Hàng trăm hộ dân ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn bị trôi, sụp đổ hay hư hại nhà đang được lực lượng chức năng dựng tạm nhà ở nhưng về lâu dài cần địa điểm bố trí dân cư an toàn, thuận lợi trong sản xuất để tránh tình trạng phải tái định cư thêm lần nữa.
Ở đâu cũng có nguy cơ cao
Tại các xã vùng cao huyện Bắc Trà My, ở nhiều điểm khu dân cư nằm dọc sông suối, đối mặt với hiện tượng lũ ống, lũ quét nhưng chính quyền loay hoay với bài toán di dời dân. Bởi, vừa tính chuyện giải quyết an cư lâu dài vừa không quá xa với vùng sản xuất nương rẫy của đồng bào. Ở nóc Ông Khương gần trụ sở xã Trà Giáp, hay ở núi Cáp Tun (thôn 1, xã Trà Giáp) mới đây lại xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở rất cao, uy hiếp hơn 60 người dân đang sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho biết, dưới chân núi Cáp Tun có 16 hộ dân đang sinh sống, rình rập nguy cơ núi lở. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “UBND huyện Bắc Trà My đã có chủ trương di dời các hộ dân ở nơi nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét nhưng cái khó là địa phương chưa tìm ra khu vực thuận lợi để tái định cư vì trên địa bàn địa hình phần lớn là đồi núi, dễ bị sạt lở khi mưa lớn”.
Tại các xã Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn), bão số 9 kèm theo lũ quét vừa qua đã cuốn trôi hàng chục ngôi nhà xuống dòng sông Đăk Mét. Nhiều hộ dân hiện nay vẫn còn sống tạm từ các công trình công cộng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng khẳng định, hiện nay ưu tiên của địa phương là tập trung mọi lực lượng ổn định đời sống nhân dân. Với các nhà bị trôi, sụp đổ hoàn toàn, chính quyền sẽ chọn mặt bằng mới dựng tạm nhà. Về lâu dài, huyện cùng các ngành chức năng của tỉnh, các nhà khoa học khảo sát thực tế, lựa chọn vị trí an toàn để xây dựng nhà ở kiên cố, tránh tình trạng phải tái định cư thêm lần nữa.
Một số ngôi làng của người dân ở Phước Thành đã thành bình địa, bị cuốn trôi xuống suối Đăk Ba Sao, ra sông Đăk Mét. Theo UBND huyện Phước Sơn, thiệt hại do bão lũ toàn huyện hơn 350 tỷ đồng. Con đường từ Phước Công đi Phước Lộc với khối lượng sạt lở quá lớn. Năm 2021, địa phương sẽ dành toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư công (hơn 120 tỷ đồng) để tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai.
“Việc tìm mặt bằng ổn định nơi ăn chốn ở để đưa dân ra khỏi vùng thiên tai, vừa gắn với vùng sản xuất của đồng bào là chuyện lâu dài cần một cuộc khảo sát, vào cuộc của các nhà khoa học. Vì vậy, sự cấp bách bây giờ là ưu tiên khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, dựng nhà tạm cho dân” – ông Quảng nói.
Tránh tái định cư thêm lần nữa
Các cơn bão lũ vừa qua, riêng huyện Nam Trà My, sạt lở đã vùi lấp và cuốn trôi 65 ngôi nhà của người dân. Thời gian qua, Quân khu 5 phối hợp với các cấp chính quyền lựa chọn khu thao trường huấn luyện quân sự trên địa bàn giáp ranh giữa hai xã Trà Dơn và Trà Leng (rộng 3ha), quy mô bố trí đất ở khoảng 100 hộ dân, trước mắt ưu tiên bố trí cho 29 hộ dân ở xã Trà Leng có nhà bị sập, lũ cuốn trôi vừa qua. Lực lượng quân đội dự kiến sẽ xây dựng nhà truyền thống cho bà con có nơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp với phòng tránh lũ và sạt lở đất tại khu tái định cư cho nóc Ông Đề (xã Trà Leng). Tại huyện Tây Giang, chính quyền cũng chọn được vị trí hỗ trợ làm nhà mới cho 36 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), diện tích sử dụng tối thiểu 24m2.
Theo Sở Xây dựng, việc khảo sát địa điểm để lập làng mới cho đồng bào trong vùng thiên tai đòi hỏi thời gian và quá trình nghiên cứu công phu, bởi với đồng bào miền núi không gian sinh hoạt không tách rời đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh cũng như không gian sinh kế.
Còn nhớ, thảm họa sạt lở núi ở Trà Vân (Nam Trà My) cách đây hơn 3 năm, địa phương đã xây dựng làng mới giữa thung lũng Khe Chữ (xã Trà Vân) và đưa vào sử dụng từ tháng 8.2017 đến nay. Làng mới Khe Chữ được di dời sang vị trí mới cách chỗ cũ 4km. Sở dĩ ngôi làng này có sức sống vì nhà ở gắn với nơi sản xuất ổn định. Các hạng mục điện – đường – trường – trạm đều được đầu tư đồng bộ. Theo chính quyền các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, làng Khe Chữ là mô hình tham khảo để bố trí lập làng mới cho dân bị ảnh hưởng thiên tai vừa qua. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nhiều địa điểm có thể bố trí được đất ở, nhưng lại nằm cách xa nương rẫy canh tác của đồng bào.
Sở Xây dựng cho rằng, năm 2018, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan đã rà soát, xem xét lại vấn đề quy hoạch cũng như các khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất, hướng dẫn xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành chỉ thị yêu cầu về công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận, không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Về giải pháp, ông Hùng cho rằng, đối với việc xây mới, quan trọng là lựa chọn địa điểm an toàn để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. “Hiện nay chúng ta có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỷ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000, xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề là phải làm sao đưa về tỷ lệ 1/500 khi đó mới quản lý được” - ông Hùng cho biết.