Góc suy ngẫm

Tại sao phải hỏi... tại sao?

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/06/2024 07:40

Tại sao, là kiểu hỏi thường gây chú ý khi muốn phân tích, lý giải các vấn đề đặt ra trong cuộc sống, trong vận hành một doanh nghiệp, địa phương, đơn vị hay thậm chí đến cả quốc gia và quốc tế. Trong hội nghị chuyên đề về thông tin tình hình kinh tế, do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức mới đây, nhiều câu hỏi tại sao cũng được đặt ra.

Báo cáo viên tại hội nghị là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên. Nhắc lại cơ duyên nhiều lần đến Quảng Nam, ông Thiên chia sẻ niềm vui với những thành công của tỉnh, đồng thời cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi tại sao, trong đó có một chuyện dễ nao lòng những ai trăn trở, rằng “tại sao xứ “địa linh nhân kiệt” lại khó phát triển?”.

Muốn trả lời câu hỏi này phải nhìn lại bao biến thiên lịch sử, văn hóa. Xứ Quảng đã định danh chiếc nôi có “thầy Quảng” với nhiều người đỗ khoa bảng cao, “Ngũ phụng tề phi”, “Ngũ tử đăng khoa”, rồi tứ kiệt, tứ hùng.

Xứ Quảng xuất hiện nhiều anh tài giúp nước, xây đời, đóng góp vào văn hóa Việt bao danh nhân, tuấn kiệt, vậy tại sao bây giờ mới phát triển ở hạng trung bình của cả nước?

Vậy nên, cần phải xem lại chiến lược nguồn nhân lực, không phải chỉ thu hút người tài mà quan trọng hơn là tạo môi trường thuận lợi cho người tài sáng tạo, sáng kiến, để cống hiến.

Thực tế những biến động của đời sống kinh tế Quảng Nam gần đây có phần ảnh hưởng do bộ máy vận hành bị trục trặc một số khâu. Một mặt có những nhân tố bất ổn từ lâu, nay mới bộc lộ, đặc biệt là sự bấp bênh của thay đổi cơ chế chính sách.

Tách bạch từng chuyện cũng phải hỏi tại sao chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ là đáng kể nhưng năng suất, chất lượng, giá trị vẫn chưa cao. Một số nguồn thu thiếu tính bền vững. Một số lĩnh vực hầu như không tăng trưởng. Và có thể nói là Quảng Nam đang “đi lùi” chứ không phải diễn đạt bóng bẩy là “tăng trưởng âm”.

Về bức tranh diện mạo đô thị, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Quảng Nam cũng như Việt Nam, không chỉ chưa đạt tỷ lệ đô thị hóa như mục tiêu mà nhìn sâu vào những thị trấn, thành phố mới nổi, thấy như là sự “cơi nới, nâng cấp nông thôn lên” mà chưa hiện đại hóa, không vận dụng được các phương thức phát triển đô thị tân tiến.

Ngay như Chu Lai, phải là tổ hợp đô thị cảng biển – sân bay với định hướng công nghiệp – logistics, nhưng nhiều năm qua chưa bứt phá lên tầm vóc quốc gia được, là tại sao? Muốn phát triển vùng Đông, trong đó khu vực lõi là Khu kinh tế mở Chu Lai, liệu Quảng Nam cần phải “xin cơ chế đặc thù” hay không?

Để trả lời câu hỏi tại sao khó phát triển thì đừng nên viện cớ những cái khó gây trở ngại mà cần tư duy lại con đường vươn lên trên cơ sở đánh giá lợi thế - bất lợi thế để tìm động lực mới, và có nên phát triển theo cách cũ (dù đã - đang tốt?).

Khả năng phát triển “đi sau – vượt trước” cần bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, khát vọng biến cái không thể thành có thể. Bài học từ Bình Dương, Quảng Ninh, hay Ninh Thuận là ví dụ. Từ vùng Phan Rang - nắng như rang, gió như phang, mà Ninh Thuận tìm ra cách thức mới để phát triển thì không tỉnh thành nào lại cứ cho mình bất lợi về điều kiện tự nhiên.

Biết hỏi tại sao thì đã phần nào đặt ra vấn đề để nghiên cứu. Bởi như câu cách ngôn, nếu trên thế giới này không có ai hỏi tại sao thì không có cái gì phát triển.

Con đường phát triển theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được hoạch định, nhưng không đơn giản chỉ là tính nhu cầu vốn đầu tư với số tiền 28 tỷ USD, mà quan trọng là ở chất xám, là khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực tạo sân chơi cho các tập đoàn mạnh vào lập cứ địa phát triển sẽ kéo theo một hệ sinh thái hội nhập và cạnh tranh toàn cầu…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tại sao phải hỏi... tại sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO