(QNO) - Công ty We Recycle Solar tại bang Arizona (Mỹ) được xem là một trong những công ty tiên phong trong hoạt động tái chế pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng.
Thế hệ tấm pin mặt trời đầu tiên sử dụng trong nhà và các tòa nhà khác sẽ sớm trở nên quá cũ để có thể hoạt động được nữa.
Tuy nhiên, có thể làm gì với những thiết bị cũ ngoài việc đưa nó vào các bãi chôn lấp rác thải? Nhà khởi nghiệp Adam Saghei ở bang Arizona đang có câu trả lời.
Adam Saghei - nhà sáng lập Công ty We Recycle Solar cho biết hầu hết tấm pin mặt trời đều có tuổi thọ khoảng 30 năm. Vì vậy, nhiều tấm pin đầu tiên đưa vào sử dụng ở Mỹ sắp hết tính hữu dụng và hầu hết sẽ đi đến các bãi rác.
Theo Adam Saghei, các kỹ sư của công ty thu hồi vật liệu có giá trị từ các tấm pin mặt trời cũ như bạc, đồng, thủy tinh và silicon để tiến hành tái chế.
Thành lập vào năm 2019, We Recycle Solar đến nay tái chế được 500 nghìn pin mặt trời thành sản phẩm pin mặt trời mới mà Adam Saghei gọi là một phần của nền kinh tế tuần hoàn.
"Đây là những thị trường đang phát triển. Điều thú vị là chúng tôi đang dẫn đầu" - nhà khởi nghiệp Adam Saghei tự hào.
Adam Saghei cho biết, đôi khi thùng rác của người này lại là kho báu của người khác. Giờ đây, We Recycle Solar có thể tái chế, tân trang pin mặt lại thành sản phẩm mới để cung cấp cho thị trường khác.
We Recycle Solar đặt mục tiêu đóng một vai trò lớn trong thị trường tái chế pin mặt trời. Giám đốc điều hành Adam Saghei cho biết công ty khởi nghiệp này cố gắng tăng tốc độ xử lý tái chế với khối lượng lớn để giải quyết 25% pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng tại Mỹ.
Với tốc độ và hiệu quả hoạt động tái chế mà We Recycle Solar có thể thực hiện như hiện nay, kế hoạch kinh doanh của We Recycle Solar rất có ý nghĩa đối với cả hành tinh và lợi nhuận.
Ông Mokhlesur Rahman của Đại học Deakin (Australia) đơn cử, phương pháp chiết xuất silicon, kim loại từ các tấm pin nếu được thực hiện ở quy mô thương mại, sẽ đem lại lợi ích lớn về tài chính đối với các doanh nghiệp tái chế, vừa mang lại lợi ích cho môi trường.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo đang trên đà chiếm 95% mức tăng công suất điện toàn cầu vào năm 2026. Trong đó, năng lượng quang điện mặt trời sẽ sớm cung cấp hơn một nửa năng lượng tái tạo của thế giới. Tuy nhiên, những tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định hoặc không được tái chế có khả năng gây ô nhiễm môi trường.