Cuối tuần qua, Công ty Thủy điện Sông Tranh phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My tổ chức lễ thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Đây là lần thứ 5, Công ty Thủy điện Sông Tranh và huyện Bắc Trà My tổ chức lễ thả cá giống. Đợt này có 50 nghìn con giống cá chép và cá mè được thả xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, nâng tổng số cá giống được thả lên con số 300 nghìn con.
Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, lòng hồ có tổng diện tích mặt nước lên đến 2.100ha, với nhiều loài thủy sản sinh sống, trong đó có nhiều loài thủy sản giá trị kinh tế cao như cá chình, lăng nha, thác lác cườm. Do sự thay đổi về môi trường nước, dòng chảy nên nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm về chủng loại, số lượng.
“Từ thực tế đó, mỗi năm, chúng tôi đều phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My tiến hành thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp người dân khai thác thủy sản ở lòng hồ hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế. Qua theo dõi từ các đợt trước, lượng cá giống thả xuống lòng hồ sinh trưởng, phát triển khá tốt” - ông Toàn nói.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 rộng lớn, có môi trường nước trong sạch là điều kiện lý tưởng để huyện tạo điều kiện, giúp người dân vùng cao phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đến nay, nhờ đầu tư đồng bộ, nhất là áp dụng quy trình kỹ thuật tiến bộ, nuôi cá trong lồng bè của 16 hộ dân rất đạt, năng suất, sản lượng thu hoạch cá thương phẩm ngày càng tăng lên, đem lại giá trị kinh tế lớn. Đối với đánh bắt thủy sản trong lòng hồ, người dân cũng đã thu được hiệu quả kinh tế khá, nhất là đánh bắt được các loại đặc sản như cá chình, cá lăng nha.
“Thả cá giống ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 là rất ý nghĩa, qua đó thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đồng thời giúp địa phương khai thác thế mạnh, tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái theo hình thức du khách khám phá tự nhiên lòng hồ và tập quán sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc vùng cao trong nay mai” - ông Vũ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng cá chình ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do ngăn cách dòng chảy khi xây dựng công trình thủy điện, cá chình vốn sinh sống ở biển đã không thể lên thượng nguồn để sinh sản. Trong khi đó, người dân vùng cao huyện Bắc Trà My vẫn còn thói quen dùng mắt lưới nhỏ để đánh bắt thủy sản nên các loại nguồn lợi bị suy giảm nghiêm trọng.
Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng, ngoài nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản, địa phương, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng người dân chung tay góp sức bảo vệ nguồn lợi, tránh khai thác theo kiểu tận diệt với mắt lưới nhỏ. Xa hơn nữa, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ các ngành chức năng, địa phương khảo sát, nghiên cứu, xây dựng khu bảo tồn thủy sản để bảo vệ, khai thác thủy sản hợp lý hơn, nhất là các loài quý có nguy cơ tuyệt chủng, như cá chình.