Tái thiết du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông

QUỐC TUẤN 07/11/2022 06:32

(VHQN) - Ngay từ chủ đề chính “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch” tại Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 (diễn ra tại Quảng Nam) cho thấy chặng đường sắp tới của ngành du lịch các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) vẫn còn lắm gian nan. Báo Quảng Nam ghi nhận chia sẻ của đại diện lãnh đạo ngành du lịch cũng như các chuyên gia có gắn bó mật thiết với tiến trình phát triển du lịch của khu vực này.

Quy chế quản lý rủi ro thiên tai liên vùng sẽ thúc đẩy du lịch khu vực GMS phát triển bền vững. Ảnh: Q.T
Quy chế quản lý rủi ro thiên tai liên vùng sẽ thúc đẩy du lịch khu vực GMS phát triển bền vững. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch: Suy ngẫm lại chính sách, quy định liên quan đến ngành du lịch

 

Mặc dù có những xu hướng tích cực trong phục hồi du lịch nhưng môi trường kinh tế đầy thách thức hiện tại do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã gia tăng áp lực chi phí vận chuyển và lưu trú cho ngành du lịch. Điều này tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp du lịch và ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách du lịch, làm trì hoãn sự phục hồi du lịch Tiểu vùng Mê Kông.

Du lịch một lần nữa cho thấy ngành kinh tế này là động lực và chiếm vị trí quan trọng trong quá trình khôi phục, phát triển kinh tế xã hội các quốc gia thuộc GMS hậu COVID-19. Sự lan tỏa của du lịch thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tạo hiệu ứng tích cực tác động đến sự phát triển của các ngành liên quan như vận tải, đầu tư, xây dựng, dịch vụ…

Khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của GMS thông qua mô hình kinh doanh mới và ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực địa phương, thúc đẩy định vị và phát huy thương hiệu du lịch Tiểu vùng Mê Kông. Xu thế du lịch mới cũng kỳ vọng thu hút thêm đầu tư cho khu vực và hướng đến tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Năm 2019, khu vực GMS đón gần 74 triệu lượt khách quốc tế (chiếm khoảng 15% lượng khách quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực GMS đón khoảng 3,2 triệu lượt khách quốc tế và dự báo sẽ tăng nhanh trong giai đoạn cuối năm khi mùa du lịch quốc tế vào giai đoạn cao điểm và các quốc gia trong khu vực tiếp tục dỡ bỏ các rào cản do dịch bệnh.

Ngành du lịch chỉ thực sự được phục hồi nếu chúng ta cùng suy ngẫm về các chính sách, quy định liên quan đến ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên liên quan trong ngành cùng tham gia quá trình tái thiết. Đồng thời tăng cường kết nối giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân để định hình và đảm bảo tương lai hợp tác dài hạn, có hiệu quả.

 Diễn đàn du lịch Mê Kông 2022 đã đóng góp, chia sẻ nhiều thông tin giá trị về xu thế mới của du lịch thế giới nói chung và GMS nói riêng hậu COVID-19.

Các nước GMS cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên và tiếp tục triển khai các dự án chung của tiểu vùng để cùng nhau phát triển thương hiệu tích cực cho điểm đến chung và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Trong quá trình này, rất cần sự hỗ trợ, tư vấn, điều phối từ Văn phòng Điều phối du lịch Mê Kông và Ngân hàng Phát triển châu Á để các nước thành viên hợp tác với nhau thông qua các chương trình, dự án cụ thể.

Quảng bá du lịch Quảng Nam bên lề Diễn đàn du lịch Mê Kông 2022 tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Hoiana.
Quảng bá du lịch Quảng Nam bên lề Diễn đàn du lịch Mê Kông 2022 tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Hoiana.

Bà Liz Ortiguera - Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA): Du lịch bền vững giúp tăng tính chống chịu cho nền kinh tế

 

Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu để xây dựng báo cáo hàng quý về hoạt động du lịch tại các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông cũng như các đưa ra dự báo để từ đó chia sẻ thông tin, xu hướng và các góc nhìn tổng quan cũng như cụ thể về du lịch của Tiểu vùng Mê Kông.

Tất nhiên khó có thể kỳ vọng thông tin dự báo sẽ đúng 100% nhưng đây có thể xem là một lăng kính để những bên liên quan đến du lịch khu vực GMS tham chiếu, từ đó có các quyết định hợp lý thúc đẩy du lịch.

Rõ ràng xu hướng du lịch hậu đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều, các điểm đến cũng chuyển mình đáng kể. Sự gia tăng nhóm du khách có sự hiểu biết sâu sắc hơn với điểm đến mà họ tới.

Theo khảo sát của PATA, có tới 87% du khách cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện chuyến du lịch và 81% muốn chi phí bỏ ra được đóng góp trực tiếp đến cộng đồng địa phương.

Trong vòng hai tháng qua, lãnh đạo ngành du lịch một số nước đã đề cập việc làm sao phải cung cấp dịch vụ du lịch có giá trị cao hơn, giảm thiểu tác động đến tài nguyên bản địa. Nhận thức này chứng tỏ sự chuyển mình rõ rệt của ngành du lịch hậu đại dịch COVID-19.

Bên cạnh việc xem khách du lịch là thượng đế, cần có những đãi ngộ tương xứng với lao động ngành du lịch. Họ chính là những người trực tiếp mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách.

Ở khu vực GMS, tôi nhận thấy tính mến khách của người dân, lao động du lịch chính là điểm nhấn nổi trội. Cần phải bảo tồn và cải thiện giá trị cốt lõi này. Đây cũng là một tài nguyên du lịch quý giá đặc trưng để quảng bá điểm đến.

Quy chế quản lý rủi ro thiên tai liên vùng sẽ thúc đẩy du lịch khu vực GMS phát triển bền vững. Ảnh: Q.T
Quy chế quản lý rủi ro thiên tai liên vùng sẽ thúc đẩy du lịch khu vực GMS phát triển bền vững. Ảnh: Q.T

Cơ quan chức năng cần tạo ra cấu trúc hỗ trợ cho cộng đồng để tạo ra sự tăng trưởng bao trùm, giúp xóa đói giảm nghèo thông qua du lịch. Thực tế ngày càng có nhiều nhóm cộng đồng nhận thức sâu sắc lợi ích từ phát triển du lịch.

Cần khuyến khích hoạt động tăng cường tính tương tác với các giá trị bản địa thay vì chỉ hướng du khách đến việc ngắm nhìn và quan sát như lâu nay. Chú trọng đến việc xây dựng tính chống chịu cũng là yếu tố quan trọng cho nền tảng phát triển bền vững. Ở đây, bao hàm cả tính chống chịu của cộng đồng, du khách, môi trường và của cả nền kinh tế.

Ông Wouter Schalken - Chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Cần quy chế liên vùng để quản lý rủi ro thiên tai

 

Biến đổi khí hậu đã dần trở thành vấn đề thường nhật. Khu vực GMS là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề từ biến đổi khí hậu và du lịch cũng nằm trong vòng xoáy đó.

Tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu cũng khiến giá cả tăng lên, đứt gãy các hoạt động, dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Xây dựng tính chống chịu bền bỉ với biến đổi khí hậu cho ngành du lịch là điều cấp thiết.

Hiện nay, GMS nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn còn khá tụt hậu trong việc sử dụng một cách bền vững các khu bảo tồn. Một lượng lớn thu nhập từ du lịch ở khu vực khác đến từ các khu bảo tồn.

Ở GMS, các khu bảo tồn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khai thác du lịch bền vững tài nguyên từ các khu bảo tồn là giải pháp quan trọng để hệ sinh thái thích ứng biến đổi khí hậu. Cần nghiên cứu để khách du lịch đóng góp thiết thực trong chuyến đi, chung tay ứng phó biến đổi khí hậu.

Các nước thuộc GMS cần quan tâm đến vấn đề quản lý rủi ro thiên tai bởi nó tác động rất lớn đến du lịch liên vùng. Ngăn ngừa tác động tiêu cực của rủi ro sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với việc đi tìm giải pháp ứng phó khi nó đã xảy ra rồi.

Các quốc gia ở GMS cần xây dựng bản đồ rủi ro của khu vực, từ đó xác định vấn đề đầu tư ưu tiên cũng như vấn đề liên quan về việc cấp phép cho doanh nghiệp du lịch. Chúng tôi có danh sách nghiên cứu thách thức liên quan đến hệ sinh thái của tiểu vùng cũng như hành động cần triển khai để giải quyết các thách thức này.

Tựu trung, cần có một khuôn khổ quản lý tốt cho vấn đề quản lý rủi ro cũng như đưa ra quy chế hài hòa lợi ích cho các bên thuộc GMS để làm nền tảng cho du lịch phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái thiết du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO