Tái xuất một “bí kíp” đọc thơ

LÝ ĐỢI 14/06/2020 06:57

Có thể gọi cuốn Cấu trúc thơ (NXB Đà Nẵng) của Thụy Khuê là một trong vài “bí kíp” dành cho việc đọc thơ chuyên nghiệp. Sách về đọc thơ theo hướng nghiên cứu, lý luận - phê bình tại Việt Nam, số lượng cũng kha khá, nhưng số chạm tới mức độ “bí kíp” thì còn quá ít. Với một truyền thống thơ ca hàng ngàn năm, nhưng sách về việc đọc thơ chưa tương xứng như vậy, nên không ngạc nhiên nhiều người chỉ dừng lại ở mức… cảm thơ.

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê và cuốn “Cấu trúc thơ” vừa tái xuất tại Việt Nam sau 25 năm Ảnh: VĂN BẢY
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê và cuốn “Cấu trúc thơ” vừa tái xuất tại Việt Nam sau 25 năm Ảnh: VĂN BẢY

Cuốn Cấu trúc thơ xuất bản tại Mỹ lần đầu năm 1995, cùng với Vũ trụ thơ (1972), Ngôn ngữ thơ (1987), Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988), Nghĩ về thơ (1990), Tìm thơ trong tiếng nói (1992)… là nhóm các sách “bí kíp” đọc thơ khá bài bản của Việt Nam, mỗi tác giả mỗi hướng tiếp cận, có khi “mâu thuẫn” nhau. Trước các sách này thì Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Hàn Mặc Tử, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh - Hoài Chân, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền… cũng đã có những bài viết riêng lẻ về đọc thơ. Cuốn Thi nhân Việt Nam (1942) dù mới dừng lại ở mức độ cảm và bình, nhưng có thể coi là một trong vài “bí kíp” đọc thơ đầu tiên.

 

Yêu cái mới trong thơ

Nhận xét Cấu trúc thơ cho lần tái bản chính thức tại Việt Nam sau 25 năm, TS.Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) viết: “Cuốn sách của Thụy Khuê dẫn dắt người đọc khám phá những bí ẩn làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ ca bằng một lối viết mạch lạc và giàu mỹ cảm. Nhưng không chỉ có giá trị về mặt lý thuyết, đóng góp quan trọng nhất của cuốn sách này là những phát hiện có chiều sâu của bà về những hiện tượng cách tân độc đáo và quan trọng nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại. Có thể nói, Thụy Khuê đã thành công trong nhiệm vụ phức tạp bậc nhất của một nhà phê bình: làm người đọc hiểu và yêu cái mới trong thơ”.

Thật vậy, khi đề cập đến những bài thơ đầu tiên trong văn bản chữ viết của Việt Nam, giữa bài Quốc tộ của Pháp Thuận (914 - 990) và Ngọc lang quy của Khuông Việt (933 - 1011), Thụy Khuê đã tỏ rõ sự yêu thích cái mới. Bởi Ngọc lang quy là một bài theo thể từ, có phong thái hành văn tự do, trữ tình hơn bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Pháp Thuận. Trong sách này, tinh thần thơ tự do - xét về thể loại đã được khảo sát khá kỹ, bàng bạc xuyên suốt lịch sử, chứ không phải đợi tới gần giữa thế kỷ 20 mới bắt đầu. Tinh thần tự do về câu chữ, bút pháp ở nhiều bài trong tập Quốc âm thi tập (thế kỷ 15) của Nguyễn Trãi là một dẫn chứng thuyết phục.

Ngoài thơ đời Lý, ca dao, thơ Nôm, Cấu trúc thơ còn đưa ra những hiện tượng mới mẻ trong thơ Việt Nam của thế kỷ 20 như Phan Khôi, Hàn Mặc Tử, Xuân Thu nhã tập, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, thơ văn xuôi, thơ siêu thực, thơ tự do, nhóm Sáng tạo, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt… Sách cũng khảo các nguyên lý, thủ pháp và hình thức sáng tạo, từ ẩn dụ, hoán dụ, song song… cho đến siêu thực, tạo sinh, cách tân.

Nhìn từ các giảng đường đại học

Thụy Khuê sinh năm 1944 tại Nam Định, hiện sống tại Pháp. Ở khía cạnh nghiên cứu và phê bình, bà gây dấu ấn với Cấu trúc thơ (1995), Sóng từ trường (1998), Sóng từ trường 2 (2002), Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (2002), Sóng từ trường 3 (2005)… Những tác phẩm xuất bản gần đây tại Việt Nam có Họa trường Lê Bá Đảng (NXB Thuận Hóa, 2017), Vua Gia Long và người Pháp (NXB Hồng Đức, 2017), Phê bình văn học thế kỷ 20 (NXB Hội Nhà văn, 2017), Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2018)…

Hẳn nhiên rồi, ít có luận văn nghiêm túc nào khi viết về thơ - từ cử nhân trở lên mà không từng tham khảo qua Cấu trúc thơ và các sách đã kể tên ở đầu bài.

Từ TP.Hồ Chí Minh, PGS-TS.Nguyễn Thị Thanh Xuân (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Sách này giới thiệu tập trung về thi pháp học, cấu trúc luận và vận dụng nó vào khám phá các hiện tượng văn học khá linh hoạt, Thụy Khuê đã chinh phục được nhiều độc giả trẻ. Tuy nhiên, trong một yêu cầu mang tính hệ thống và cập nhật những kiến thức hiện đại hơn, thì có lẽ còn cần nhiều hơn nữa”.

Từ Hà Nội, nhà phê bình văn học Văn Giá (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, ở ngoài Bắc, mọi người để ý và đọc Đặng Tiến nhiều hơn Thụy Khuê. Do chị ấy vào nghề viết muộn hơn, các công trình của chị ấy lại ít phổ biến ngoài này. Tôi từng có bản photocopy cuốn này từ cuối những năm 1990, nhưng đọc không có ấn tượng gì lắm. Từ tên sách, cứ ngỡ chị ấy thạo chủ nghĩa cấu trúc, sẽ có phần giới thiệu, diễn giải, sau đó là ứng dụng. Nhưng đọc vào không phải vậy, cũng chẳng phải là phê bình thơ theo lý thuyết cấu trúc. Cho nên, trong quá trình giảng dạy, đôi khi có liên hệ tới và nhắc sinh viên tham khảo, chứ không phải là tài liệu trọng tâm. Tôi thường giới thiệu cho sinh viên đọc Đặng Tiến nhiều hơn. Dĩ nhiên, sách ra đời năm 1995 cũng phải coi là một cố gắng đáng ghi nhận của chị ấy. Về các lý thuyết phương Tây, miền Nam đã đi trước một bước dài từ trước 1975, trong đó có chủ nghĩa cấu trúc, tuy không mạnh như hiện sinh, phân tâm học. Ngoài này thì phải đầu những năm 2000 người ta mới dịch và giới thiệu chủ nghĩa cấu trúc”.

Cũng từ TP.Hồ Chí Minh, PGS-TS. Võ Văn Nhơn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Lúc dạy chuyên đề thơ và thơ Việt Nam hiện đại, ngay khi có được bản photocopy cuốn này của Thụy Khuê là đưa vào tài liệu tham khảo. Còn cụ thể, tôi thấy những chỗ viết về sự xuất hiện của thơ, những tác phẩm thơ đầu tiên, phân biệt giữa thơ và văn xuôi, đặc biệt là phần viết về thơ hiện đại... là có giá trị tham chiếu. Xét trong bối cảnh giảng dạy những năm cuối thế kỷ 20, đây là một tài liệu quý, dù Cấu trúc thơ có tham khảo nhiều ý của Jean-Paul Sartre, của Nguyễn Văn Trung”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái xuất một “bí kíp” đọc thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO