Có tài liệu cho rằng năm 1925 Phan Khôi đã viết một quyển sách dày 96 trang nói về cuộc đời và tư tưởng của Phan Châu Trinh nhưng sách không được phát hành. Vì vậy “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử” (NXB Anh Minh, 1959) của Huỳnh Thúc Kháng viết năm 1926 được xem là tác phẩm sớm nhất, cơ bản nhất viết về “nhà chính trị cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam”.
Một tác phẩm đặc biệt
“Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử” được xem là tác phẩm “đặc biệt” viết về nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về nhà chí sĩ cách mạng “đặc biệt” này.
Trong lời tựa của sách Huỳnh Thúc Kháng có cho biết ông viết tại Thạnh Bình tháng 6/1926. Thạnh Bình (nay thuộc xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) là quê của Huỳnh Thúc Kháng. Như vậy sách được viết trong năm 1926, ngay sau ngày Phan Châu Trinh qua đời.
Ta biết Phan Châu Trinh qua đời ngày 24/3/1926. Đến ngày 4/4 mới an táng. Huỳnh Thúc Kháng là người tham gia trọn vẹn đám tang của Phan Châu Trinh. Phải đến cuối tháng 4/1926 ông mới về lại Quảng Nam và mới bắt đầu viết.
Trong Huỳnh Thúc Kháng niên phổ và thơ trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để (NXB Văn hóa Thông tin, năm 2000) ông có cho biết: “Sau đám tang tôi đi chơi rong khắp Lục tỉnh trải 20 ngày, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá đều có đi qua” (tr. 61).
Sách viết xong trong năm 1926 vì theo bà Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của Phan Châu Trinh thì trong một chuyến đi Huế vào cuối năm 1926, cụ Huỳnh có ghé Đà Nẵng và giao cho gia đình bà cuốn viết về tiểu sử cụ Phan và căn dặn nên giữ gìn cẩn thận, chờ thời cơ thuận lợi thì xuất bản để phổ biến.
Còn Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Sau ngày ở Nam về lại ra Kinh chơi hơn cả tuần” (sđd, trang 61). Chuyến đi Huế của cụ Huỳnh mà bà Phan Thị Châu Liên đề cập có lẽ là chuyến này.
Gia đình bà Phan Thị Châu Liên đã giữ gìn cẩn thận di cảo này và phải hơn 30 năm sau mới tìm được thời cơ thuận lợi. Năm 1959, Nhà xuất bản Anh Minh của Ngô Thành Nhân mới lần đầu cho ra mắt bạn đọc cuốn sách.
Tuy là quyển sách được viết “đầu tiên” và có “quy mô khiêm tốn” - chỉ 59 trang nhưng lại cung cấp tương đối đủ thông tin quan trọng nhất về cuộc đời 54 năm của nhà cách mạng. Vì thế sách được xem là “tài liệu nguồn” để viết tiểu sử Phan Châu Trinh.
Huỳnh Thúc Kháng “tái hiện một cách sinh động và chân thực nhất với đầy đủ hành trạng, cá tính, nhân cách, tư tưởng và cả thơ văn của nhà cách mạng” (Trần Viết Ngạc - Dẫn lại Nguyễn Tất Thắng trong Tạp chí Khoa học Đại học Huế năm 2018, tr. 169).
Sách có thể chia làm ba phần: Phần một là tiểu sử Phan Châu Trinh được chia làm 7 giai đoạn trong đó có giới thiệu 10 tác phẩm quan trọng của ông. Bảy giai đoạn gồm: Giai đoạn 1: Gia thế buổi nhỏ cùng thời kỳ học cử nghiệp; Giai đoạn 2: Làm quan ở Huế cùng việc tiếp thu tân học; Giai đoạn 3: Giao thiệp với cụ Sào Nam và đi du lịch; Giai đoạn 4; Đi Nhật về và các hành động trong nước; Giai đoạn 5: Bị đày ra Côn Đảo và tha về; Giai đoạn 6: 14 năm trên đất Pháp; Giai đoạn 7: Về nước và qua đời.
Phần hai là Phan Tây Hồ tiên sinh dật sử. Phần này Huỳnh Thúc Kháng giới thiệu 12 “dật sử” về Phan Châu Trinh. Phần 3 là phụ lục gồm bài văn tế của Phan Bội Châu viết khi Phan Châu Trinh qua đời và giới thiệu một số bài thơ.
Đặc biệt, trong tác phẩm này Huỳnh Thúc Kháng đã đưa ra một đánh giá mà nhiều nhà nghiên cứu sau này cho là “rất độc đáo”: “Như tiên sinh không những là người chí sĩ yêu nước mà thôi, mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam ta vậy…”.
Thật vậy, Phan Châu Trinh chính là người đầu tiên khẳng định “văn hóa” là “nan đề” mà dân tộc ta cần giải quyết để đạt được nền độc lập lâu dài bền vững và sự tiến bộ thực sự của đất nước. Lịch sử càng ngày càng cho thấy tầm nhìn của Phan Châu Trinh đã vượt thời đại, không những vượt xa giới sĩ phu cùng thời mà cả nhiều thế hệ sau này.
Một “tác giả” đặc biệt
Điều đặc biệt nhất của tác phẩm chính là mối quan hệ “đặc biệt” giữa nhân vật của quyển sách với tác giả của nó.
Có thể nói Huỳnh Thúc Kháng là người có đầy đủ thẩm quyền nhất để viết về Phan Châu Trinh. Không ai “tri âm” Phan Châu Trinh hơn Huỳnh Thúc Kháng. Hai ông là đồng hương không chỉ của tỉnh Quảng Nam mà còn của huyện Hà Đông.
Phan Châu Trinh quê làng Tây Lộc (nay là xã Tam Lộc, Phú Ninh) còn Huỳnh Thúc Kháng quê làng Thạnh Bình (nay là xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), ngày trước cùng thuộc huyện Hà Đông. Từ nhà Phan Châu Trinh đến nhà Huỳnh Thúc Kháng chỉ chưa tới nửa buổi đi bộ.
Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng kết bạn với nhau từ rất sớm, năm 1890. “Năm ấy (Canh Dần, 1890 - NV) Tây Hồ Phan Châu Trinh nghe tiếng tôi đến tìm” (sđd trang 23). Sau lần đó hai ông trở thành “đồng song”, cùng học với nhau tại trường Cẩm Y với cụ Huấn đạo Lê Công Thúy (1893), trường Giáo (Thăng Bình) rồi trường Đốc (Thanh Chiêm).
Cả hai đều là những “học trò cưng” của Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong. Hai ông còn là “đồng khoa” trong khoa thi Hương năm Canh Tý (1900). Huỳnh đỗ Giải nguyên, Phan đỗ thứ ba. Huỳnh Thúc Kháng cũng là “anh em cọc chèo” với người anh của Phan Châu Trinh khi hai ông về làm rể nhà họ Nguyễn, một cự tộc ở làng Đại Đồng.
Phan Châu Trinh từng hướng dẫn Huỳnh Thúc Kháng tìm đọc Tân thư để “giác ngộ”. Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Tại kinh có Đào Tào Pha (Nguyên Phổ) mua nhiều sách mới, nhất là Tây Hồ túy tâm Tây học. Tôi ở ngoài không thi thường với Tây Hồ đến nhà Đào, có bao nhiêu tân thơ đọc hết” (sđd, tr. 33).
Hai ông cùng là “đồng chí” sát cánh trong Phong trào Duy tân. Nói đến những người khởi xướng và lãnh đạo Phong trào Duy tân, người ta thường dùng chữ “Bộ ba Duy tân Quảng Nam: Phan - Trần - Huỳnh”.
Rồi cả hai cùng bị bắt và kêu án tù, đày Côn Đảo. Mối quan hệ và sự đồng cảm của hai ông được thể hiện rõ nhất trong lời trối trăng gửi lại của Phan Châu Trinh cho Huỳnh Thúc Kháng trước khi trút hơi thở cuối cùng vào đêm 24/3: “Khi đến Sài Gòn thì bệnh Tây Hồ đã trầm trọng không ngồi dậy được chỉ ngó nhau cười nhưng khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết.
“Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoảng ngắn ngủi cũng đủ rồi; can cường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều” (sđd, tr. 61). Thử hỏi, ai đủ tư cách hơn Huỳnh Thúc Kháng để viết tiểu sử Phan Châu Trinh.
Mặt khác, Huỳnh Thúc Kháng là người có “tố chất” và “ý thức” của nhà viết sử. Huỳnh Thúc Kháng từng bày tỏ mong muốn ghi lại các sự kiện lịch sử, khung cảnh lịch sử một cách chân xác cho những nhà viết sử về sau. Chính vì lẽ đó Huỳnh Thúc Kháng không những được coi là “sử gia của Phong trào Duy tân” mà còn là nhà viết sử thực thụ.