Tác nghiệp thời hiện đại...

HỒ DUY LỆ 22/06/2013 12:59

Khi nghỉ hưu làm báo, tôi chưa biết xài vi tính, là thời kỳ mà nhiều tổng biên tập, thư ký tòa soạn đã làm ma-két và duyệt bài trên máy vi tính. Là  thời cho các nhà báo còn trẻ măng, vào nghề viết bài trên vi tính, chụp ảnh kỹ thuật số. Sướng là chỗ đó!
1.Một lần, nhân dịp “thăm lại chiến trường xưa”, tôi đi với nhà báo Trương Điện Thắng lên vùng cao Trà My, giáp giới Kon Tum. Tôi chỉ mang cái xách nhỏ đủ đựng một quyển sổ tay và cái… quần đùi, phòng ở lại thì có cái thay. Còn Trương Điện Thắng kéo theo cái xách nặng trịch. Tôi hỏi, đi làm báo mà làm như đi du lịch vậy à? Thắng nhìn tôi, hình như anh ta chê tôi quá lỗi thời: Anh thì đi chơi là chính, còn tôi đi làm báo là chính. Không phải làm báo “bao cấp” của các anh đâu. Tôi không thèm cãi vì anh ta là dân gốc Quảng Nam, lại sinh ra bên bờ con sông Thu Bồn mang họ Trương mà có máu của Phan Khôi. Đi cả ngày mệt đừ, ăn tối xong là tôi nằm. Nằm một lúc, ngồi dậy, thì thấy Trương Điện Thắng đang cặm cụi bên bàn, cắm mặt vào cái vi tính xách tay, dưới ánh đèn neon không sáng lắm. Trương Điện Thắng cũng đừ điếc, vì thấy chi cũng đưa cái máy ảnh lên nhắm, nghía, chớp, nghe ai nói chi cũng ghi, chiều về chỗ nghỉ thì ăn ít, nói không ngớt, uống  nhiều… Lúc nhìn Thắng bên cái vi tính với dây nhợ dài nhùng nhằng, tôi hiểu vì răng Thắng kéo theo cái xách to đùng, hiểu tại răng Thắng không chịu ở lại với anh em Đội Cầu - đường trên đỉnh dốc Lò Xo rất vui tính, có rượu gạo và heo rừng sấy khô, mà đòi về tới ủy ban Nam Trà My. Không phải về đây có bia bọt, có chỗ nghỉ tốt hơn mà về đây để có internet cho Thắng nối mạng. Để số báo Thanh Niên ngày mai có tin và ảnh của Thắng thì mệt chi cũng phải ngồi làm. Thắng cày miết thành nhà báo có cái tên bạn đọc nhớ.

Tác nghiệp trong hầm thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: MINH HẢI
Tác nghiệp trong hầm thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: MINH HẢI

Anh em làm báo có cái đúc kết khá thú vị: đã vào nghề báo thì phải chịu khó: Đi - Nghe - Nghĩ - Viết. Có lẽ vậy mà Thắng rắt hăng đi. Chỗ mô phóng viên trẻ ngại đi thì Thắng đến. Đó là một lợi thế trong các lợi thế mà Thắng kiên trì khai thác.

Cũng như thời chúng tôi, các phóng viên trẻ bây giờ cũng vất vả vì tin bài, ảnh (trừ những phóng viên lười, ngồi nhà nhắp chuột “săn” tin, bài, tài liệu, ảnh… trên mạng rồi “xào”). Riêng Đà Nẵng đã có mấy chục Văn phòng đại diện báo, báo nào cũng cần tin hay và nhanh nhất. Muốn có tin nóng, ảnh đẹp và chính xác thì cũng vất vả lắm. Cạnh tranh mà!
2.Tôi xuất thân từ một phóng viên không qua trường lớp, tập sự, sống lâu trong nghề lên “lão làng” cấp địa phương. Nghỉ hưu, nhưng “máu” làm báo chưa hưu nên còn viết lai rai, có kỷ niệm chi, câu chuyện chi, tư liệu chi thì viết thành bài gửi báo. Vâng, loại bài nguội. Cố gắng là “nguội” trong  “Thiếp là cơm nguội những khi đói lòng”. Bài nguội, báo đăng thì vui, có nhuận bút cũng vui, nhuận bút cao thì vui hơn, không đăng thì “rút kinh nghiệm”. Nhưng, để chạy theo kịp sau lưng các nhà báo trẻ thì không thể ngồi cày trên trang giấy trắng, rồi bỏ bài vào bì thơ ra bưu điện. Chậm rì. Vả lại, thời buổi này, bài viết tay, trên giấy trắng, tòa soạn ngại lắm. Dễ bị “Ban bạn đọc” cho bản thảo vào hộc bàn như chơi (!). Lúc nhận quyết định về hưu, ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bấy giờ gọi tôi lên Ủy ban thăm và hỏi có yêu cầu chi không. Tôi nói, chừ về vườn, nếu ngày ngày không muốn đi ngơ ngơ như người thất nghiệp thì chỉ có một việc có thể làm là viết, viết được chi thì viết cho vui. Tôi định hoa hòe với một câu ai đó khuyên “Làm việc là cách tốt nhất để ta thêm yêu cuộc sống”. Nhưng, đi vào thực dụng ngay: Anh cho một cái vi tính. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cười rất tươi, nói: Tưởng anh xin đất, xin nhà, chứ xin một cái vi tính thì có ngay. Rồi ông chủ tịch ký đề nghị tài chính cấp cho Hồ Duy Lệ, thông qua Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam, một cái vi tính “bằng tiền”, theo thời giá là 10 triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi mày mò học đánh vi tính rồi viết bài bằng vi tính, gửi bài và ảnh qua vi tính. Dù muộn màng song viết bằng vi tính, viết cái chi dài dài một tí thì không mệt như viết trên giấy trắng bút bi xanh, thấy ham viết và ham đọc. Sướng là chỗ đó!

Các nhà báo trẻ biết không, hầu hết các nhà báo… sồn sồn này từng đam mê nghề văn thơ vốn đói meo sang nghề báo, trước hết vì thu nhập cao hơn để sống, để có điều kiện tiếp xúc nhiều với cuộc đời, để tiếp cận nhiều với các giới, các thành phần, kể cả các thành phần “thượng lưu”, để tăng thêm hiểu biết về cuộc sống muôn màu, để có nhiều thông tin, tư liệu, để có cảm hứng, để khi thôi nghề làm báo thì viết sách, viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn… và, làm thơ tình!

Sướng là ở chỗ đó.

HỒ DUY LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tác nghiệp thời hiện đại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO