Tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Bài 1: Nhiều trở lực

NGUYỄN VĂN SỰ 02/06/2016 08:32

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, giữa năm 2013 đến nay ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều khâu để tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất. Tuy nhiên, những nỗ lực từ nhiều phía vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Vậy, hướng nào để tạo cú hích mạnh cho vấn đề được xem là cốt lõi này?

  • Tập trung nguồn lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp
  • Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Quảng Nam được xem là trung tâm sản xuất giống lúa hàng hóa với quy mô gần 3.500ha/năm. Ảnh: VĂN SỰ
Quảng Nam được xem là trung tâm sản xuất giống lúa hàng hóa với quy mô gần 3.500ha/năm. Ảnh: VĂN SỰ

BÀI 1: NHIỀU TRỞ LỰC

Ba năm gần đây, mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng nhưng thực tế cho thấy việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ rất nhiều khó khăn, vướng mắc…

Thành quả bước đầu

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, từ giữa năm 2013 đến nay lãnh đạo thị xã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tập trung cao độ cho vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bằng nhiều nguồn vốn huy động, trong 3 năm qua Điện Bàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Đồng thời chú trọng việc chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nhà nông. Ông Chơi chia sẻ, hiện nay toàn thị xã có tổng cộng 5.700ha đất lúa. Những năm gần đây, nhờ đồng ruộng ở nhiều nơi được cải tạo bài bản, nguồn nước tưới tương đối ổn định, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh liên kết nên bình quân mỗi vụ nông dân Điện Bàn sản xuất hơn 1.000ha giống lúa thuần theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Qua thống kê, thực hiện mô hình này thu nhập của người dân tăng 18 triệu đồng/ha/vụ so với làm lúa thương phẩm. Ngoài ra, nhờ nỗ lực thủy lợi hóa đất màu và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên thời gian qua nông dân địa phương cũng đã hình thành được rất nhiều vùng chuyên canh, luân canh, gối vụ các loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa tập trung với tổng diện tích 3.400ha đất. Thực tế cho thấy, mỗi năm 1ha đất màu ở Điện Bàn cho giá trị 110 - 130 triệu đồng, riêng 3 xã thuộc vùng Gò Nổi thì thu về 170 - 250 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh việc dốc sức cho lĩnh vực trồng trọt, Điện Bàn cũng chọn mô hình chăn nuôi tập trung làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay toàn thị xã đã có gần 130 trang trại, gia trại nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và lớn. Hàng năm, bình quân 1 mô hình mang lại cho người dân từ 70 đến 600 triệu đồng tiền lãi.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên 3 năm qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh. Đặc biệt là Quảng Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giống lúa hàng hóa với quy mô gần 3.500ha/năm, thu hút sự tham gia của hầu hết doanh nghiệp lớn trên cả nước. Không chỉ vậy, toàn tỉnh cũng đã hình thành hàng nghìn mô hình chuyên canh, luân canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu thực phẩm theo hướng tập trung với diện tích canh tác hằng vụ khoảng 5.000 - 6.000ha, mang lại hiệu quả tương đối cao. Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực nông nghiệp đạt 3,7%, lâm nghiệp 12%, thủy sản 6,3%. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh là 1.800 tỷ đồng.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg (ngày 10.6.2013) của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua UBND tỉnh có hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động trong từng ngành, lĩnh vực một cách cụ thể. Đặc biệt, đã ban hành rất nhiều cơ chế nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn phát triển. Trong đó, đáng chú ý là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giai đoạn 2014 - 2020 và đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch…

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng tích cực hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tạo điều kiện cho người dân vay các kênh vốn ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung. Qua thống kê, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 mô hình trang trại, gia trại chuyên nuôi bò lai, heo hướng nạc, gà thịt, chim cút, gà đẻ trứng… với quy mô vừa và lớn. Bình quân mỗi năm 1 mô hình cho mức lãi ròng 100 - 500 triệu đồng. Đối với lĩnh vực thủy sản, bên cạnh việc đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn thì gần đây ngành nuôi trồng thủy sản cũng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ người dân ứng dụng bài bản quy trình kỹ thuật, chuyển đổi hình thức và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Được biết, năm 2015 bình quân 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản cho giá trị 335 triệu đồng, tăng gần 2,5 lần so với năm 2011…

Nhiều bất cập

Ông Lê Muộn cho rằng, kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong 3 năm qua mới chỉ là bước đầu, còn ở diện hẹp. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi tại nhiều địa phương diễn ra rất chậm. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống còn phổ biến và nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát làm ảnh hưởng lớn đến giá trị gia tăng. Đặc biệt, động lực thị trường chưa rõ nét cho việc phát triển một số sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, việc tạo mối liên kết để sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít. Do vậy, công nghiệp chế biến chưa phát triển, sản phẩm bán ra thị trường chủ yếu ở dạng tươi sống hoặc sơ chế nên hiệu quả kinh tế không cao. Ông Muộn nói thêm: “Ngoài những vấn đề vừa nêu thì thực tế những năm qua cho thấy việc phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác đang chạy theo số lượng, đa số đơn vị hoạt động đơn dịch vụ nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh rất thấp, không phát huy tối đa vai trò là bà đỡ của kinh tế hộ”.

Thời gian qua, Điện Bàn nỗ lực thủy lợi hóa đất màu để phục vụ sản xuất hàng hóa. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian qua, Điện Bàn nỗ lực thủy lợi hóa đất màu để phục vụ sản xuất hàng hóa. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Lên - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhìn nhận: “Thời gian qua những cơ quan có trách nhiệm chưa kịp thời rà soát và bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, tại rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, quy hoạch riêng cho ngành nông nghiệp và các lĩnh vực của ngành này là hết sức lam nham. Không chỉ vậy, dù rằng tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đủ mạnh và toàn diện”. Còn ông Nguyễn Xuân Vũ – Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình thì góp ý: “Có thể nói, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là những vùng khó khăn còn rất yếu kém. Việc phân bố nguồn lực công đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm với vai trò của ngành này và chưa theo kịp những đòi hỏi của thực tiễn”.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, những năm qua ngành nghề nông thôn phát triển rất chậm, quy mô nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và chưa có sản phẩm nổi bật mang tính hàng hóa. Khâu đào tạo nghề chưa gắn với quy hoạch, định hướng phát triển các làng nghề và đội ngũ lao động có tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Trong khi đó, trên lĩnh vực thủy sản thì số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 82,6%); việc chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang vẫn còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng nuôi thủy sản nước mặn và nước lợ chưa đáp ứng yêu cầu thâm canh nên hiệu quả không cao; công tác quản lý chất lượng con giống, môi trường nuôi và dịch bệnh tại các địa phương còn lắm bất cập. Còn về lĩnh vực chăn nuôi thì quy mô nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn chiếm đa số, chất lượng đàn gia súc còn thấp, việc nuôi các đối tượng đặc sản có giá trị kinh tế cao còn quá ít. Đặc biệt, do giá thành sản xuất chăn nuôi khá cao nên sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thấp, tiêu thụ khó khăn, thiếu tính bền vững. Không chỉ vậy, việc xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh và các cơ sở giết mổ tập trung trong những năm qua vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, giữa doanh nghiệp đầu mối với các chủ trang trại, gia trại và nông dân còn thiếu sự liên kết trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

----------------------
Bài cuối: Hướng nào để tạo cú hích?

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Bài 1: Nhiều trở lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO