Phan Châu Trinh là một người có tài hùng biện bẩm sinh. “Cái lưỡi” của ông đã trở thành một thứ vũ khí hữu hiệu còn hơn cả “gươm súng”. Ông đã sử dụng lợi thế này vào công cuộc đấu tranh cho độc lập và tiến bộ của dân tộc.
Tài hùng biện bẩm sinh
Nhờ tài hùng biện, Phan Châu Trinh đã từng làm “cứng họng” các nhân vật “cộm cán” như viên Ngự sử họ Trần ở Huế, Tổng đốc Vương Duy Trinh của Quảng Nam hay Thống sứ Bắc Kỳ khi họ dùng cường quyền để bắt bẻ ông. Phan Châu Trinh đã thể hiện tài hùng biện của mình từ mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày cho đến việc vận động quần chúng đấu tranh để đòi độc lập tự do và sự tiến bộ cho dân tộc.
Trong tác phẩm Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử (NXB Anh Minh, Huế, năm 1959) Huỳnh Thúc Kháng có kể nhiều dật sử cho thấy tài hùng biện thiên bẩm của Phan Châu Trinh được ông vận dụng từ tề gia cho đến bình thiên hạ. Ba câu chuyện nhỏ sau nói lên điều đó:
- “Nhà có bà thứ mẫu, thường cùng bà chị dâu có chuyện rầy, hai đàng không chịu nhau. Được tiên sinh một lời tức thì thỏa thuận với nhau như không”.
- “Tánh vì người ta mà gỡ chuyện rắc rối có cái thói như sách sĩ thời Chiến quốc: Anh em có điều gì khốn nạn không phân giải được tiên sinh đến nói một câu là yên ngay. Nhiều khi người ta biện thuyết cả trăm ngàn câu mà không rõ ràng được thì thế nào cũng mời tiên sinh. Đến nơi mới nhân tình lý lẽ rõ ràng nên đàn bà trẻ con ai cũng hiểu và thích nghe nữa”.
- “Tiên sinh thích xem tiểu thuyết Liêu trai, Thủy hử, Hải đặc, Tây du, Kỳ quan tình sự (đều sách tiểu thuyết xưa) cho đến tiểu thuyết mới, nhiều thứ thuộc lòng mà kể lại hay lắm. Cùng một chuyện đó người ta kể ngồi mà buồn ngủ không muốn nghe chút nào. Đến tiên sinh kể thì có đầu có đuôi có tầng thứ lớp lang, có hứng thú ai ai cũng thích nghe như xem một lớp tuồng hay. Vì thế nên trên từ văn bằng học hữu dưới đến lớp bồi bếp, phu xe đều cho tiên sinh là ông vui chuyện”. (Trang 40).
Không chỉ trong sinh hoạt đời thường, trong việc vận động quần chúng, Phan Châu Trinh cũng luôn dùng tài hùng biện của mình để “thuyết khách” như việc “thuyết phục” viên Quản đạo ở Ninh Thuận, viên Tri huyện Phù Cát ở Bình Định và viên Bố chánh hưu trí ở Quảng Ngãi ủng hộ chủ trương của mình khi trên đường Nam du trở về vào năm 1905 hay việc “khích tướng” để vị Cố đạo người Pháp ở Phước Kiều giới thiệu ông gặp Công sứ Quảng Nam (Huỳnh Thúc Kháng kể trong các tác phẩm Phan Tây Hồ tiên sinh dật sử và Nguyễn Văn Xuân thuật lại trong Phong trào Duy tân).
Tài hùng biện của Phan Châu Trinh thể hiện rõ nhất là trong các tác phẩm chính luận của ông như Đầu Pháp chính phủ thư, Thư thất điều, Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Tân Việt Nam… Đây là những tác phẩm được ông trình bày những tư tưởng mới mẻ, độc đáo với tầm nhìn vượt thời đại, được viết bằng một văn phong sắc sảo, trong sáng, khúc chiết dễ tiếp thu đến kỳ lạ.
