Trót yêu câu hát nên đời đắm say…

ĐẶNG TRƯƠNG 26/03/2023 07:10

Những năm đầu sau ngày chia tách tỉnh, có một người đã để lại dấu ấn khá đậm nét với thế hệ người trẻ lần đầu vào Tam Kỳ làm việc như chúng tôi. Ông là Hồ Thanh Hải, người luôn dành tình yêu da diết cho bài chòi xứ Quảng…

Ông Hồ Thanh Hải.
Ông Hồ Thanh Hải.

Ông Hồ Thanh Hải ngoài là lãnh đạo Đảng ủy Khối Các cơ quan của tỉnh lúc bấy giờ, còn là người say mê văn nghệ, nhất là dân ca kịch. Dường như, vốn quý âm nhạc truyền thống xứ Quảng đã thấm vào máu thịt ông nên dễ chừng, đi đâu, chuyện trò với ai, ông cũng nói về dân ca kịch.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn, dù tuổi cao nhưng giọng ông vẫn ngọt lịm, những bài ca về một thời chiến tranh bom đạn, những mất mát hy sinh nơi miền quê cát dọc dài đất Quảng Nam cứ hiển hiện, để người nghe kịp hình dung về quá khứ chịu nhiều đau thương của đất và người xứ Quảng.

Chuyện xưa còn đó

Ông Hồ Thanh Hải hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Những người yêu thích bài chòi Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong câu chuyện với chúng tôi về thời thơ ấu, ông Hải không giấu được niềm xúc động khi nhắc nhớ ký ức nơi vùng quê cát Đồng Trì (Bình Hải, Thăng Bình).

Những năm tháng ấy, cha ông thoát ly tham gia cách mạng, mẹ đi bước nữa, Hồ Thanh Hải sống ở quê với những người cô của mình. Ông nói, ngày ấy, chẳng hiểu sao trong lòng cứ thôi thúc một suy nghĩ, phải vượt qua khó khăn để học lấy cái chữ.

Có chữ rồi mới đi theo con đường của ba làm cách mạng. Hồi đó, nhà ông thi thoảng có các chú bộ đội miền Bắc về đóng chân. Buổi trưa, các chú mắc võng quanh vườn và mở sổ nhật ký đọc thư, ngâm thơ…

Với bản tính tò mò lại thấy quá hay, ông mon men xin các chú cho chép thơ và bày cách ngâm. Và rồi không biết tự khi nào, những bài thơ về cách mạng, về tình quân dân, quê hương đất nước còn cách chia, đã ngấm vào lòng Hồ Thanh Hải lúc nào không hay.

Tháng 9/1967, lúc đang còn niên thiếu, Hồ Thanh Hải thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Ông được nhận vào làm diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng huyện Thăng Bình.

Nhờ có giọng hát hay, lại thuộc được ít nhiều bài hát, Thanh Hải được giao ngay cho vai diễn đầu đời trong vở dân ca kịch nổi tiếng thời bấy giờ “Đội kịch chim chèo bẻo”. Vậy là từ đó, ông theo chân anh chị em trong đoàn, hầu hết tuổi từ 14 đến 16, đi biểu diễn khắp nơi trên đất Thăng Bình, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người xem.

Bây giờ, khi đi qua gần trọn đời người, nhưng những câu hát cũ cứ ám ảnh ông khôn nguôi: “Quên sao được những giờ trốn học/ Lũ trẻ chúng tôi ngập lặn nô đùa/ Chia hai phe làm giặc giã ăn thua/ Rồi ném nhau từng nắm đất vỏ dưa trái xoài/ Như gió nồm lên tung cánh diều bay/ Cởi trần nằm trên cát mà lòng đầy ước mơ”…

Năm 1968, ông Hồ Thanh Hải được điều về công tác ở Ban Địch vận huyện Thăng Bình, làm nhân viên viết li-tô, in truyền đơn và gọi loa kêu gọi binh lính phía bên kia bỏ súng quay về với đồng bào.

“Ban ngày đi rải truyền đơn, ban đêm đi gọi loa ở những địa bàn khác nhau, chọn nhà có cây mít cao, dưới có hầm bí mật… bắc loa làm nhiệm vụ. Khi tiếng loa vừa cất lên thì từ đồn bót súng bắn tới tấp hòng át tiếng gọi và đe dọa người gọi…” - ông Hồ Thanh Hải nhớ lại.

Đợi tiếng súng ngưng, ông cất lên giọng hát. Hát rằng: “Bắn vào ai, bắn vào ai khi trong tay tôi đang cầm cây súng Mỹ, nhìn quê hương máu rỉ trong tim. Súng Mỹ cầm tay đạn vẫn nằm im, đồng ruộng bờ tre này quen thuộc quá. Bóng dáng ai đi xa đâu phải người xa lạ. Đòn gánh cầm tay tóc xõa ngang vai…”.

