Cuối tuần rồi, lên xã Tam Phước huyện Phú Ninh tìm hiểu công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Tư tôi tình cờ thấy vợ chồng anh Chín Thành Mỹ nhổ bỏ những dây dưa hấu héo trên ruộng. Anh Chín cho biết, gia đình anh có 10 sào đất canh tác lúa, tuy năng suất đạt khá nhưng do giá bán lúa thương phẩm trên thị trường luôn ở mức thấp khiến hiệu quả mang lại không cao. Để nâng cao giá trị kinh tế, từ năm 2011 đến nay, cứ vụ hè thu là anh Chín chuyển 10 sào đất lúa sang sản xuất cây dưa hấu. Nhờ hướng đi đó mà nguồn thu nhập của gia đình anh Chín tăng lên đáng kể. Anh Chín Thành Mỹ hồ hởi: “Sau khi gặt lúa đông xuân, cuối tháng 4.2016 tui tiến hành cày phơi ải rồi tìm mua hạt giống dưa hấu chất lượng về gieo trồng trên các chân đất lúa. Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên vụ dưa hè thu năm nay vợ chồng anh thắng lớn. Bình quân mỗi sào cho thu 1,5 tấn quả, bán ngay tại ruộng cho tư thương với giá sàn 4.000 đồng/kg, thu về 6 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư chỉ tốn 1,5 triệu đồng. Tính ra lãi cao gấp 5 lần so với làm lúa. Bây giờ hết mùa dưa, tui sẽ nhanh chóng triển khai sản xuất lúa hè thu muộn bằng loại giống ngắn ngày để kiếm gạo ăn, đỡ phải bỏ tiền ra mua”.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, hiện mỗi vụ nông dân trên địa bàn xã Tam Phước canh tác 160ha rau đậu, cây trồng cạn các loại. Trong tổng số diện tích vừa nêu, có khoảng 70 - 80ha được chuyển từ đất lúa sang. Để giúp nhà nông sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, thời gian qua bên cạnh việc thực hiện tốt khâu quy hoạch, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, xã Tam Phước cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi. Theo đó, ngoài những chân đất nhận nguồn nước trực tiếp từ hệ thống kênh chính Bắc Phú Ninh, xã Tam Phước đã đầu tư 1,5 tỷ đồng thi công một số công trình thủy lợi hóa đất màu trên cánh đồng Miếu ở thôn Phú Mỹ, cánh đồng Gò Mè thuộc thôn Cẩm Khê và cánh đồng Mương Doãn của thôn Thành Mỹ. Không chỉ nỗ lực lo khâu nước tưới, mấy năm gần đây các đơn vị liên quan cũng mở nhiều khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tích cực hướng dẫn người dân phương thức canh tác luân canh - xen canh - gối vụ những loại cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực như bắp lai, đậu phụng, dưa hấu, đậu xanh… Qua thống kê cho thấy, hằng năm mỗi héc ta đất sản xuất hoa màu ở xã điểm nông thôn mới Tam Phước mang lại giá trị 120 - 180 triệu đồng, thậm chí có vùng đạt 200 - 250 triệu đồng.
Hỗ trợ nông dân phát triển mạnh sản xuất để giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng trên tiến trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì thế, 5 năm qua ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương ở huyện Phú Ninh đã dốc sức triển khai đồng bộ nhiều khâu để hình thành nên những mô hình cánh đồng mẫu cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, tính đến giữa tháng 7.2016, toàn huyện đã có rất nhiều cánh đồng mẫu chuyên canh tác theo những công thức như dưa hấu đông xuân - lúa giống hè thu, đậu phụng đông xuân - dưa hấu xuân hè - bắp thu đông, đậu phụng đông xuân - mè xuân hè - môn ca ri thu đông… với tổng diện tích 1.000ha. Bình quân hàng năm, mỗi héc ta đất sản xuất theo các công thức vừa nêu cho nhà nông mức thu nhập ít nhất 100 triệu đồng. Ông Tuấn cho rằng, những năm đến Phú Ninh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hướng này, bởi đây thực sự là lối mở trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp - một vấn đề vô cùng bức thiết mà Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp phải vào cuộc quyết liệt.
TƯ RUỘNG