khiến mọi thứ giá trị lâu nay có vẻ ổn định bỗng chốc thay đổi hoàn toàn. Không còn nhắm mắt trôi theo dòng chảy của công việc, của số phận, người ta bắt đầu nhìn nhận lại, đánh giá lại mọi thứ giá trị và “không thể sống như những ngày tháng cũ”.

Những mảng hiện thực dữ dội được tác giả ghi lại khá đậm nét qua các bài “Truyện viết trong thành phố lockdown”, “Ghi chú về một ngày trong thành phố lockdown”, “Phố tàn hơi”, “Những phận đời lênh đênh trên ghe”. Trong đó, “Chuyện bạn tôi, hay một ví dụ kinh điển về đại dịch Covid-19” là một “tổng kết” khá đắt về hình ảnh những ngày khủng khiếp của Sài Gòn.

Trong đại dịch, người ta bỗng nhớ nhiều về quê nhà. Quê nhà gần như là cứu cánh cuối cùng của không ít gia đình. Lần lượt những đợt người lũ lượt rủ nhau rời bỏ thành phố trở về quê nhà với tất cả mọi phương tiện có được. Một hiện thực nghiệt ngã lần đầu tiên xuất hiện khiến mọi người xót xa cho số phận con người. Bài thơ “Đêm nay quỳ lạy cùng nhau” của Trần Nhã Thụy như một vết dao cứa vào lòng mọi người. Có lẽ, nhiều năm nữa đọc lại bài thơ người ta sẽ hình dung khá rõ về những ngày tháng này.

Phần II “Làn sóng vi rút mới & cuộc rượt đuổi ở Sài Gòn” của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh là cái nhìn của một người thầy thuốc về đại dịch và số phận con người trong cơn lốc dữ. Đó là cái nhìn toàn diện về vi rút corona, về dịch Covid-19 ở nước ta và thế giới.

Những nhận định về một số giải pháp chống dịch cũng được đề cập một cách thấu đáo: về việc giãn cách, vắc xin cho y tế tư nhân, tiêm vắc xin và việc làm, sức mạnh của hệ thống y tế trong đại dịch, vấn đề nghiên cứu khoa học trong đại dịch… Nổi bật trong các ghi chép là “Sài Gòn những ngày u ám”, “Khám bệnh thời giãn cách”, “Chuyện ở bệnh viện dã chiến”…

“Hôm nay con số tử vong của Sài Gòn là 41, con số nhiễm trên dưới một nghìn”. Đó là ghi chép ngày 21.10.2021 của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Những nhận định của một người giỏi chuyên môn từ hai tháng trước trong “Nghĩ về dịch, giặc & pháo đài chống dịch” thật có giá trị để có những giải pháp hữu hiệu phù hợp tình hình dịch ngày càng phức tạp.

Những giải pháp về cách ly F0, F1, test nhanh, xét nghiệm PCR, về vắc xin… đã dần được kiểm chứng để có cơ sở thực hiện đem lại hiệu quả cao. Tình hình dịch giã vẫn chưa giảm thiểu nhưng bây giờ đã bớt hẳn đi sự hốt hoảng ban đầu, chúng ta nhìn nhận, đối diện, xử lý với cơn dịch bằng sự bình tĩnh và kinh nghiệm “xương máu” của những ngày thành phố ngộp thở mấy tháng trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành phố của những ngày ngộp thở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO