Tác giả và tác giả... giả

BẢO LÂM 16/02/2014 11:59

Khi internet kết nối toàn cầu, chuyện đạo thơ, đạo văn... dần trở nên phổ biến và gây bức xúc cho những người sáng tác. Vì háo danh, những tác giả... giả chỉ cần sử dụng “công nghệ” cắt, dán, sao chép, thay tên đổi họ là biến tác phẩm của người khác thành... của mình(!).

Mới đây, tác giả Duy Khoát phát hiện bài thơ Lời một thủy thủ gồm 4 câu của nhà thơ Vương Trọng đã có đến 2 tác giả... giả là Anh Ngữ và Đức Ánh “mông má” bằng cách đổi tựa đề và thay đổi một vài từ để biến thành... của mình(!). Phát hiện này đã làm xôn xao văn đàn và ngay sau đó, nhà thơ Vương Trọng đã lên tiếng, bày tỏ quan điểm dứt khoát: “Bài thơ của tôi công bố tháng 6.1992. Nếu bài thơ của ông Đức Ánh công bố trước tháng 6.1992, thì rõ ràng Đức Ánh sáng tác trước tôi và tôi là người đạo thơ. Nếu bài thơ của Đức Ánh xuất hiện lần đầu tiên sau tháng 6.1992, thì ông mang tội đạo thơ tôi”.

Trước đó, “nhà văn” Lê Thủy ở Đắc Nông đã “đạo văn” gần như nguyên văn cả chục truyện ngắn của các tác giả nổi tiếng, ký tên mình và đăng trên tạp chí văn nghệ nơi “nhà văn” ấy làm trưởng ban biên tập đã khiến dư luận xôn xao. Một “tác giả... giả” hiện sống tại Quảng Nam là B.H.C. cũng đã bị nhà thơ Văn Công Hùng “chỉ mặt” trên phongdiep.net vì đã đạo bài của ông đem đăng báo khác kiếm tiền nhuận bút. Với tác giả... giả này, Báo Quảng Nam sớm phát hiện và thẳng thừng từ chối nhận bài cộng tác cách đây 4 - 5 năm vì “đạo văn” của một tác giả ở miền Bắc. Tại Quảng Nam cũng còn một số trường hợp “đạo văn” nhưng rất may là được dàn xếp ổn thỏa, nên không gây nhiều tai tiếng và... hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh nạn “đạo văn”, “đạo báo”, còn có “đạo” cả công trình nghiên cứu. Biên tập viên một tạp chí văn nghệ ở Quảng Nam kể: Một thạc sĩ văn chương đang làm việc ở An Giang cóp nguyên văn bài nghiên cứu của một thạc sĩ văn chương đang công tác tại trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An), thêm thắt 8 câu đầu và cuối bài viết, ký tên mình và gửi cộng tác. Khi bài viết này chuẩn bị lên khuôn thì phát hiện dấu hiệu nghi vấn, biên tập viên liên lạc với tác giả, đề nghị cung cấp tài liệu khoa học gốc thì nhận được lời thách thức: “Nếu nghi ngờ, các anh cứ việc điều tra”. Và, sau nhiều lần liên hệ với bạn bè đồng nghiệp và một số cơ sở đào tạo thạc sĩ ở Hà Nội, Huế, chứng cứ được phơi bày. Và chỉ khi ấy, “kẻ cắp” mới chịu nhận lỗi và khẩn khoản xin tha.

Rõ ràng, sự tồn tại của những tác giả... giả không chỉ ảnh hưởng đến tác giả thật, mà còn làm vẩn đục không khí văn chương, báo chí; thậm chí còn khiến cho niềm tin của độc giả vào sự cao quý của văn chương và tính trung thực của báo chí bị giảm sút ít nhiều. Để tránh tiếp tay cho kẻ xấu, kẻ háo danh, nhiều tờ báo, tạp chí đã phải cài đặt tiện ích chống sao chép đối với một số trường hợp đã quen tên biết mặt...

BẢO LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tác giả và tác giả... giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO