Tác nghiệp khi thảm họa xảy ra

XUÂN LAN 21/06/2018 11:29

Như những người lính cứu hộ, trong nhiều trường hợp phóng viên phải tức tốc đến hiện trường tác nghiệp nhằm phản ánh về thảm họa xảy ra, khi chưa kịp xem xét mối hiểm nguy họ sẽ phải đối mặt.

TS.Cait McMahon Giám đốc Trung tâm Dart Centre Asia Pacific (giữa) chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp báo chí tại hội thảo. Ảnh: X.L
TS.Cait McMahon Giám đốc Trung tâm Dart Centre Asia Pacific (giữa) chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp báo chí tại hội thảo. Ảnh: X.L

Nhà báo hiện đại

Hiện nay, hầu hết nhà báo chuyên nghiệp thường được gọi là những “nhà hoạt động xã hội”. Công việc của họ là đến hiện trường vừa xảy ra sự kiện, hoặc tiếp xúc với những người trong cuộc để thực hiện các bản tin, phỏng vấn, bình luận, điều tra, hoặc quay phim, chụp ảnh, ghi âm về những vấn đề mới diễn ra đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng để công chúng biết rõ ngọn nguồn của sự thật. Báo chí phản ánh sự thật khách quan, sứ mệnh cơ bản của nhà báo là giúp công chúng tìm hiểu trạng thái biến động chân thực của môi trường khách quan, vì vậy, báo chí phải phản ánh một cách chân thực các vấn đề khách quan, không được đưa tin sai sự thật.

 Trong cuốn “Nhà báo hiện đại” (Khoa báo chí Đại học Missouri - Mỹ) dạy nghề cho những nhà báo của thế kỷ 21 nêu rõ xu hướng tích hợp báo in, truyền hình và báo trực tuyến chung một tòa soạn đang phổ biến trên thế giới. Điều đó, buộc những người làm báo phải đa năng hơn và báo chí buộc phải thay đổi cách xử lý thông tin nếu không muốn xa rời công chúng. Tuy nhiên, giáo trình này khẳng định: “Dẫu có đổi thay gì thì hai truyền thống vẫn luôn là cốt lõi. Thứ nhất, đó là đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mọi nhà báo phải chính xác và công bằng. Thứ hai, điều khó giải thích nhưng lại dễ bị công kích, là truyền thống về tính khách quan. Tổng hòa được hai truyền thống này chính là điều mà các phóng viên và biên tập viên luôn cố gắng thực hiện trong công việc của mình”. Ở Việt Nam, nhà báo có trách nhiệm lấy việc phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân làm tôn chỉ mục đích. Trong điều 3 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam quy định rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự  thật…”.

Tác nghiệp trong dông bão

Ngày nay, độ rủi ro mà phóng viên trong thời bình phải đối mặt không thể so với thời chiến “mưa bom bão đạn”, song  nghề báo vẫn là một nghề “nguy hiểm”. Nhất là đội ngũ sản xuất tin, biên tập viên, phóng viên di động (mobile journalist), phóng viên ảnh… khi thường xuyên phải tường thuật các thảm họa. TS. Cait McMahon - Giám đốc điều hành Trung tâm Dart Centre Asia Pacific phát biểu trong Hội thảo “Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí - Việt Nam 2018” do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 4.3.2018  như sau: “Báo chí của chúng tôi đóng vai trò nền tảng giúp công dân hiểu về thảm họa và chia sẻ những lo lắng, sự cảm thông và cả kỹ năng ứng phó. 80 - 100% nhà báo sẽ trải qua ít nhất một sự kiện có khả năng gây ra những phản ứng chấn thương nghiêm trọng”.  Bà Cait chia sẻ thêm: Phóng viên, phóng viên ảnh, kỹ sư, nhân viên âm thanh và hiện trường luôn làm việc rất gần với nhân viên cứu hộ. Công việc của những nhà báo tác nghiệp tại hiện trường không khác gì cảnh sát và lính cứu hỏa nhưng họ lại ít được quan tâm sau khi bài báo đã đăng. Trong khi đó nhân viên cứu hộ thường được dự các buổi thảo luận, được tư vấn sau khi một sự kiện chấn động xảy ra...

Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa, nhiều cột mốc thời gian chấn động hơn. Việc ứng xử với mỗi nạn nhân bạn gặp tại hiện trường bằng sự nhạy cảm và tôn trọng. Cần công khai danh tính của bạn và tờ báo trước khi hỏi thông tin. Cần tập trung viết về cuộc đời của nạn nhân và sức ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng. Đây là những bài viết ngắn về nạn nhân, sở thích, điều gì khiến họ đặc biệt và hiệu ứng lan tỏa của cuộc đời họ. Rất nhiều trường hợp, họ hàng nạn nhân sẽ muốn trò chuyện khi biết phóng viên đang viết những câu chuyện như thế. Sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11.9.2001, tờ The New York Times đặt tên cho những truyện ngắn về các nạn nhân là “Chân dung mất mát” (Portraits of Grief). Tờ Asbury Park Press gọi những câu chuyện của mình là “Tưởng nhớ” (In Tribute). Những mẩu chuyện này được xuất bản hằng ngày với hình thức như nhau cho đến khi những nạn nhân đều được nhắc tới. Tạo ra không gian để mọi người chia sẻ suy nghĩ, đặc biệt là những lời động viên, gợi ý những cách thức mọi người có thể giúp đỡ cũng là cách mà nhà báo cần thực hiện. Làm báo  kiểu này còn được gọi là “Báo chí giải pháp” (Solution journalism).

Thay vì mô tả về các thảm họa, điều đó có thể sẽ làm tăng thêm cảm giác đau thương và tuyệt vọng, các nhà báo nên xác định những giải pháp khả thi, lôi cuốn độc giả và cộng đồng tham gia khắc phục, cùng nhau giải quyết vấn đề. Những bài báo như thế sẽ đem lại niềm hy vọng cho cộng đồng. Cuối cùng, bạn sẽ phải chụp ảnh hoặc quay phim hình ảnh máu me tại hiện trường. Tự hỏi xem chúng có quan trọng cho mục đích ghi nhận lịch sử, hoặc chúng có quá bạo lực cho độc giả và khán giả của bạn hay không? Phóng viên cần lưu ý điểm quan trọng nhất trong thảm kịch là câu chuyện về con người. Cộng đồng quan trọng hơn một cuộc thảm sát hay thảm họa, bản tin phải phản ánh được khía cạnh đó.

XUÂN LAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tác nghiệp khi thảm họa xảy ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO