Không đợi đến đại dịch Covid-19 mà nhiều năm qua chuyện phát triển du lịch địa phương đã bộc lộ những khiếm khuyết. Tái cơ cấu là lối thoát duy nhất để hướng đến một ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng làm như thế nào là điều chẳng phải dễ dàng khi “vòng đời của điểm đến” đang ở cuối thời “hưng thịnh”, bắt đầu một giai đoạn “trì trệ”? Đó là nhận định của PGS-TS. Phạm Trung Lương - chuyên gia của Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.
* Tại sao phải cơ cấu lại ngành du lịch khi vẫn tăng trưởng khách (trừ thiên tai, dịch bệnh)?
PGS-TS. Phạm Trung Lương: Phát triển du lịch của một điểm đến luôn là một quá trình trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn “khởi đầu” đã phát hiện, bắt đầu đầu tư khai thác cho phát triển du lịch, nhưng “cung” về sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa thực sự hoàn hảo và khách du lịch ít biết về điểm đến. “Bùng nổ” là giai đoạn sản phẩm du lịch, dịch vụ được đầu tư hoàn chỉnh, triển khai xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến, thu hút sự quan tâm của du khách. Lượng khách du lịch tăng nhanh không chỉ sự hoàn hảo của các sản phẩm du lịch mà còn vì sự “tò mò” đối với điểm đến mới. “Hưng thịnh” là giai đoạn phát triển du lịch lên tới điểm cao nhất về sản phẩm và dịch vụ, cả về lượng khách đến. Điểm đến đạt được trạng thái tối ưu để đảm bảo việc “cung” của toàn hệ thống du lịch đáp ứng được “cầu” của thị trường một cách tốt nhất. Song, ở giai đoạn phát triển này đã bắt đầu bộc lộ những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Tốc độ tăng trưởng về du lịch đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Và “trì trệ” là giai đoạn tiếp sau. Nhiều yếu tố hấp dẫn về tự nhiên và văn hóa đã bị suy giảm, mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và cộng đồng địa phương nảy sinh do áp lực của du lịch đến hạ tầng xã hội. Tốc độ tăng trưởng về du lịch không chỉ không tăng mà còn có dấu hiệu suy giảm cùng với tình trạng “nhàm chán” của khách du lịch về một điểm đến ít có sự thay đổi về sản phẩm du lịch, về chất lượng dịch vụ. Nếu không thay đổi về cơ cấu, đầu tư “làm mới” về sản phẩm du lịch (nâng cấp những sản phẩm cũ và phát triển những sản phẩm mới) và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thì du lịch sẽ không vượt qua được điểm “trì trệ” này và sẽ bắt đầu của quá trình suy giảm, đi xuống của du lịch.
Sự phát triển du lịch của bất kỳ điểm đến nào cũng sẽ phải trải qua 4 giai đoạn trên như một quy luật được gọi là “Vòng đời của điểm đến”. Quá trình phát triển của điểm đến đòi hỏi cần có những điều chỉnh cơ cấu ngành để có thể vượt qua giai đoạn phát triển trì trệ sau giai đoạn phát triển “hưng thịnh”.
* Du lịch Quảng Nam đứng đâu trong “vòng đời của điểm đến”?
PGS-TS. Phạm Trung Lương: Những kết quả khá ấn tượng về phát triển du lịch thời gian qua đã khiến không ít ý kiến còn băn khoăn về kết quả tích cực của việc cần cơ cấu lại du lịch. Sự nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết phải cơ cấu lại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới trở thành yếu tố ảnh hưởng đến quyết tâm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành này cho giai đoạn 2021 - 2025 (tầm nhìn đến năm 2030). Tuy nhiên, phải đặt sự phát triển này trong chiến lược phát triển địa phương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Có thể nói phát triển du lịch địa phương đã có sự mất cân đối trong hiện trạng phát triển du lịch giữa các địa bàn, nhất là giữa vùng ven biển và phía tây. Một thời gian quá dài, phát triển du lịch Quảng Nam chủ yếu dựa trên khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, biển đảo, không chỉ tạo ra sự mất cân đối trong phát triển du lịch theo lãnh thổ mà còn tạo ra sự mất cân đối trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và các dịch vụ, ảnh hướng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Thực tế đã xuất hiện áp lực đến môi trường tự nhiên, văn hóa xã hội. Điển hình như Hội An. Điều quan trọng bậc nhất, “vòng đời phát triển du lịch ở điểm đến” của Quảng Nam đã phát triển đến cuối giai đoạn “hưng thịnh”, bước vào đầu giai đoạn “trì trệ” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách. Cần thiết phải đầu tư “làm mới”, đồng nghĩa với việc cần tái cơ cấu đầu tư du lịch để đảm bảo yêu cầu này.
* Kích cầu, cơ cấu lại thị trường khách có phải là lối thoát duy nhất vượt cơn suy thoái của ngành du lịch trong hiện tại?
PGS-TS. Phạm Trung Lương: Quá trình phát triển, hoạt động du lịch sẽ phải phải đối mặt với những cơ hội và thách thức do những yếu tố bên ngoài tạo nên. Sự bất ổn về chính trị, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh... sẽ làm cho dòng khách đến khu vực thay đổi. Không chỉ vậy, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cách thức mà khách du lịch có thể tiếp cận các nhà cung ứng dịch vụ mà không phải thông qua các đại lý hoặc công ty lữ hành, qua đó sẽ làm thay đổi loại khách truyền thống. Tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… sẽ làm thay đổi tài nguyên và môi trường từ đó dẫn đến sự thay đổi về khả năng cung sản phẩm của điểm đến cũng như ảnh hưởng việc thực hiện các chương trình (tour) du lịch tại điểm đến.
Chính vì vậy cần có sự điều chỉnh (cơ cấu lại) điểm đến du lịch để thích ứng với những cơ hội và thách thức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực và phát huy được những cơ hội trong phát triển du lịch. Đây chính là yếu tố quan trọng trong đến cơ cấu lại du lịch, đặc biệt về thị trường du lịch để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực của những thị trường du lịch đại chúng đến môi trường tự nhiên, xã hội địa phương.
Cách mạng 4.0 trong du lịch đã làm cho hoạt động du lịch trở nên thông minh hơn, làm thay đổi các phương thức hoạt động truyền thống đã trở nên trì trệ và làm cho tương tác giữa thị trường khách du lịch (cầu du lịch) với các điểm đến du lịch (cung du lịch) trở nên sống động và gần hơn để tạo nên hiệu quả cao hơn trong kinh doanh du lịch. Việc điều chỉnh hoặc cơ cấu lại ngành du lịch xuất phát từ bản chất của quá trình phát triển du lịch, từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của điểm đến. Cơ cấu ngành du lịch để thích hợp với những tác động này. Tận dụng được những cơ hội, hạn chế những tác động mang tính thách thức đối với du lịch Quảng Nam không là ngoại lệ!
* Điều gì quan trọng nhất khi nghiên cứu cơ cấu ngành du lịch địa phương theo hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
PGS-TS. Phạm Trung Lương: Việc xác định cơ cấu tạo nên “cung” du lịch khá phức tạp. Cấu trúc ngành du lịch tại điểm đến tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho từng giai đoạn mà vai trò của du lịch có thể khác nhau. Song, điều quan trọng là cần phân tích cơ hội, thách thức, những yếu tố tác động chính để làm cơ sở tái cơ cấu ngành du lịch địa phương và cần sớm triển khai. Cần có sự chuẩn bị tốt nhất, bắt đầu từ thu thập các dữ liệu cần thiết bởi tái cơ cấu du lịch phải dựa trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, những luận cứ, kế hoạch vững chắc. Tái cơ cấu du lịch điểm đến là nhiệm vụ phức tạp. Đòi hỏi phải có được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý có trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và có nguồn lực để thực hiện nghiên cứu, thu thập dữ liệu, điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học bổ sung. Ngoài ra mở các tọa đàm, hội thảo khoa học để đảm bảo các phương pháp áp dụng và những kết quả đạt được là đáng tin cậy và khả thi trong thực tế.
Nên hướng tăng trưởng ngành du lịch thông qua chỉ số đóng góp vào GRDP khi đã chọn thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng chất lượng phục vụ du khách và tổng doanh thu thực chất sẽ tốt hơn căn bệnh thành tích bằng những con số, hướng đến phát triển du lịch bền vững mới là điều cần hoạch định.