(QNO) - Sáng nay 30.10, tham gia tranh luận tại phiên thảo luận trực tuyến kỳ họp Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, qua tác động của đại dịch Covid-19, việc xây dựng và ban hành đề án tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng bày tỏ sự không đồng tình với một số ý kiến ghi trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội, khi cho rằng không cần thiết phải đưa nội dung tái cơ cấu nền kinh tế thành một đề án riêng.
Theo đại biểu Lê Văn Dũng, xây dựng đề án tái cơ cấu nền kinh tế ở kỳ họp lần này là rất cần thiết. Bởi, do tác động của đại dịch Covid-19, hiện nền kinh tế bị đứt gãy, doanh nghiệp đình đốn sản xuất, công nhân mất việc làm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. “Nếu không kịp thời tái cơ cấu nền kinh tế, khắc phục nhanh các khó khăn, tác động bất lợi từ đại dịch thì nền kinh tế khó sớm phục hồi” - đại biểu Lê Văn Dũng nói.
Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương khẩn trương triển khai nhanh 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua nhằm góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn, dành nguồn lực đầu tư mạnh cho nông nghiệp. Ngành nông nghiệp có cơ hội phát triển thì tái cơ cấu nền kinh tế mới đạt được hiệu quả.
Đồng thời, đề nghị Trung ương nên tổng kết và xây dựng chiến lược tái cơ cấu lại kinh tế biển. Vì kinh tế biển hiện nay còn nhiều việc phải làm, nhất là tổng kết Nghị định 67 nhằm đề ra biện pháp, khắc phục khó khăn đưa kinh tế biển tiếp tục phát triển. Trong tái cơ cấu nền kinh tế nhất thiết phải gắn chặt, đồng bộ với phòng chống dịch Covid-19 và phòng chống thiên tai, bão lũ hiện nay thì nền kinh tế mới mạnh được.
Cũng theo đại biểu Lê Văn Dũng, hiện nay việc trích 70% nguồn vượt thu để dành cải cách tiền lương là quá lớn, không có nguồn lực cho đầu tư phát triển. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh tỷ lệ này ở mức 50%.
“Tôi đề nghị Trung ương nên cho các địa phương được phép sử dụng nguồn thu tái cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển, để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển thời điểm khó khăn này.
Các địa phương phải cam kết với Trung ương sẽ có đủ nguồn đảm bảo chi cho phòng chống dịch và thực hiện cải cách tiền lương khi Trung ương yêu cầu. Có như vậy mới tạo thêm nguồn lực cho Trung ương và địa phương có nguồn lực để đầu tư phát triển” - đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị.
Tham gia thảo luận dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất ban hành kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét thêm nhiều nội dung trùng với các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua. Các ý kiến cũng đề nghị cơ cấu lại không gian kinh tế, vừa bao hàm kinh tế vùng, kinh tế ngành đảm bảo phát triển bền vững.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thực hiện quy hoạch về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế số, thị trường lao động, thị trường vốn, phát triển kinh tế đô thị, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công, cơ cấu lại nông nghiệp, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.
“Các đại biểu cũng lưu ý, việc cơ cấu lại ngành kinh tế cần phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gắn kết phòng chống dịch, việc điều trị bệnh cho nhân dân và khôi phục phát triển kinh tế” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết khi kết luận phiên thảo luận.