Tăng trưởng của ngành nông nghiệp (NN) Điện Bàn mới chủ yếu theo chiều rộng nên thường xuyên bấp bênh. Vì vậy, thị xã đang thực hiện nhiều giải pháp để tái cơ cấu theo chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát triển chưa bền vững
Sản xuất NN ở Điện Bàn có bước phát triển khá, khai thác sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đã đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế thị xã (chiếm 3,96%), thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2015 đạt 32,5 triệu đồng/năm. Riêng trong ngành, tỷ trọng trồng trọt giảm dần, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng. Những nhóm sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực hình thành, điển hình như lúa giống, lúa chất lượng cao, dưa hấu, đậu phụng, ớt và bò lai đã đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nhiều xã, phường xây dựng và nhân rộng một số mô hình sản xuất, mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao gắn sản xuất với thị trường. Ở các xã Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng và phường Điện An, cánh đồng lớn sản xuất lúa giống đạt bình quân 75 - 80 tạ/ha, tăng 1,3 lần so với sản xuất lúa thường. Về Gò Nổi, trên đất màu phù sa màu mỡ “xen canh gối vụ” đậu cô ve và ớt đông xuân - bắp hè thu; đậu cô ve - bắp đông xuân - đậu xanh xuân hè - bắp hè thu; đậu phụng đông xuân - đậu xanh xuân hè - bắp hè thu; đậu phụng đông xuân - bắp hè thu cho giá trị từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm. Cũng tại Gò Nổi, liên kết sản xuất, sơ chế tiêu thụ ớt cho hiệu quả ổn định do kết nối được doanh nghiệp với nông dân. Nhờ vậy đã giảm bớt các tầng nấc và chi phí trung gian, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con.
Mô hình “xen canh gối vụ” ở Gò Nổi cho năng suất cao. Ảnh: C.TÚ |
Tuy nhiên, tăng trưởng NN ở Điện Bàn mới phát triển theo chiều rộng nên chưa thật sự ổn định, bền vững trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh diễn biến khá phức tạp. Chất lượng nông sản hàng hóa được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, sức cạnh tranh kém. Và nữa, địa phương chưa thể chủ động nắm bắt và dự báo hết những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động yếu kém, mang nặng tính hình thức; kinh tế trang trại lại chưa ổn định. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi thừa nhận: “Mô hình canh tác có hiệu quả cao, đạt chất lượng được xây dựng nhiều, nhưng còn chậm nhân rộng. Cơ chế, chính sách ràng buộc giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa phát huy tác dụng; còn liên kết sản xuất tiêu thụ và sự gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm thiếu chặt chẽ, còn mang tính hình thức. Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm NN còn thấp; sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật rất khó khăn”.
Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đặt ra nhiệm vụ phát triển NN gắn với xây dựng nông thôn mới bằng việc chú trọng xây dựng, triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành NN. Mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ mới. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chơi khẳng định, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền về “Đề án tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 và hướng đến năm 2030” của Chính phủ tới các ban ngành, địa phương và nhân dân. Bước tiếp theo, thị xã sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành theo hướng phát huy lợi thế các sản phẩm ở từng địa phương; quản lý tốt tài nguyên đất đai và phát triển an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở Điện Bàn, tại 5 phường vùng đông, phường Vĩnh Điện hay các xã Điện Minh, Điện Phong mô hình trồng rau cải các loại, rau bồ ngót, rau gia vị, hoa cúc với diện tích 300ha, sản xuất 5 - 7 lứa/năm cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm. Chương trình IPM (3 giảm, 3 tăng) trong trồng trọt và bảo vệ thực vật phát triển mạnh mẽ, trở thành mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp cơ giới hóa bằng công cụ sạ hàng và máy gặt đập liên hợp. Chăn nuôi bò bán công nghiệp đạt hiệu quả và nhân rộng... |
Để làm được điều đó, Điện Bàn sẽ ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Quan tâm nghiên cứu và xây dựng mô hình trình diễn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu với giá thành hợp lý. Triển khai có hiệu quả kế hoạch liên kết “bốn nhà” với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường, sản xuất sạch và thân thiện với môi trường. Các cấp hội nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và các đoàn thể đóng vai trò chủ yếu về vận động tổ chức lại sản xuất NN trên cơ sở hoàn thiện, nhân rộng cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn. Đồng thời liên kết sản xuất theo hình thức trang trại, gia trại, tổ hợp tác, tiến đến thành lập các hợp tác xã kiểu mới, từng bước tổ chức lại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Để tìm đầu ra, Điện Bàn chú trọng xây dựng và thực hiện xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác giúp bà con có định hướng đầu tư phù hợp. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, thị xã sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách, tín dụng ưu đãi phát triển NN - nông thôn, xem đây là nguồn lực quan trọng tái cơ cấu ngành NN. Linh hoạt kết hợp hình thức hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân cùng các tổ chức xã hội để đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài tăng cường vốn trung và dài hạn, địa phương còn tranh thủ các nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia để lồng ghép phục vụ đề án tái cơ cấu. Trước tiên, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh các yêu cầu, đáp ứng hiệu quả sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực liên quan.
CÔNG TÚ