Tái định cư vùng đông Duy Xuyên: Chưa thể an cư

HOÀNG LIÊN - KHÁNH LINH 31/03/2014 08:21

Nhiều năm nay, tiến độ triển khai các dự án tái định cư (TĐC) vùng đông Duy Xuyên diễn ra khá chậm chạp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống của người dân vùng TĐC đối diện nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Con đường vào khu TĐC Nồi Rang (thôn Hội Sơn, Duy Nghĩa, Duy Xuyên) nham nhở đất đá, xen lẫn trên những khoảnh đất cát là vài ngôi nhà lạc lõng giữa cái nắng chói chang của những ngày đầu hè. Bà Nguyễn Thị Ngọc (62 tuổi) không khỏi bức xúc khi kể về cuộc sống hiện tại của gia đình tại khu TĐC này. Trước đây, nhà bà Ngọc ở thôn Sơn Viên nhưng do nằm trong diện giải tỏa của dự án cầu Cửa Đại nên bà cùng nhiều gia đình khác phải nhường đất vào khu TĐC. Đã hơn 3 năm tính từ ngày vào khu TĐC nhưng cuộc sống, sinh hoạt của gia đình bà vẫn rất bức bách. Ngoài những khó khăn về kinh tế khi không có đất đai sản xuất, sinh kế làm ăn thì nỗi lo lớn nhất của bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây là nguồn nước giếng sinh hoạt không đảm bảo. “Nguồn nước nơi đây nhiễm phèn và nhiều tạp chất khác vì nơi đây trước kia là khu nghĩa địa. Tôi phải đi mua nước bình về uống và nấu ăn, hai ngày hết 1 bình, tốn kém lắm” - bà nói. Để tắm rửa sinh hoạt ngoài việc dùng cát sỏi lọc nước thì bà phải đi xách nước ở làng khác về để dùng, cuộc sống càng thêm vất vả.

Đời sống của người dân vùng TĐC gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch. Ảnh: H.L
Đời sống của người dân vùng TĐC gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch. Ảnh: H.L
Ngưng trệ do thiếu vốn
Ông Trần Đình Phúc - Phó ban Giải phóng mặt bằng và TĐC huyện Duy Xuyên cho biết, hiện Duy Xuyên có 3 khu TĐC đều thuộc dự án phòng tránh thiên tai giai đoạn 1, do Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư. Dù được triển khai thực hiện từ năm 2010 nhưng từ năm 2013 đến nay, các dự án phải tạm dừng vì không có vốn. Khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 với diện tích 39ha đã thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng. Nhưng để triển khai thực hiện, địa phương phải vay vốn 22 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển đất của tỉnh để phục vụ khâu giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Khu TĐC Lệ Sơn (giai đoạn đầu 26ha) đang tiến hành giải phóng mặt bằng nhưng do nguồn vốn mới bố trí 15,5/18,5 tỷ đồng, so với phê duyệt còn nợ 3 tỷ đồng nên chưa thể hoàn thiện. Riêng khu TĐC Nồi Rang được phê duyệt nguồn vốn 51 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới bố trí được 31,65 tỷ đồng, còn nợ 19,35 tỷ đồng. Ngoài ra, khu vực này đông đúc dân cư sinh sống nên khâu quy hoạch TĐC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện, địa phương chỉ mới bàn giao khoảng 20% mặt bằng cho chủ đầu tư. “Tại cuộc họp mới đây, chủ đầu tư hứa sẽ khởi động lại dự án, cố gắng tập trung hoàn chỉnh 3 khu TĐC trong thời gian sớm nhất” - ông Phúc cho hay. Tuy nhiên, ông Phúc cũng tiết lộ, chính sách giải phóng mặt bằng còn một số bất cập, các nghị định, quy định về luật đất đai không quy định về hạn mức… khiến địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu thực hiện. “Theo quy hoạch, số hộ dân bố trí vào 3 dự án TĐC là 295 hộ, trong đó có 73 hộ bố trí TĐC tại chỗ. Tổng số lô bố trí TĐC là 285 lô/222 hộ dân. Nhưng hiện nay chỉ mới bố trí được 126 lô/285 lô/222 hộ” - ông Phúc cho biết.

Không riêng bà Ngọc, hầu như các hộ dân trong khu TĐC đều có chung nỗi lo về cuộc sống hiện tại. Theo ông Lê Đạm, từ ngày vào khu TĐC, gia đình ông chẳng biết làm gì để sinh sống, nhất là những người lớn tuổi như ông vì không thể đi làm thuê, làm hồ như lớp trẻ thanh niên. “Ở chỗ cũ (thôn Sơn Viên) còn có mảnh vườn, mảnh ruộng chứ về đây thật tình không biết làm gì, có ít tiền đền bù thì đã làm nhà gần hết rồi” - ông Đạm nói. Thời gian này ông và một số hộ trong khu TĐC cũng cố gắng trở về vườn cũ để trồng rau, nuôi gà… nhưng cũng chỉ tạm bợ, mai mốt dự án triển khai thì không biết ra sao.
Cách đó không xa là khu TĐC Lệ Sơn (thôn Lệ Sơn, Duy Nghĩa). Dù đường sá, nhà cửa có vẻ khang trang hơn nhưng đời sống của người dân cũng vất vả không kém so với khu TĐC Nồi Rang. Bà con nơi đây ngoài thiếu việc làm, nước sinh hoạt thì cũng khổ sở bởi hệ thống cống rãnh thoát nước, đèn đường, vệt cây xanh… chưa được đầu tư. Mùa mưa nước ngập, mùa nắng mỗi khi có gió lớn thì bão cát tấn công vào nhà do đường sá trống trải, chưa có cây xanh. Theo ông Trần Văn Bảy - Trưởng thôn Lệ Sơn, dù khu TĐC có tổng diện tích 110ha (giai đoạn đầu đưa vào sử dụng 26ha) nhưng cũng chỉ mới có 22 hộ vào ở, nhiều hộ vẫn còn nấn ná chưa muốn vào vì hạ tầng chưa hoàn thiện. “Chúng tôi phản ánh miết nhưng xã bảo là ở trên huyện, tỉnh nói hết tiền đầu tư rồi” - ông Bảy cho biết. Theo ông Bảy, sinh kế cho người dân là câu chuyện bức thiết. Để tạo sinh kế cho người dân, Nhà nước cần thu hút dự án công nghiệp vào để giải quyết công ăn việc làm tại chỗ.

Nằm cận kề với các khu TĐC trên, điều kiện sinh sống của người dân tại khu TĐC xã Duy Hải cũng đối diện nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ông Võ Văn Toan  - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khu TĐC 39ha thuộc thôn Tây Sơn Đông nhằm bố trí TĐC cho các hộ dân nằm trong diện giải tỏa của dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng mới chỉ hoàn thiện tương đối, cây xanh đường sá chưa hoàn thành, nguồn nước tại chỗ nhiễm phèn nên mới chỉ có 45 hộ dân vào ở. Ngoài ra, để di dời 18 hộ dân ven biển thôn Trung Phường tránh nguy cơ sạt lở, tỉnh cũng đã ký quyết định giao khu đất gần Trường Tiểu học thôn 5, diện tích 450 x 70m để quy hoạch xây dựng khu TĐC mới, nhưng đến nay chỉ trong giai đoạn cắm mốc, kiểm kê giải tỏa, chưa có đường vào. “Chúng tôi đang đăng ký làm việc với huyện để có giải pháp đẩy nhanh tốc độ xây dựng hoàn thiện các khu TĐC cũng như có chính sách thỏa đáng khuyến khích hỗ trợ người dân vào các khu dân cư mới này” - ông Toan nói.

HOÀNG LIÊN - KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái định cư vùng đông Duy Xuyên: Chưa thể an cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO