(QNO) - Tai nạn giao thông (TNGT) hiện là vấn đề xã hội bức xúc, thách thức toàn cầu với hơn 1 triệu người tử vong và gây thiệt hại kinh tế 1.500 tỷ USD (3% GDP) mỗi năm.
Đầu tháng 11 này, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Kamloops, thuộc British Columbia của Canada khiến 3 du học sinh người Nigeria thiệt mạng, trong đó có Daniel Okocha (22 tuổi).
Bạn bè các nạn nhân này bày tỏ tiếc thương, đau xót và kêu gọi quyên góp để đưa thi thể những người bị nạn về nước cũng như trang trải cho tang lễ. Anh trai của Daniel Okocha cho biết nỗi đau, mất mát này là quá lớn đối với gia đình và người thân. “Em đã chết, nhưng em vẫn sống trong trái tim tôi” - anh trai David Okocha nói.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TNGT đường bộ giết chết khoảng 1,3 triệu người mỗi năm và làm bị thương khoảng 30 đến 50 triệu người, 90% trong số họ ở các nước thu nhập trung bình và thấp, nhiều nạn nhân là trẻ em.
WHO cho hay, những vụ tai nạn như vậy là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người trẻ tuổi từ 15 đến 29. Gần một nửa số ca tử vong vì TNGT đường bộ là phần nhiều những người đi bộ, đi xe đạp và xe máy.
TNGT cũng gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho nạn nhân, gia đình của họ và các quốc gia như chi phí điều trị, giảm hoặc mất khả năng lao động của người bị TNGT. Theo ước tính năm 2000, tổn thất về kinh tế do TNGT mà các quốc gia trên thế giới phải gánh chịu là gần 518 tỷ USD, tăng lên 1.500 tỷ USD vào năm ngoái.
Chỉ riêng ở quốc gia phát triển như Mỹ, báo cáo của Hội đồng An toàn quốc gia Mỹ cho biết, hơn 40.000 người tại nước này chết vì TNGT trong năm 2018. Con số này giảm 1% so với năm 2017 nhưng cao hơn 14% cách đây 4 năm.
Trong nỗ lực góp phần ngăn chặn TNGT liên quan đến rượu bia, nhiều nước áp dụng những hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi lái xe trong tình trạng say rượu bia như phạt hành chính, ngồi tù hoặc tước bằng vĩnh viễn.
Như Nhật Bản quy việc lái xe sau khi uống rượu là phạm tội hình sự trong Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, lái xe sau khi uống rượu sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe, ngồi tù với thời hạn dưới 10 năm, chịu mức phạt 1 triệu yên…Đây cũng là một trong những quy định nghiêm khắc giúp tỷ lệ tử vong do TNGT ở Nhật Bản là rất thấp.
Từ năm 2005, Liên hiệp quốc chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba tháng 11 hàng năm để tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT. Chủ đề ngày tưởng niệm năm nay là “Cuộc đời không phải là phụ tùng”, như thêm một hồi chuông cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà mỗi gia đình và xã hội phải gánh chịu do TNGT, cảnh tỉnh người ở lại nâng cao ý thức trong tham gia giao thông và kêu gọi sự chung tay hành động ngăn chặn TNGT.
Liên hiệp quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thế giới sẽ giảm 1/2 số ca tử vong vì TNGT mỗi ngày.