Lời hát dân ca vừa ngân vang, tiếng súng trong đồn im phăng phắc, dường như đã đánh động được con tim những người cầm súng phía bên kia. Cứ thế, cuộc chiến đấu đầy cam go, thử thách, bằng “nồng nàn, cháy bỏng câu hát dân ca đã đi theo những năm tháng dài đời tôi thuở ấy…” - lời ông Hồ Thanh Hải.

Tình yêu với nghệ thuật truyền thống

Rời cương vị công tác, ông Hồ Thanh Hải trở về với cuộc sống đời thường, dành thời gian lục lại trong ngăn kéo ký ức những câu hát dân ca thuở nào, lần tìm bài bản của từng làn điệu và bắt tay viết các ca khúc dân ca.

Với sự trợ giúp của những người đồng đội cũ, những nghệ sĩ dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng như Đỗ Linh, Ngọc Thủy, Minh Hiệp, Thanh Bình, Huyền Tân…, ông Hồ Thanh Hải đã từng bước cho ra đời hàng chục bài hát dân ca, ngợi ca đổi thay của quê hương Quảng Nam, nhắc nhớ về một thời đau thương mà anh dũng đã qua.

Bài chòi là sản phẩm du lịch đặc sắc ở Hội An. Ảnh: L.T.K
Bài chòi là sản phẩm du lịch đặc sắc ở Hội An. Ảnh: L.T.K

Những bài dân ca được ông viết như: “Hiệp Đức mảnh đất yêu thương”, “Dũng sĩ trong lòng dân”, “Sắc son lòng mẹ”, “Bình Hải quê tôi” hay “Bình Sa đất nặng nghĩa tình” rồi “Bình Dương, mảnh đất anh hùng”… giúp ông trải lòng mình với những nơi chốn đi qua, công tác và nặng nợ.

Tôi lại về thăm quê hương Hiệp Đức/ Dòng sông Tranh vẫn uốn khúc lững lờ trôi/ Hòn Kẽm Đá Dừng vang trong tiếng mẹ đưa nôi/ Bao kỷ niệm chợt ùa về trong nỗi nhớ/ Bến phà trưa không còn cách trở/ Nhịp cầu nay làm rạng rõ đất Tân Bình/ Tự hào Hiệp Đức quê mình/ Một thời chiến đấu hy sinh giữ đất này…” (Hiệp Đức mảnh đất yêu thương).

Ông Hồ Thanh Hải bộc bạch: “Bây giờ đi đâu, nghe hát dân ca bài chòi là trong lòng như trẻ lại. Khi nghỉ công tác nhà nước, tôi về suy ngẫm và bắt đầu viết. Muốn sáng tác bài chòi phải hiểu được các làn điệu. Ký ức hồi tham gia đoàn văn công đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này…”.

Đam mê dân ca, bài chòi, ông Hồ Thanh Hải cùng một số nghệ sĩ dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập CLB Những người yêu thích bài chòi Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 2012.

Sau hơn 10 năm hình thành và hoạt động, mặc dù mọi thứ đều dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng các thành viên trong CLB luôn xác định sống hết mình vì nghệ thuật bài chòi của quê hương.

CLB đã tập hợp được nhiều giọng hát, sưu tầm và thu âm thành đĩa CD những bài dân ca, bài chòi trong kháng chiến, tổ chức những chuyến sinh hoạt về một số địa phương phục vụ yêu cầu của bà con yêu thích bài chòi như Đại Lộc, Điện Bàn hay Hòa Vang (TP.Đà Nẵng)…

Không đủ tiềm lực để thực hiện trọn vẹn các vở diễn ca kịch đã một thời đi vào lòng người dân xứ Quảng như “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Khúc hát tình đời”, “Một mạng người” hay “Quê hương dậy sóng”…, CLB dựng lại một số trích đoạn trong các vở diễn này, đem đến cảm xúc mạnh mẽ cho người xem.

Nhạc sĩ Minh Đức - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, chia sẻ: “Anh Hồ Thanh Hải khi về hưu cũng như thời trai trẻ, luôn say đắm với bài chòi. Sau khi nghỉ hưu, anh dành tâm huyết viết về đất và người quê hương sâu sắc, ân tình.

Ngoài việc yêu thích bài chòi, dường như Hồ Thanh Hải còn mang một sứ mệnh dìu dắt, đào tạo thế hệ nối tiếp yêu thích bài chòi xứ Quảng trong CLB Những người yêu thích bài chòi Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ đó tạo niềm tin và nhịp rung để thế hệ đi sau kế tục tình yêu với dân ca bài chòi, điều này thật đáng quý…” .

Dù thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, dù tuổi tác có thể làm quên lãng bao điều, nhưng tình yêu với dân ca bài chòi vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim người lính trên mặt trận tư tưởng - Hồ Thanh Hải.

Ông bảo, đời ông đã trót yêu câu dân ca đất mẹ, nên đã hóa thành đắm say để ít nhiều tạo niềm khích lệ, động viên để lớp trẻ hôm nay tiếp tục gìn giữ ngọn lửa ấm nóng của âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại với nhiều bộn bề, tấp nập…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trót yêu câu hát nên đời đắm say…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO