Sau khi UBND tỉnh báo cáo đề xuất các phương án “giải cứu” Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam, ngành thuế đã chấp nhận tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện cấp hóa đơn bán lẻ cho từng lần bán sản phẩm, gia hạn nộp thuế nhưng phải có điều kiện.
|
Nhà máy vàng Phước Sơn. Ảnh: T.H |
Phân kỳ nộp thuế
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn vừa ký văn bản (số 3289/TCT-QLN, ngày 14.8.2015) gửi UBND tỉnh liên quan đến những nội dung tái cơ cấu hoạt động của Tập đoàn Besra. Theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, sau khi xin ý kiến Bộ Tài chính thì ngành thuế có ý kiến là để tháo gỡ khó khăn cho công ty, tạo điều kiện thanh toán tiền lương cho người lao động, đồng thời hỗ trợ công ty thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, Cục Thuế Quảng Nam sẽ thông báo từng hóa đơn có giá trị sử dụng cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu công ty phải có trách nhiệm cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với phát sinh cho từng lần bán hàng; xác định số tiền thuế nợ đến thời điểm ngày 31.7.2015 sẽ nộp cho mỗi lần xuất hóa đơn và thời hạn cuối cùng nộp hết số tiền thuế nợ này. Ngoài ra, ngành thuế tỉnh có trách nhiệm giám sát tiến độ thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng cam kết của công ty. Thực hiện thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng ngay thời điểm công ty vi phạm cam kết.
Đây là lần thứ hai Tổng cục Thuế “giải cứu” doanh nghiệp khai khoáng (lần đầu vào năm 2014). Trong khi đó, Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế tỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó có việc thực hiện gia hạn nộp thuế hoặc phân kỳ nộp dần tiền thuế nợ (ngoài nguyên nhân thiên tai) phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm rà soát, kiểm tra số liệu để xác định rõ từng khoản thiệt hại vật chất tính được bằng tiền mà hai công ty phải chi do bão lụt gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và các chi phí khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở xác định đúng số thuế công ty được gia hạn do thiên tai bão lụt gây ra để gia hạn nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.
Huy động vốn ở đâu?
Cuối tháng 6, UBND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh và xử lý các vấn đề liên quan. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, để tiếp tục duy trì hoạt động, công ty phải tuân thủ chấp hành đúng các văn bản chỉ đạo của tỉnh về xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường; quản lý chất thải nguy hại; chấm dứt ngay việc bơm nước tháo khô mỏ xả trực tiếp ra sông Bồng Miêu. Ngoài ra, phải cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn thổ đối với diện tích đất đã khai thác và làm việc với Sở Công Thương, các cơ quan chức năng xử lý tiêu hủy 20 tấn hóa chất cyanua giả tại kho đảm bảo quy định.
Tính đến ngày cuối tháng 5.2015, hai công ty trên nợ thuế hơn 384 tỷ đồng, nhưng chưa có phương án và cam kết trả nợ. Ở một diễn biến khác, tháng 12.2014, Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu còn xuất hóa đơn bán vàng cho Công ty TNHH MTV Vàng bạc Nghĩa Tín (TP.Tam Kỳ) với giá thanh toán trên hóa đơn hơn 107,4 tỷ đồng nhưng không có vàng kèm theo, vụ việc đang chờ kết luận cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng... |
Về số tiền nợ thuế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu phía doanh nghiệp làm việc với ngành thuế để thống nhất phương pháp kê khai, xác định số thuế VAT, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường phải nộp, đã nộp, còn nợ phải nộp và phương án thanh toán dần nợ thuế. Trường hợp, doanh nghiệp không thống nhất với phương pháp xác định số thuế của Cục Thuế tỉnh, thì làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để được hướng dẫn thực hiện. Quan điểm của UBND tỉnh là ủng hộ chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục để công ty khôi phục sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính. Công ty có trách nhiệm làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để xin cấp hóa đơn lẻ cho từng lần bán sản phẩm; đồng thời phải thực hiện kê khai, nộp đầy đủ các khoản thuế mới phát sinh vào ngân sách nhà nước đúng quy định. Doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách huy động các nguồn vốn để duy trì, tiếp tục đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh, trả nợ thuế cho Nhà nước, thanh toán nợ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cung cấp nguyên vật liệu, vật tư hàng hóa, có cam kết lộ trình, mức nộp từng lần và có bảo lãnh của ngân hàng.
Theo các chuyên gia tài chính, do dây dưa trả nợ mà Tập đoàn Besra Việt Nam đã phát sinh hệ lụy “lãi mẹ đẻ lãi con”, việc tái cơ cấu và trả nợ để tiếp tục tồn tại hoạt động cần thời gian rất dài. Ngân hàng TMCP Việt Á có dự định phối hợp với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xây dựng đề án tái cơ cấu công ty nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động và có nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay giữa Tập đoàn Besra Việt Nam và ngân hàng này cũng đang trong giai đoạn đàm phán. Việc Ngân hàng TMCP Việt Á có mua lại các công ty khai khoáng hay không vẫn chưa ngã ngũ.
TRẦN HỮU