Có lẽ tài hùng biện của ông được thể hiện rõ nhất là qua hai buổi diễn thuyết ở Sài Gòn vào cuối đời: Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lý Đông - Tây. Qua hai buổi diễn thuyết này tài hùng biện của ông được thể hiện một cách cao độ qua cả hai hình thức viết và nói. Đó là hai bài nghị luận được trình bày bằng “cả con tim nóng hổi” với “cách lập luận chặt chẽ, logic, chứng cứ cụ thể, xác thực; giọng văn mạnh mẽ hùng hồn; biểu hiện lý trí tỉnh táo, tư duy sắc sảo”.
Bàn về hai buổi diễn thuyết này Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh đã nhận xét: “Cụ diễn giảng rất ư sư phạm và với sự hiểu biết am tường... Phan Châu Trinh có lẽ là người áp dụng nghệ thuật diễn thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Cụ diễn thuyết rất hùng hồn, hiện đại, và rất thuyết phục. Về phương diện này, Phan Châu Trinh là Fukuzawa Yukichi của Việt Nam. Cụ là nhà khai sáng, một nhà cách mạng tư tưởng, và là người thầy của Việt Nam cận đại” (Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính luận, NXB Trẻ, 2022).
Cái lưỡi của nhà hùng biện
Đường lối đấu tranh của Phan Châu Trinh là bất bạo động vì vậy phương pháp quan trọng nhất của cụ là “vận động”, “giáo dục” và “thuyết phục” cả người Việt Nam lẫn nhà cầm quyền Pháp. “Phan Châu Trinh là một nhà cải cách có cái nhìn sâu xa về con đường hiện đại hóa đất nước để tạo nội lực dân tộc, không phải chỉ bằng giải pháp quân sự đơn thuần, cũng không phải dựa vào ngoại lực nhất thời” (Nguyễn Xuân Xanh). Cụ luôn khai thác tài “hùng biện” của mình mà cụ gọi là “cái lưỡi”. Ít nhất là hai lần cụ nói về “cái lưỡi” của mình.
Lần thứ nhất là vào năm 1906. Năm này, Phan Châu Trinh vượt biển sang Nhật Bản để “mục sở thị” công cuộc Duy tân của Nhật. Khi chia tay Phan Bội Châu ông bảo: “Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì đem con gà con đọ với con chim cắt (diều hâu) già. Giờ bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được đâu”.
Lần thứ hai vào năm 1908. Từ Nhật về nước Phan Châu Trinh viết Đầu Pháp chính phủ thư gửi cho Toàn quyền Đông Dương. Bức thư làm cho giới quan trường thù ghét. Năm 1908, sau phong trào cự sưu kháng thuế, nhiều thân sĩ bị bắt. Phan Châu Trinh là người bị bắt đầu tiên ở Hà Nội giải về Huế giam ở Hộ Thành. Ra Hội đồng xử án ông đấu tranh quyết liệt, cãi phăng bản luận tội của triều đình.
Khi bị giam ông không biết mình bị kết án “trảm giam hậu” (để lại chém sau) và đày Côn Đảo. Mấy ngày sau, có người đội và hai tên lính vào nhà giam, xem xét xiềng gông, khóa tay rồi dẫn ra cửa ngục, ông định chắc là dẫn đi chém. Theo lệ, tù trọng tội thường dẫn ra cửa bắc để đến bãi chém An Hoà. Lần này thấy dẫn ra cửa nam (Thượng Tứ), ông hỏi thì người đội trả lời là mang đày ra Côn Lôn. Ông khẩu chiếm bài thơ Xuất đô môn:
Luy luy thiết tỏa xuất đô môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.
(Gông xiềng mang nặng, ra khỏi cửa đô thành
Buồn hát một cách khảng khái, lưỡi vẫn còn.
Đất nước đắm chìm, dân tộc tiều tụy
Nam nhi chuyện gì mà sợ Côn Lôn)
Còn lưỡi thì còn nói được, còn có cơ hội để đấu tranh bất bạo động!
Năm 1926, khi Phan Châu Trinh qua đời, Phan Bội Châu trong bài văn tế đã ca ngợi tài hùng biện của Phan Châu Trinh bằng hình tượng “cái lưỡi”:
“… Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê;
Một ngòi lông mà trống mà chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói…
Trước đã giỏi mà sau thêm giỏi nữa, dấu cộng hòa xin ráng sức theo đòi;
Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết ra tay vin tới”.