Thoạt xem qua tiêu đề, hẳn sẽ có chuyên gia ngôn ngữ không chấp nhận lối dùng từ thừa chữ thừa nghĩa này. Đã “tái” mà còn... “lại”.
Nhưng trên thực tế, đã có những thứ hết “tái” lại “lại” kiểu như vậy. Đơn cử Làng Đại học Đà Nẵng, dự án liên quan mật thiết đến cả Đà Nẵng lẫn Quảng Nam kể từ ngày 2 địa phương tái lập. Đến nay, sau 23 năm, dự án vừa được nhắc đến nhân sự kiện có tính thời sự: Hồi đầu tuần này lãnh đạo Bộ GD-ĐT và TP.Đà Nẵng vừa họp bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án.
Nhắc lại, dự án Làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ tháng 12.1997, diện tích khoảng 300ha gồm 190ha ở phía Quảng Nam (còn lại thuộc địa phận Đà Nẵng), tổng chi phí ước tính 8.620 tỷ đồng. Đây là “cột mốc” thứ nhất, khởi động. Chẵn 20 năm sau đó, dự án vẫn “treo”. Đến nỗi trong lần thị sát cuối tháng 2.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhìn nhận “treo 20 năm là kinh khủng” và đồng ý kiến nghị của các bộ là đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn. Người dân ở vùng giáp ranh Điện Bàn (Quảng Nam) và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tự xem đó là “cột mốc” thứ hai, tái khởi động. Vì họ chịu đựng và chờ đợi quá lâu rồi, nhiều người bảo đã dành đến 1/3 cuộc đời để nhìn quy hoạch treo.
Nhưng để dự án thực sự chuyển động, còn cần thêm ít nhất hơn 2 năm nữa, tính đến thời điểm Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 227/QĐ-TTg của phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2000”, ngày 25.2.2019. Kể từ lúc này, dự án bước sang giai đoạn “khởi động lại” sau khi đã… tái khởi động.
Trên thực tế, dự án đã “khởi động lại” như thế nào?
Một số bản tin tường thuật phiên làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng hồi đầu tuần (vừa đề cập) cho thấy các bên quan tâm cùng lúc 2 nội dung: tìm nguồn vốn và thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng ở phía Đà Nẵng. Nhưng khi được Đại học Đà Nẵng mời tham gia góp ý cho quy hoạch 1/2000, một số người dân ở phường Điện Ngọc (Điện Bàn) không khỏi lo âu khi biết sẽ phải giải tỏa chậm hơn 1 năm, chưa kể phân kỳ đầu tư đến giai đoạn 2030 - 2035 dự án mới “đụng” đến phía Quảng Nam. Tức là dự án có thể kéo dài thêm 10 - 15 năm nữa.
Từ “khởi động” đến “tái khởi động” là khoảng cách về thời gian đo đếm bằng đơn vị thập niên. Từ “tái khởi động” đến “tái khởi động lại” (!) cũng kéo rê thêm vài ba năm, và phía trước chưa thể định lượng còn bao nhiêu năm nữa để giải quyết rốt ráo các khâu đầu tư. Trong khi đó, đương nhiên dự toán kinh phí đã “trượt” dài. Và ở từng góc nhà từng mảnh vườn, bao nhiêu hệ lụy không thể đo đếm hết. Người có đất thổ cư nằm trong quy hoạch không thể đầu tư sản xuất dài hạn vì sợ bị thu hồi, mất vốn. Có đất cũng không được phép tách thửa, chia cho con cái. Càng không thể mua bán, cầm cố, thế chấp. Nhà cửa xuống cấp cũng phải xin phép mới được sửa.
Bao nhiêu niềm chờ đợi bị hụt hẫng. Bao nhiêu dự tính lâu dài phải ngưng trệ. Bao nhiêu cơ hội cũng trôi tuột… Tất cả cũng vì một chữ: “tái”.