Sáng, ông dậy sớm, thử con dạo cạo râu được con trai tặng từ tháng trước. Ông ăn vận chỉnh tề. Hôm nay ông lên phố dự đám cưới con một người bạn chí cốt. Trên đường đi làm, tôi chở ông ra bến xe buýt. Trước khi ông lên xe, tôi trêu: “Có câu “phụ nữ bỏ ra hàng triệu đồng để làm đẹp nhưng rồi không khác trước là mấy, đàn ông chỉ cần cạo râu đi thì đã như lột xác”. Sáng nay trông ba cứ như U60 chứ không phải U70”. Ông cười: “Cha mi”.
Vậy mà trái ngược với vẻ phấn khởi lúc sáng, chiều về khuôn mặt ông nom nhàu nhĩ, kém sắc, pha chút thất vọng. Ông thở dài, ngồi đánh phịch xuống ghế, đưa tay bóp bóp hai cái chân. “Ba không có ghế ngồi trên xe buýt à?”, tôi hỏi. “Ban đầu là có nhưng sau đó ba nhường”, ông cười kèm một chút nhăn nhó. “Ôi trời, gần 70 tuổi rồi, còn ai cao tuổi hơn ba đi xe buýt hả?”. Nhìn vẻ ngạc nhiên của tôi, ông phân trần: “Nhường cho một bà cụ mà lại không phải bà cụ”.
Từ thành phố về, ông lên xe từ trạm đầu nên được phụ xe hướng dẫn ngồi hàng ghế gần cửa lên xuống, ngay sau lưng bác tài. Đi được hai trạm, xe bắt đầu đông dần, các hàng ghế trên xe đã đầy khách, hành khách đứng lố nhố, một vài tiếng than thở xen lẫn khó chịu vì ai đó giẫm phải chân nhau. Xe sắp rời trạm thứ ba thì một bà cụ tay xách hai túi đồ nặng, cố gắng hết sức đi thật nhanh, vẫy tay ra hiệu “chờ với”. Ông nhìn thấy, gọi bác tài chờ vài phút. Xe vừa mở cửa, ông đưa tay đón hai túi đồ của bà. Nhanh chóng, ông đứng lên, khẩn khoản mời bà ngồi vào ghế của mình. Sau khi bà yên vị, ông mới hỏi: “Cụ năm nay bao nhiêu rồi? Tuổi cao đi lại vất vả quá! Con cháu đâu?”. Bà cụ mặt hom hem, thở dốc, giọng ngắt quãng: “Tôi năm nay 59 tuổi. Tôi về Thạnh Mỹ. Thế chú xuống đâu?”. Ông vừa buồn cười vừa thấy thương người đàn bà vất vả bởi người mà ông gọi là cụ kia đang kém ông hơn chục tuổi. Lỡ gọi cụ rồi nên giờ đành nhận vai nhỏ hơn và nhường luôn ghế: “Nếu Thạnh Mỹ thì cụ xuống trước tôi. Tôi xuống trạm cuối”.
Xe tiếp tục chạy qua nhiều trạm, có khách lên, có khách xuống, ông thì vẫn đứng cạnh “bà cụ 59 tuổi”. Chưa đến Thạnh Mỹ thì bà có điện thoại, ông nghe loáng thoáng, bà sẽ không xuống Thạnh Mỹ nữa mà xuống Thạnh Lộc để trông cháu cho con trai. Con trai bà sẽ mang đồ về Thạnh Mỹ. Ông nghĩ bụng: “Nếu Thạnh Lộc thì gần tới rồi”. Xe đến trạm, ông đỡ “bà cụ 59 tuổi” xuống xe. Không kịp cảm ơn ông, bà chỉ cậu con trai hai túi đồ ở hàng ghế trước. Cậu trai không nói không rằng, nhảy vội lên xe, ngồi vào cái ghế mẹ cậu để lại. Ông quay lên xe, đứng cạnh cậu trai đang dán mắt vào điện thoại. Xe chạy, ông vỗ vai cậu trai: “Ghế này là khi nãy ông nhường cho mẹ cháu”. Cậu trai bỏ mắt khỏi điện thoại, ngẩng lên nhìn ông 5 giây. Ngừng một lúc, cậu bảo: “Ghế này của nhà xe mà ông”. Ông chưng hửng.
Xe đến Thạnh Mỹ, cậu trai xách hai túi đồ xuống, để lại cái ghế trống không. Ông chẳng muốn ngồi nữa, đứng luôn đến trạm cuối rồi cuốc bộ về nhà.
“Mỏi chân mệt một, buồn cái cách hành xử mệt mười”, ông lại thở dài. Tôi an ủi: “Chắc cậu kia thấy ba trẻ quá nên không nhường ghế đó. Lỗi là do sáng nay ba đã cạo râu. Hihi”. Ông cũng cười: “Ừ, chắc tại ba đã cạo râu”.