Tại khu vực Hà Kiều ở làng Hà Lam (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), nơi cây cầu Hà Kiều bắc qua bàu sen Hà Trì có một tấm bia cổ đã hơn 120 năm rất đặc biệt được gọi là bia Hà Kiều.
Hà khê, long mạch của làng
Hà Lam là ngôi làng cổ của Quảng Nam. Có lẽ làng được thành lập vào giữa sau thế kỷ 15 từ những người có nguồn gốc từ phủ Hà Ba của trấn Nghệ An (nay là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông vào năm 1471.
Chảy qua giữa làng Hà Lam là một dòng nước tự nhiên có mọc rất nhiều sen gọi là Hà Khê (hà: sen, khê: khe nước). Vào đầu thời Nguyễn do nhu cầu về thủy lợi, hương chức của làng đã vận động người dân đóng góp công của đắp một con đập ở đầu nguồn và khơi rộng lòng khe để đưa nước từ sông Ly Ly về tưới cho cánh đồng làng.
Sau khi dòng nước được cải tạo đã rộng ra và uốn khúc quanh co như dáng một con rồng lại có những đoạn đào rộng và sâu nên được gọi là gọi là Cửu khúc hà trì (Bàu sen chín đoạn).
Dấu tích của Hà trì cửu khúc ngày nay là một khe nước có chỗ rộng chỗ hẹp dài độ 8km chạy từ sông Ly Ly đoạn qua xã Bình Quý, băng qua quốc lộ 14E (nay là đoạn đường Tiểu La) ở cầu Bốn Thước, sau đó nhập vào làng Hà Lam chảy qua trước chùa Giác Nguyên, qua cầu Hà Kiều rồi chảy về đông.
Sau khi chảy qua quốc lộ 1A dòng nước đổ vào cánh đồng Hà Lam. Nước dư thừa vào mùa mưa được một kênh dẫn vào Bàu Bàng (Bình Phục). Con đập điều hòa nguồn nước cho dòng khe không gây tình trạng cạn kiệt vào mùa khô khi Ly Ly cạn dòng và không gây lụt lội cho vùng hai bên khe vào mùa mưa.
Để duy trì con đập trước đây làng Hà Lam phải thương lượng để mua lại Trảng Chổi, một vùng đất rộng trồng toàn cây chổi để làm vật liệu (bổi) duy tu ngôi đập hàng năm.
Nhiều người lớn tuổi ở Hà Lam tin rằng Hà Khê không chỉ là công trình thủy lợi quan trọng góp phần đem lại sự no ấm cho dân làng, một điểm nhấn trong cảnh quan của làng mà còn mang ý nghĩa phong thủy, là long mạch.
Con rồng sen Hà Khê ngày trước đã giúp làng nhận được tiếng thơm với tấm biển triều đình Tự Đức ban tặng có nội dung “Thiện tục khả phong” (Việc thiện đáng quý) và còn giúp làng trở thành làng khoa bảng hàng đầu của huyện Lễ Dương thời Nho học với 1 phó bảng (Nguyễn Thuật), 5 cử nhân (Nguyễn Tạo, Nguyễn Uýnh, Nguyễn Chức, Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Hữu Lộc) và 18 tú tài, chiếm 20% số khoa bảng toàn huyện.
Trên đoạn nằm giữa ấp Trung và ấp Thị vào năm Canh Dần 1890 có xây dựng một cây cầu bắc qua Hà Khê lấy tên là Hà Kiều. Đến năm Canh Tý 1900 cầu được trùng tu. Hiện tại đây còn tấm bia dựng năm 1900, có thủ bút của Phó bảng Nguyễn Thuật - một trong những danh sĩ hàng đầu của đất Quảng, ghi lại việc trùng tu cầu.
Ngày nay, quy hoạch phát triển không gian đô thị của thị trấn Hà Lam đang có xu hướng mở rộng về phía nam (phía hữu ngạn của Hà Khê). Vô tình thị trấn chia thành hai khu vực: khu cũ nằm ở phía tả ngạn, khu mới nằm ở phía hữu ngạn. Hà Kiều trở thành “khu vực trung tâm”, “không gian cảnh quan” của thị trấn.
Bỏ qua vấn đề phong thủy, Hà Khê (Hà trì cửu khúc) đang có vai trò rất quan trọng đối với quy hoạch phát triển của một huyện lỵ đang trên đà phát triển mạnh. Vấn đề hàng đầu hiện nay đối với Hà Khê mà chính quyền và nhân dân phải lưu ý là việc duy trì dòng chảy thông suốt (không bị san lấp hay bồi lấp) và tránh làm ô nhiễm nguồn nước.
Bia cổ bên cầu xưa
Bia Hà Kiều là một trong 13 tấm bia Hán Nôm hiện còn được lưu giữ ở thị trấn Hà Lam. Gọi là bia Hà Kiều vì được dựng ở khu vực Hà Kiều và nói về việc trùng tu cây cầu mang tên Hà Kiều. Bia có kích thước 0,65 x 0,95m, đặt trên một bệ đá cao.
Sự đặc biệt của tấm bia không nằm ở tuổi tác hay nội dung chính mà nó thể hiện. Đến nay tuổi của tấm bia chỉ mới 123 năm (dựng vào tháng 9 năm Thành Thái thứ 12 - 1900). Nội dung bia chủ yếu là nói về việc trùng tu cây cầu và ghi tên những người đã đóng góp cho việc trùng tu cây cầu.
Sự độc đáo của tấm bia lại nằm ở điều khác. “Đây là tấm bia có hình thức đẹp nhất trong số 13 tấm bia cổ hiện còn lưu lại ở làng Hà Lam cũng như những bia đá mà chúng tôi từng có cơ hội tiếp cận từ trước đến nay.
Bia được sử dụng cả hai mặt trước - sau, có bố cục văn bản nghệ thuật điêu khắc và hình thức theo nguyên tắc chuẩn của ngành bi ký học” (Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà, Bia Văn thánh & một số văn bia Hán - Nôm tại huyện Thăng Bình, UBND huyện Thăng Bình, năm 2015, trang 25).
Qua văn bia ta biết được lai lịch của một cây cầu cổ chỉ rộng độ 2 mét, dài 20 mét kể cả hai mố cầu, được người địa phương xem là “biểu tượng” của quê mình. Trước đó, từ năm 1890 cầu được làm bằng ván, bị hư hỏng nên một vị đại thần của triều (Thượng thư kiêm Cơ mật đại thần Nguyễn Thuật) về quê vận động dân làng góp công góp của để trùng tu.
Bia cho biết 81 người đã có công đức đóng góp 1.697 quan tiền và 30 đồng bạc để trùng tu cây cầu. Trong số 81 người có 7 bà góa phụ và 15 người ở địa phương khác, có người ở tận Đà Nẵng, Huế và đặc biệt nhất là có sự đóng góp của ba thương nhân người nhà Thanh. Tấm bia cho thấy tính cộng đồng ngày trước rất cao cũng như uy tín lớn của người đứng ra vận động trùng tu cầu.
Tấm bia lưu giữ thủ bút của Phó bảng Nguyễn Thuật, một người được hậu thế tôn xưng là có năng lực phi phàm về văn chương chữ nghĩa như “tú ngữ đoạt sơn lục” (lời đẹp hớp hồn núi xanh).
Mặt trước và mặt sau của tấm bia đều có hai câu đối hay mà có lẽ tác giả là Nguyễn Thuật: Câu đối mặt trước: “Nhất xuyên trừng tịnh luyện/ Thập lý tống hà phong” (Sông trong liền một dải/ Sen thắm thoảng muôn nơi). Câu đối ở mặt sau: “Thần nhân lưu đức trạch/ Lặc thạch tuyệt sung hồng” (Đức trạch lưu hậu thế/ Bia đá tạc danh thơm).
Bia nêu rõ cách xây cầu rất đặc biệt: “Dùng đá xếp chồng dưới đáy khe, chừa ra năm cửa cho nước chảy qua. Xây đá kết thành lũy cao để bắt cầu qua thay cho trụ đỡ. Phía trên lát bằng ván dày, hai bên có thành lan can kết chặt để bảo vệ” (lời văn bia). Sau đó 55 năm (1955) khi trùng tu cây cầu lần thứ hai, người đời sau vẫn rất cẩn thận giữ lại toàn bộ “cấu trúc” cây cầu được trùng tu lần trước, chỉ mặt cầu được đúc lại bằng bê tông thay cho ván.