Tác nghiệp ở World Cup

TRẦN ĐĂNG (thực hiện) 10/06/2018 15:18

Được tác nghiệp tại các sân cỏ trong ngày hội bóng đá thế giới là mơ ước của nhiều nhà báo. Nhà báo Đỗ Hùng, báo Thanh Niên đã có đến… 4 kỳ may mắn đó. Anh chia sẻ với Quảng Nam cuối tuần về những trải nghiệm của mình qua các kỳ World Cup.

 Đỗ Hùng tác nghiệp trong một trận đấu World Cup 2010 tại Nam Phi. Ảnh: Đ.H
Đỗ Hùng tác nghiệp trong một trận đấu World Cup 2010 tại Nam Phi. Ảnh: Đ.H

Đỗ Hùng hiện là biên tập viên của báo Thanh Niên. Độc giả còn biết đến anh qua facebook với nick “Mít tờ Đỗ” với những bài viết khá hóm hỉnh, đặc biệt là những bài vè bằng thể lục bát đã thành “thơ truyền khẩu” trong dân gian. Anh còn là phóng viên thể thao chuyên viết bài ngay tại hiện trường - nơi diễn ra các trận đấu mỗi mùa World Cup. Tôi vừa liên lạc với anh để làm bài phỏng vấn này thì được anh cho biết: “Tôi đang làm thủ tục tại ga Đồng Đăng để nhập cảnh Trung Quốc, sau đó đáp tàu lửa đi Mông Cổ. Dự định là sẽ lang thang ở nước này để xem… cừu và ngựa hoang mươi hôm nữa rồi mới sang Nga”.

Đỗ Hùng là thế, tham dự World Cup nhưng đôi khi anh lại rong ruổi qua những địa danh xem chừng chả liên quan gì đến bóng đá để có bài viết “không đụng hàng” với các đồng nghiệp. Ví dụ như mùa World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi, anh thuê chiếc xe “đời cô Lựu” của một cựu nô lệ da đen người Xhosa để được đặt chân đến khu phố ổ chuột, nơi có ngôi nhà “bé như bàn tay” của một con người mà hết thảy dân Nam Phi đều xem ông như thánh nhân: Nelson Mandela. Còn bây giờ thì anh chuẩn bị lang thang qua những thảo nguyên - xứ sở của loài ngựa mà dân Mông Cổ xem lưng của nó như ngôi nhà của mình.

Nhưng dù là rẽ tắt qua một lối nào đó để viết về những gì không thuộc về bóng đá, song thấp thoáng trong mỗi bài báo của Đỗ Hùng qua các kỳ World Cup, người đọc vẫn nghe được, thấy được cái không khí hội hè của những fan cuồng môn thể thao vua này.
Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Linh, Quảng Trị - một nơi vừa nghèo tiền bạc, lại “nghèo” cả với trái banh, anh chơi với trái bóng từ khi nào vậy?

Tôi phải đính chính ngay là tôi… thiếu thước, nhẹ cân nên nói đến banh bóng, tôi chỉ đứng bên ngoài sân cỏ. Vì vậy, anh hỏi tôi đến với trái banh từ lúc nào sẽ rất dễ bị hiểu lầm tôi là cầu thủ lạc sang viết báo. Nhưng không sao, mình đá không được thì mình mê nó, chả ai trách cả. Đúng như anh nói, vùng Vĩnh Linh, mãi đến năm 1994 mới có một đơn vị làm QL1A có cái tivi “hột mè” nhưng dân bu vô xem đông chẳng khác ngày hội của làng.

Tôi xem vài trận thì bị ốm, vô chữa trị tại Bệnh viện Huế và may mắn được xem trực tiếp truyền hình màu không có “hột mè”. Xem có mấy trận vậy mà ghiền lúc nào không hay. Đọc báo Hoa học trò lúc ấy, người ta cũng nói về bóng đá thế giới nên tôi thuộc luôn tên các cầu thủ tham dự World Cup 1994 tại Mỹ qua “kênh” này.  Đến giờ tôi vẫn còn nhớ  bàn thắng do Letchkov bay người đánh đầu vào lưới đội tuyển Đức, giúp Bulgaria hạ Đức ở tứ kết. Năm 1995, tôi vô học ngoại ngữ của Đại học Tổng hợp Huế, có dịp xem bóng đá quốc tế đều đặn hơn do chỗ gần nhà trọ có cái tivi của bà bán cháo bò. Cái món cháo bò với mùi thơm nức mũi vẫn hành hạ đám sinh viên bụng lép như tôi thức khuya xem bóng đá, song trái banh trên các sân cỏ châu Âu nhiều khi làm cho tôi quên cả đói!

Ra trường lang thang vô Sài Gòn tìm việc, gặp trúng cái cơ quan tổ chức sự kiện nhưng ế ẩm, rảnh quá tôi ngồi viết báo thử xem sao. Viết cộng tác cho hầu hết báo bán chạy nhất thời đó. Một hôm xem báo Thanh Niên thấy họ tuyển phóng viên thể thao, tôi đâm đơn ứng thí. Xem qua các bài báo đã đăng của tôi, các sếp báo Thanh Niên đồng ý cho tôi thử việc. Sẵn dịp đó (2002) có ông Sepp Blatter, Chủ tịch FIFA sang Việt Nam, tôi được giao phỏng vấn ông ấy ngay tại sân bay, cũng là để các sếp “nghiệm thu” luôn khả năng của tôi. Còn nhớ bữa đó ông Trần Văn Mui, Phó Chủ tịch LĐBĐ TP.Hồ Chí Minh cứ dặn đi dặn lại các nhà báo là có hỏi Sepp Blatter cũng nhẹ nhàng đừng để mếch lòng ông ấy. Thế nhưng tôi vẫn hỏi ông Seep là FIFA xử lý thế nào vụ Syria ăn gian tuổi khiến tuyển U16 Việt Nam của Văn Quyến bị loại? Câu hỏi “không vâng lời” ấy, vậy mà lại được các sếp báo Thanh Niên duyệt cho tôi trở thành thành viên của báo đến ngày nay luôn!
Việt Nam có mấy trăm tờ báo, phóng viên thể thao “đông như quân Nguyên”, vậy anh có “mánh” gì mà mùa World Cup nào, FIFA họ cũng mời anh vậy?

Ồ, chả có “mánh” nào cả. Để FIFA họ cấp cho cái thẻ tác nghiệp, vào xem tất cả trận đấu là một câu chuyện dài. Đại để thế này, khoảng một năm trước kỳ World Cup, FIFA sẽ phân phối các suất thẻ phóng viên tác nghiệp cho các liên đoàn thành viên. Tùy theo thứ hạng và một số tiêu chí khác, số lượng thẻ sẽ được cấp tương ứng. Ví dụ nước nào có đội tuyển góp mặt thì được nhiều suất. Nước nào có hệ thống truyền thông mạnh như Mỹ cũng được nhiều suất hơn. Việt Nam mình khoảng 7 - 8 suất nhưng mấy quan chức của Liên đoàn bóng đá lấy hết 3 - 4 suất rồi dù các ông ấy có suất riêng nhưng mang “biếu” cho người khác chẳng hạn. Tôi từng “bắt quả tang” ông Nguyễn Lân Trung - một quan chức của Liên đoàn bóng đá mang thẻ phóng viên ngồi xem trên khán đài World Cup! Số 3 - 4 suất còn lại thì… bốc thăm. Số tôi gặp may nên lần nào bốc thăm cũng trúng!

Tôi biết, Đỗ Hùng khiêm tốn (hay tự trào) mà nói vậy thôi chứ muốn lọt qua cuộc sát hạch của FIFA để có mặt tại các kỳ World Cup, “may mắn” như anh nói, chưa đủ mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Hằng năm, FIFA luôn theo dõi các phóng viên đã từng tác nghiệp tại các kỳ World Cup xem thử anh ta có còn viết về bóng đá thế giới nữa không. Đó cũng là tiêu chí quan trọng để họ xét duyệt cấp thẻ cho các kỳ tiếp theo.
Tác nghiệp ở các kỳ World Cup, rào cản mà lớn nhất mà anh gặp phải là gì?

Là kinh phí! Cơ quan cấp công tác phí theo kiểu Việt Nam, còn mình thì phải tiêu theo kiểu… Tây nên phải cố gắng cày bừa đủ các thể loại như bài cho online, cho báo giấy, lại còn làm clip nữa để gỡ gạc chút đỉnh. Gặp nơi múi giờ bất lợi cho mình thì phải làm sao đó để bài không lạc hậu với những gì đã diễn ra và phải căng mình ra vừa xem đá banh, vừa hóng hớt chuyện “bên lề”, lại vừa tăng tốc để kịp gửi về tòa soạn cho đúng giờ. Thứ hai nữa là phải tính toán việc đi lại sao cho hợp lý nhất. Nhớ dạo World Cup năm 2006 tại Đức, nhiều bữa tôi phải ngủ trên tàu một đêm để hôm sau có mặt tại một địa điểm khác, kịp xem trận cầu ở đó. Mình ngủ trên tàu như vậy cho đỡ tốn một đêm khách sạn. Nói vậy chứ nhiều hôm do trục trặc giờ giấc, tôi buộc phải thức trắng đêm ở các sân ga. Cái này có khi cũng rất vui vì mình có dịp “nhập” vào đám đông ăn nhậu la hét suốt đêm ở các ga tàu, qua đó mình biết thêm nhiều chuyện mà ở phòng máy lạnh trong khách sạn không thể có được.

Một điều nữa mà tôi hay gặp là làm sứ giả bất đắc dĩ để nói về đất nước mình. Nhiều lần tôi làm thủ tục để lấy thẻ tác nghiệp, có nhân viên cắc cớ hỏi: “Ủa Việt Nam mà cũng có nhà báo tham gia World Cup à? Thế nước mày có đội bóng không? Có giải giải đấu kiểu Premier League không?”. Lại cũng có những nhóm cổ động viên gặp ở sân ga, biết tôi là người Việt Nam, họ giơ tay lên kiểu như giơ khẩu súng rồi hô “pằng pằng!”, ý nói mình chỉ biết có đánh nhau thôi, làm gì biết đá bóng. Tôi buồn ghê gớm. Những lúc ấy, tôi lại phải gân cổ lên nói với họ rằng, dân nước tao cũng ghiền bóng đá chả thua gì các nước cả. Nước tao cũng có đội bóng nhưng đá ở giải khu vực thôi. Một ngày nào đó sẽ có mặt trong ngày hội bóng đá thế giới như thế này. Chờ xem nhé!”.
Anh đi World Cup lần này có gì khác những lần trước không?

Cũng chẳng khác mấy, chỉ mang đồ nghề nhiều hơn thôi. Làm báo thời đa phương tiện này nên mình cũng “đa” theo. Tôi hy vọng lần này sẽ không phải giải thích hoặc làm sứ giả bất đắc dĩ về đất nước Việt Nam và đội bóng quê hương nữa. Là người hay tham gia các kỳ World Cup, tôi có một khao khát cháy bỏng rằng, một ngày không xa, đội tuyển của chúng ta sẽ góp mặt trong cuộc chơi này. Thường Châu tuyết trắng đầy cảm xúc có thể được tái hiện ở đâu? Đến bao giờ?

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

TRẦN ĐĂNG (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tác nghiệp ở World Cup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO