Làm ruộng chỉ đủ gạo ăn nên hơn 10 năm nay vợ chồng anh Sáu Vân Trai ở xã Tam Hiệp (Núi Thành) chọn nghề chăn nuôi vịt đàn làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, những năm qua họ đã không ít lần… ôm nợ vì dịch cúm gia cầm. Mới đây nhất, vào giữa tháng 9.2014, khi bầy vịt thịt 250 con của anh gần đến kỳ xuất bán thì vi rút mới mang độc lực mạnh cúm A/H5N6 bất ngờ xuất hiện khiến tất cả đều mắc bệnh, phải tiêu hủy khẩn cấp. Vịt bị tiêu hủy, anh Sáu mất đứt 30 triệu đồng tiền vốn và lãi, đó là chưa kể gần 2 tháng trời cần mẫn chăm sóc.
Bỏ trống chuồng trại một thời gian, mới đây anh Sáu Vân Trai tiến hành phun hóa chất sát trùng rồi đặt mua 500 con vịt giống chất lượng cao về thả nuôi để kịp bán tết. Thế nhưng, lúc mới đưa bầy vịt con ấy về chuồng thì anh lại nhận được thông tin chủng vi rút cúm A/H5N6 vừa tái bùng phát tại xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành làm 1.520 con vịt của một số hộ dân bị nhiễm dịch, phải tiêu hủy bắt buộc. Anh Sáu nói: “Dịp tết năm ngoái tui nuôi 500 con vịt thịt, nhờ dịch bệnh không hoành hành và bán sản phẩm với giá tương đối cao nên sau khi trừ mọi chi phí đầu tư tui thu được 25 triệu đồng tiền lời. Bây giờ tái đàn, tui hy vọng sẽ kiếm được mức lãi ròng như thế để bù lại khoản lỗ trong đợt dịch xảy ra cách đây hơn 3 tháng. Mấy hôm nay nghe nói cúm gia cầm đã quay trở lại xã Tam Mỹ Đông, bụng dạ tui nóng như lửa đốt chú Tư mi ơi. Bởi, sự lây lan của con vi rút cực kỳ nguy hiểm đó là không có vùng cấm”.
Trò chuyện với Tư tôi, anh Ba Nông Nghiệp cho biết, thời gian gần đây người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh tập trung mọi nguồn vốn để tái đàn nhằm có sản phẩm tiêu thụ trong dịp Tết Ất Mùi sắp tới. Vì vậy, hiện nay số lượng gà và vịt thả nuôi tại những trang trại, gia trại cũng như nông hộ đã tăng lên rất nhiều so với trước. Trong khi đó, qua kết quả giám sát cho thấy thời điểm này vi rút gây bệnh cúm gia cầm đang lưu hành ở một số địa phương, gồm Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh, Duy Xuyên. Theo anh Ba, để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 trên diện rộng thì ngay từ bây giờ các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều khâu. Anh Ba nói: “Bên cạnh việc siết chặt công tác kiểm soát, kiểm dịch thì nhất thiết phải quản lý tốt đầu vào của con giống. Đồng thời duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, chuồng trại và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Đặc biệt, phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia cầm theo đúng quy trình do ngành chuyên môn hướng dẫn”.
TƯ RUỘNG