Tái diễn nạn "vàng tặc" ở Bồng Miêu

TRẦN HỮU 26/08/2020 08:16

Nhiều lao động phổ thông bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dạt về tận thu vàng trái phép ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh). Đáng nói, chính quyền các cấp và ngành chức năng vẫn loay hoay với việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nơi đây.

Cần sớm đưa quặng đuôi ở khu vực tận thu do Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 quản lý theo đúng vị trí quy hoạch.
Cần sớm đưa quặng đuôi ở khu vực tận thu do Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 quản lý theo đúng vị trí quy hoạch.

Khó truy quét

Trên con đường lởm chởm đất đá vào khu vực quản lý của nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu trước đây (đang chờ đóng cửa mỏ), chúng tôi thấy nhiều lán trại dựng ven rừng, các bao tải chứa quặng tập kết thành đống dọc đường. Người dân thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh) cho biết, từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên đến nay, một số dịch vụ giải trí, kinh doanh ăn uống trên địa bàn tạm đóng cửa, nhiều lao động phổ thông bất ngờ bị mất việc làm nên rủ đi đào đãi vàng.

Theo người dân, thanh niên có sức khỏe vào sâu trong hầm lò đục khoét lấy đá ra khỏi miệng hầm, rồi cho vào máy nghiền thành quặng, chuyển đến sát bờ sông, suối để lao động, chủ yếu là phụ nữ tham gia phần việc đãi vàng.

Việc “mót quặng” ở mỏ vàng Bồng Miêu diễn ra cả lộ thiên lẫn trong lòng đất. Điều đáng báo động, đối với các vị trí “chế biến” quặng xa sông suối, tận dụng các khu rừng hoang vắng, nhiều đối tượng xây các bể chứa nước và sử dụng hóa chất trong quá trình tinh luyện vàng.

Lý giải về việc liên tục truy quét nhưng không ngăn chặn triệt để “vàng tặc”, chính quyền xã Tam Lãnh cho rằng, một bộ phận người dân địa phương không có nghề nghiệp ổn định, trong khi dịch bệnh xảy ra thời gian dài khiến bức bí việc trang trải đời sống. Thêm vào đó, do hệ thống hầm lò chằng chống chằng chịt như ma trận giữa lòng núi nên lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó khi truy quét.

Bùng phát tình trạng tận thu vàng trái phép tại Tam Lãnh trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.H
Bùng phát tình trạng tận thu vàng trái phép tại Tam Lãnh trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.H

Áp lực bảo vệ khoáng sản vàng Bồng Miêu càng lớn hơn từ ngày Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu phá sản và Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 dừng mọi hoạt động tận thu, chế biến quặng đuôi thải theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Báo cáo của UBND xã Tam Lãnh cho biết, từ ngày 1.4 đến 6.8.2020, lực lượng chức năng xã tổ chức 26 đợt truy quét “vàng tặc”, theo đó phá hủy 20 lán trại, 48 bể ngâm ủ quặng, 9 máng gỗ; tiêu hủy 150 bao đá quặng, 80 bao xái quặng, 8 tấn vôi, làm mất tác dụng 12 máy nổ…

Bùng phát tình trạng tận thu vàng trái phép tại Tam Lãnh trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.H
Bùng phát tình trạng tận thu vàng trái phép tại Tam Lãnh trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.H

Nguy cơ mất an toàn đập thải

Nhì nhằng đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn và thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Cụ thể, các văn bản số 7206 (ngày 10.12.2018); văn bản số 1120 (ngày 6.3.2019) và Công văn số 2557 (ngày 10.5.2019). Ngày 14.4.2020, Bộ Tài chính có Công văn số 4515 gửi Bộ TN-MT, cho rằng Bộ TN-MT chưa cung cấp cụ thể các nhiệm vụ chi của đề án nên Bộ Tài chính chưa có cơ sở xác định việc sử dụng kinh phí thường xuyên hay chi đầu tư để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Theo bộ này, năm 2019 phía Quảng Nam thống nhất bố trí ngân sách tỉnh 12,6 tỷ đồng cùng với kinh phí cải tạo ký quỹ phục hồi môi trường (hơn 6 tỷ đồng) do đơn vị khai thác mỏ nộp để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu; đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn UBND tỉnh thực hiện. Trong trường hợp vướng mắc khi chuyển kinh phí từ ngân sách tỉnh cho Bộ TN-MT để thực hiện đề án, đề nghị Bộ TN-MT trình Chính phủ giao UBND tỉnh thực hiện đề án. Tuy nhiên, ngày 12.8.2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6681 trả lời, yêu cầu Bộ TN-MT xem xét, quyết định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Theo Sở TN-MT, trước đây Bộ TN-MT đã ủy quyền cho tỉnh thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, nhưng Chính phủ không thống nhất, đồng thời yêu cầu Bộ TN-MT phải thực hiện nhiệm vụ này. Vì chậm đóng cửa mỏ nên tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn biến phức tạp, gây khó khăn công tác quản lý tài nguyên cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Về phía tỉnh, trước khi chờ cấp trên thực hiện đề án đóng cửa mỏ, kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Tình trạng tận thu khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường tập trung ở khu vực đập 1, đập 3A, 3B của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu. Khu vực này, Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 trước đây đặt máy móc để thu hồi quặng đuôi thải. Tuy vậy, năm 2016, theo yêu cầu của UBND tỉnh, công ty này buộc phải tháo dỡ toàn bộ máy móc và lực lượng bảo vệ của công ty ra khỏi đập 1, đập 3A, 3B. Từ đây, nhiều cá nhân, nhóm đối tượng tự vào chia khu vực, xây bể, ngang nhiên đưa hóa chất vào ngâm ủ xái quặng. Chưa dừng ở đó, “vàng tặc” còn vào khai thác trong khu vực xưởng chế biến tận thu kim loại Suối Trang của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666. Tại khu ngâm ủ số 2 thuộc xưởng chế biến tận thu, theo quan sát của chúng tôi, nhiều đối tượng lẻn vào xây bể ngâm ủ hóa chất tuyển lọc vàng, làm hư hỏng nhiều vị trí bờ đập.

Giám đốc Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 – ông Trương Quốc Sỹ lo lắng: “Hiện nay bờ đập tại khu ngâm ủ số 2 bị một số đối tượng phá hoại, khi mưa xuống dễ làm vỡ đập và tràn ra ngoài, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu các cấp chính quyền không có biện pháp bảo vệ, nơi đây dễ phát sinh “điểm nóng” về mất an ninh trật tự”.

Sau khi xảy ra sự cố vỡ đập chứa thải tại Bồng Miêu, năm 2016 UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 tạm dừng mọi hoạt động để khôi phục môi trường. Theo biên bản kiểm tra của Sở TN-MT, công ty có biện pháp cải tạo hệ thống thu gom nước mưa đảm bảo thu gom triệt để, không để tình trạng nước mưa cuốn theo quặng chảy ra môi trường. Công ty có biện pháp bảo vệ tại 6 khu vực ngâm ủ; đắp bờ đê chung quanh khu vực ngâm ủ, giảm thiểu tình trạng sạt lở và chảy tràn ra suối. Tại khu vực đập bãi thải của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và tại xưởng chế biến tận thu kim loại vàng, chì ở khu vực Hố Lò 5, Suối Trang của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 đã dừng hoạt động theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Vướng mắc hiện nay chủ yếu ở đập ngâm ủ số 2 khu vực tận thu kim loại, đây là hạng mục công ty chưa hoàn thành khắc phục. Theo quy định, công ty phải thu gom toàn bộ quặng đuôi từ xưởng tuyển nổi tại đập ngâm ủ số 2 đổ thải vào đúng vị trí quy hoạch. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, tại đập ngâm ủ số 2 (cũng là điểm nóng về “vàng tặc”), công ty đang gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thu gom vì sự cản trở của một bộ phận người dân.

Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 đề xuất huyện Phú Ninh cho phép được đưa người và máy móc vào đắp lại bờ đập bị “vàng tặc” phá để tránh tình huống vỡ đập vào mùa mưa; vận chuyển toàn bộ xái quặng từ đập ngâm ủ số 2 đổ vào đúng nơi quy hoạch và xử lý môi trường, do đập này còn chứa khoảng 15.000m3 xái quặng.

Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh – Huỳnh Xuân Chính khẳng định, địa phương giao Phòng TN-MT huyện tham mưu văn bản trả lời, nhưng công ty phải tuân thủ nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trước đây. “Cách đây hơn 10 ngày có tình trạng dân vào khu đập thải của công ty khai thác, kể cả làm trái phép bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay bên trong diện tích quản lý của công ty đã tạm ổn” – ông Chính nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái diễn nạn "vàng tặc" ở Bồng Miêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO