Tái cơ cấu kinh tế rừng

TRẦN HỮU 11/02/2021 05:16

(Xuân Tân Sửu) - Ngành lâm nghiệp Quảng Nam đã và đang tái cơ cấu toàn diện từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ cũng như lâm sản ngoài gỗ. Do vậy, các cơ chế, chính sách, giải pháp cần triển khai một cách đồng bộ và kịp thời.

Cần có chính sách bảo hiểm cây trồng để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững. TRONG ẢNH: Khai thác keo đổ ngã do bão số 9 năm 2020 tại thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Ảnh: H.P
Cần có chính sách bảo hiểm cây trồng để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững. TRONG ẢNH: Khai thác keo đổ ngã do bão số 9 năm 2020 tại thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Ảnh: H.P

Đầu tư chuỗi liên kết trong sản xuất

Ngành lâm nghiệp đưa chỉ tiêu, đến năm 2025, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khoảng 25.450ha (bình quân 5.090ha/năm). Đây là diện tích người dân liên kết với doanh nghiệp để thực hiện chuyển hóa (doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí, cam kết hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC nếu đủ điều kiện và thu mua gỗ). Tiếp tục thực hiện cơ chế của tỉnh về hỗ trợ người dân phát triển lâm sản ngoài gỗ; trồng xen canh cây quế Trà My với loài cây trồng khác theo Nghị quyết số 40 năm 2017 của HĐND tỉnh.

Giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Nam phấn đấu trồng rừng đạt chứng chỉ FSC với diện tích ít nhất 30.000ha; trong đó sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đức (KfW12) để thực hiện 24.625ha rừng trồng đạt FSC cho 10 huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Nam Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My.

Theo Sở NN&PTNT, phát triển rừng trồng bền vững cần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào vùng cao như trồng cây với mật độ dày, chăm sóc sơ sài, khai thác rừng non. Vùng nguyên liệu tập trung phải hình thành chuỗi sản xuất từ trồng, chăm sóc, quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (FLEGT) có hiệu lực hơn 1 năm, doanh nghiệp lẫn người dân trong tỉnh bây giờ bắt buộc phải sản xuất bằng giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Một số địa phương miền núi mới manh nha liên kết theo chuỗi giá trị (trồng, chăm sóc, quản lý, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm) giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến nên cần nhân rộng ra các địa phương khác. Vùng nguyên liệu tập trung nhất thiết phải ổn định để phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Phát triển rừng có trách nhiệm

Từ nhiều năm trước, Quảng Nam dứt khoát không thu hút các nhà máy chế biến dăm gỗ thô lên khu vực miền núi, trung du mà khuyến khích đầu tư chế biến lâm sản ngoài gỗ, ván nhân tạo, đồ gỗ xuất khẩu. Các dự án trồng rừng đang xúc tiến làm hồ sơ để được công nhận thêm nhiều loại chứng chỉ rừng trồng hợp pháp theo thông lệ quốc tế và thị trường khó tính của nước ngoài, ngoài chứng chỉ rừng FSC đang thực hiện. Ngành chế biến xuất khẩu gỗ của tỉnh muốn tham gia thị trường châu Âu theo FLEGT, thì rừng trồng cần được nâng cao chất lượng và đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, các địa phương miền núi cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, đặc biệt đất quy hoạch rừng sản xuất để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, xử lý lâm sản khai thác trên đất xâm chiếm bất hợp pháp. Trong diện tích đăng ký trồng rừng theo FSC, phải đảm bảo các điều kiện ràng buộc như xác lập quyền sử dụng đất cho khu rừng trồng; kế hoạch trồng rừng của chủ rừng phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng đề xuất, trồng rừng luôn đối mặt với rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng nên cần xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ mua bảo hiểm đối với rừng trồng. Công ty Đầu tư và phát lâm nghiệp Quảng Nam (Hiệp Đức), Công ty TNHH Hào Hưng (Đông Giang) đều mong muốn, chính sách bảo hiểm rủi ro rừng trồng sớm triển khai.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam là trung tâm đồ gỗ lớn của thế giới nên cần thiết phải xây dựng hình ảnh gỗ Việt thân thiện với môi trường, phát triển nghề trồng rừng có trách nhiệm. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp sau khi ký kết hiệp định FLEGT là câu chuyện sống còn với thương mại đồ gỗ. Ngành lâm nghiệp cũng kiến nghị, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp, kể cả hạ tầng cho chế biến, trồng rừng. Và “chìa khóa” để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng nằm ở việc đầu tư tập đoàn cây giống, bởi thị trường giống cây phục vụ trồng rừng sản xuất (cây keo) hiện nay phần lớn nghèo về chủng loại và chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái cơ cấu kinh tế rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO