Tái diễn tình trạng "chảy máu rừng"

TRẦN HỮU 07/05/2014 08:47

Các khu rừng nằm ở đầu nguồn lòng hồ thủy điện, vùng giáp ranh giữa Phước Sơn với các địa phương lân cận luôn bị xâm hại. Những “chiến lợi phẩm” mà lực lượng chức năng địa phương thu về sau mỗi đợt truy quét chỉ là phần nổi của thực tế xâm hại tài nguyên rừng nơi đây.

Gỗ trái phép bị tịch thu nằm chờ bán thanh lý tại trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn.
Gỗ trái phép bị tịch thu nằm chờ bán thanh lý tại trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn.

Phát sinh điểm nóng

Năm 2011, khi thủy điện Đắc Mi 4 tích nước đưa vào hoạt động cũng là lúc những cánh rừng đặc dụng đầu nguồn luôn bị lăm le tàn phá. Thời điểm này, tại khu vực bãi Đà Lạt (thuộc tiểu khu 687, xã Phước Kim, Phước Sơn) lực lượng chức năng phát hiện 55m3 gỗ đã cưa tròn, rọc phách chuẩn bị chờ thời cơ vận chuyển ra bên ngoài. Cách đó không xa, khu vực cầu Dây – Nước Chè (xã Phước Chánh, Phước Sơn) còn vô tình trở thành “bàn đạp” giúp đối tượng lén lút chở gỗ lậu vào ban đêm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013, “lâm tặc” đã chuyển sang hoạt động ở địa bàn xã Phước Hòa để thực hiện mục đích kép: mở đường tận thu vàng và lấy gỗ. Con đường lên các bãi vàng thuộc địa bàn xã Phước Hòa với nhiều đoạn gỗ nằm lăn lóc. “Số phận” của nhiều gốc cổ thụ đặt trong tình thế có thể đổ ngã bất cứ lúc nào từ hệ lụy mở đường. Ngành kiểm lâm thống kê, năm 2013, chỉ riêng xã Phước Hòa đã xảy ra 46 vụ liên quan đến khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; ngành chức năng tịch thu gần 80m3 gỗ các loại, tạm giữ 3 ô tô. Trong khi đó, theo Công an huyện Phước Sơn, tổ công tác liên ngành huyện đã phát hiện nhiều công cụ, phương tiện phục vụ cho việc khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực 38, 39 thuộc tiểu khu 647 (xã Phước Hòa). Theo đó, phá hủy 3 lán trại, 4 máy nổ và đẩy đuổi hàng chục đối tượng vào rừng trái phép.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn - ông Trần Lanh thừa nhận, địa phương chưa kiểm soát hết các điểm khai thác khoáng sản, kèm theo việc lén lút tận thu gỗ bất hợp pháp. Có thực tế một bộ phận người dân dựa vào rừng kiếm sống, hoặc “tiếp tay” cho lâm tặc xâm hại rừng, đặc biệt ở điểm nóng là các xã Phước Hòa, Phước Đức, Phước Hiệp, Phước Chánh, Phước Mỹ. “Diện tích rừng giao cho chính quyền xã, thị trấn và một số chủ rừng quá rộng nên có nơi chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, thủ đoạn chống người thi hành công vụ, hăm dọa trắng trợn của “lâm tặc” đã làm cho một số cán bộ ngại va chạm” – ông Lanh cho biết.

Khó kiểm soát

Phạt doanh nghiệp khai thác gỗ trái phép 35 triệu đồng

Liên quan đến việc thanh lý số gỗ tịch thu (cây chò có khối lượng gần 13m3) tại khu vực bờ sông Đắc Mi (thuộc xã Phước Hòa, Phước Sơn) cho Công ty TNHH MTV Thương mại và du lịch Thanh Nhàn mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - ông Phan Tuấn khẳng định, kiểm lâm đã xử phạt 35 triệu đồng đối với doanh nghiệp trên do hành vi khai thác gỗ ngoài hồ sơ, thủ tục cho phép, đồng thời tịch thu gần 5m3 gỗ trái phép. Vụ việc xảy ra vào cuối năm 2013, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn khi truy quét đã phát hiện cây chò nâu bị đổ ngã, cắt thành 4 lóng với khối lượng hơn 12,8m3 gỗ tròn nằm sát mép nước bờ sông Đắc Mi. Công ty TNHH MTV Thương mại và du lịch Thanh Nhàn đã mua thanh lý số gỗ trên. Tuy nhiên, trong khi thu gom gỗ mua thanh lý, công ty này đã tác động vào gốc chò đã cũ, cành nhánh cây không nằm trong hồ sơ bán. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn – ông Trần Lanh, kiểm lâm đã làm đúng quy trình, quy định hồ sơ thanh lý gỗ. Việc tác động vào gốc chò nằm ngoài hồ sơ đã được kiểm lâm cơ sở phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

UBND tỉnh từng có nhiều văn bản cấm đưa người, phương tiện không rõ nguồn gốc vào “rừng cấm”; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi thi công các công trình, dự án có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp phải đăng ký với chính quyền sở tại và ngành chức năng. Thế nhưng, dù đã có hàng chục doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong rừng đặc dụng, phòng hộ, nhưng đến nay, Phước Sơn chỉ có 4 đơn vị được cấp chứng nhận ra vào rừng, gồm Công ty TNHH Phước Minh, Công ty TNHH Thành Lộc Sơn, Công ty TNHH Nghĩa Sơn, Ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Đắc Mi 4. Ngoài ra, kiểm lâm đã cắm 25 biển cấm tại các khu rừng phòng hộ. Theo UBND huyện Phước Sơn, đến nay địa phương đã kết thúc việc khai thác tận thu, tận dụng gỗ trên diện tích khai hoang trồng cao su tại tiểu khu 646 (xã Phước Hiệp), tuyến đường Phước Công – Phước Mỹ; hoàn thành việc kiểm tra, giám sát khai thác tận thu, tận dụng gỗ hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 (giai đoạn 2) đạt 401/443 nhà. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn phức tạp. Giai đoạn từ tháng 6.2010 đến 3.2014, ngành chức năng của huyện đã phát hiện, lập biên bản 758 vụ vi phạm liên quan đến phá rừng; tịch thu hơn 1.697m3 gỗ các loại và nhiều phương tiện vận chuyện khác. Đáng nói, có 17 vụ án đã điều tra, khởi tố; cảnh cáo 1 tổ chức cơ sở đảng, khai trừ ra khỏi Đảng 3 đảng viên và 6 đảng viên bị hình thức cảnh cáo và khiển trách liên quan đến vi phạm về pháp luật bảo vệ rừng. Bên cạnh các điểm nóng khai thác gỗ trái phép trong khu vực đầu nguồn lòng hồ thủy điện thì tình trạng tận thu tài nguyên rừng tái diễn ở vùng giáp ranh giữa Phước Sơn với các huyện Hiệp Đức, Nam Giang, Nông Sơn.

Trước đây, UBND tỉnh yêu cầu các ban quản lý dự án thủy điện chủ động phối hợp với chủ rừng, kiểm lâm sở tại, chính quyền địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng đầu nguồn, nhưng thực tế bộc lộ không ít bất cập. Nhiều vụ phá rừng trong lưu vực lòng hồ thủy điện Đắc Mi rất chậm phát hiện, việc xác định trách nhiệm rất mơ hồ. “Thời gian gần đây, nạn phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn ra khá phức tạp. Trong khi đó, ban quản lý các nhà máy thủy điện trên địa bàn chưa triển khai thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và Chỉ thị số 33/CT-UBND ngày 12.12.2011 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn” - ông Trần Lanh nói.

 TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái diễn tình trạng "chảy máu rừng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO