Càng về cuối chặng đua đến ngôi vô địch thì vấn đề các đội bóng “nhà bầu Hiển” lại được đặt ra. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi V-League chỉ có 14 đội bóng tham gia song “nhà bầu Hiển” lại có đến 5 “anh em” tranh tài và ít nhất 2 trong số đó đang đua vô địch. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi người ta hết đem kết quả đối đầu giữa các đội “cùng hội cùng thuyền”, rồi với đối thủ đang đua vô địch mùa này là FLC Thanh Hóa và cả lịch thi đấu để nói về một “thuyết âm mưu” nào đó nhằm giúp cho đội bóng của bầu Hiển lên ngôi. Ở cuộc đua mà nhiều người ví von “3 đánh 1 không chột cũng què” này thì thật khó cho FLC Thanh Hóa có thể giành chiến thắng hay các đội sẽ “dồn” điểm cho một đội để đăng quang. Nói chung, rất nhiều giả thuyết được đặt lên bàn mổ xẻ, phân tích với mọi góc độ.
Cơ chế bóng đá Việt Nam cho phép bầu Hiển tài trợ nhiều đội bóng. Trong ảnh: Bầu Hiển nói chuyện với lãnh đạo và ban huấn luyện đội Quảng Nam. |
Năm nay, dư luận đang đổ dồn ánh mắt về sân Tam Kỳ, nơi đội Quảng Nam đang có lợi thế nhất trong cuộc đua đoạt chức vô địch V-League khi đồng điểm với Hà Nội và FLC Thanh Hóa nhưng còn 1 trận chưa đá. Sau trận thắng SHB Đà Nẵng, HLV Hoàng Văn Phúc đã lên tiếng “đáp trả” những ý kiến cho rằng đội bóng của ông được hưởng lợi từ bầu Hiển và cho rằng “đó là công sức từ nỗ lực của đội bóng”. Ông Phúc phản ứng có cái lý bởi đến nay, Quảng Nam chính là đội bóng duy nhất đánh bại cả 4 đội trong tốp 5 là FLC Thanh Hóa, Than Quảng Ninh, Sana Khánh Hòa BVN (sân khách), Hà Nội (sân nhà). Hơn thế nữa, nếu tận dụng tốt lợi thế sân nhà với các đối thủ không “họ hàng” như Sanna Khánh Hòa BVN, Hoàng Anh Gia Lai, Long An, Sông Lam Nghệ An, rất có thể giờ đây đội bóng xứ Quảng đã ở rất gần, thậm chí giành ngôi vô địch chứ không phải đợi đến 2 lượt trận cuối cùng. Quảng Nam có xứng đáng vô địch hay không thật khó nói nhưng rõ ràng so sánh với Hà Nội hay FLC Thanh Hóa thì càng về cuối mùa giải độ ổn định của họ tốt hơn nhiều (Quảng Nam không thua kể từ lượt về còn Hà Nội và FLC Thanh Hóa đã thất bại 3 trận).
Trong cuộc đua đường dài gần cả năm trời như V-League, độ ổn định của mỗi đội bóng được xem như yếu tố quan trọng để giành chiến thắng chung cuộc. Nếu FLC Thanh Hóa giữ được sự ổn định chắc chắn như giai đoạn lượt đi, có lẽ họ đã cho các đối thủ “ngửi khói” trong cuộc đua vô địch. Tiếc cho đội bóng xứ Thanh khi “tảng bê tông” rắn chắc mà HLV Petrovic tạo ra ở nửa đầu mùa giải bỗng trở nên “dễ vỡ” ở giai đoạn lượt về. Trong 8 trận đấu gần đây nhất, số trận thua của họ nhiều hơn trận thắng khi có đến 3 thất bại. Mới nhất, trận hòa Becamex Bình Dương không phải thảm họa nhưng lại là trận đấu thứ 4 liên tiếp không biết mùi chiến thắng trên sân nhà và tự loại mình khỏi cuộc đua. Rõ ràng, đội bóng xứ Thanh chỉ có thể tự trách mình không đủ tự tin và phong độ cần thiết trong giai đoạn quyết định của mùa giải chứ chẳng có ai o ép họ theo kiểu “3 đánh 1”.
Thực tế trong các mùa giải trước đây đã có nhiều ý kiến về tình trạng đội bóng “gà nhà” của bầu Hiển. Có năm, bầu Thụy của đội Sài Gòn Xuân Thành lên tiếng phản ứng chuyện đội bóng của ông bị SHB Đà Nẵng tập trung đánh bại để cho Hà Nội giành chức vô địch. Nhưng cũng có năm, các đội bóng bầu Hiển “sống mái” với nhau để rồi Becamex Bình Dương hưởng lợi. Mới nhất, trận derby xứ Quảng suýt chút nữa trở thành màn ẩu đả giữa cầu thủ 2 đội dẫn đến 2 thẻ đỏ dành cho đội chủ nhà. Nói điều này để thấy, việc nhường nhịn hoặc “đá cho nó chết” tồn tại hay không tồn tại ở V-League là câu chuyện khó trả lời. Có trách thì trách cơ chế bóng đá Việt Nam hiện nay. Người xưa nói, qua vườn dưa chớ sửa dép. Một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng thì dù có minh bạch đến mấy cũng kiến nhiều người nghi ngờ.
AN NHI