1. Nhân kỷ niệm ngày kết nghĩa Điện Bàn (Quảng Nam) - Hoằng Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi về xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa gặp một nhân vật đặc biệt. Ở tuổi 98, ông Bùi Khắc Nhẫn đón chúng tôi tận cổng với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Nghỉ hưu trên cương vị Thường vụ Huyện ủy, trước đó nhiều năm liền là Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy, ông thực sự là chứng nhân lịch sử trong mối quan hệ nghĩa tình Hoằng Hóa - Điện Bàn. Trí nhớ không còn liền mạch bởi tuổi tác nhưng ông không thể nào quên chuyến đi đầu tiên vào huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn), dù sau này ông đã vào nhiều lần nữa.
Ông Nhẫn kể: “Tôi là một trong những người có mặt tại lễ kết nghĩa hai huyện Hoằng Hóa - Điện Bàn do Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Hoằng Hóa tổ chức. Số cán bộ ngày ấy nay còn rất ít. Có lẽ gắn bó nhiều với Điện Bàn nên tôi là người duy nhất của Hoằng Hóa được chọn theo đoàn của tỉnh Thanh Hóa vào Điện Bàn chỉ vài ngày sau giải phóng. Cơ quan làm việc của Điện Bàn ở tạm nhà dân tại xã Điện Thắng. Mười hai năm nhớ thương qua tâm tưởng, nay gặp được người tuyến lửa, chúng tôi xúc động vô cùng. Điện Bàn như thấm trong người Hoằng Hóa. Ai cũng muốn mau về để làm gì đó hữu ích”.
Kể lại ký ức ngày ấy, ông Nhẫn giọng như lạc đi. Ông không nhớ hết mình đã đi các xã nào ở Điện Bàn, nhưng in sâu là vết thương chiến tranh hiển hiện khắp nơi. Những người mẹ liệt sĩ cô đơn bởi đã hiến dâng cho đất nước người con cuối cùng. Các hố bom của Mỹ còn hoắm sâu trên cát. Ruộng vườn xác xơ; thôn xóm đìu hiu mấy ngôi nhà dựng tạm của người dân lục tục đưa về quê cũ... Trở lại Hoằng Hóa, ông đã tham mưu cho Huyện ủy tổ chức gặp mặt cán bộ, nhân dân trong huyện, trực tiếp kể chuyện chuyến thăm Điện Bàn. Ngay sau đó, các hoạt động rầm rộ “vì Điện Bàn” được phát động. “Vườn cây Điện Bàn”, “Cánh đồng Điện Bàn”, “Công trình vì Điện Bàn”... Nhiều chuyến gạo đầu tiên đã được chuyển vào huyện anh em.
Như để chứng minh những gì mình nói, ông Nhẫn lụi cụi tìm cuốn sổ đã ố vàng bởi thời gian. Trang Điện Bàn với các cột mốc được ghi rõ ràng. Đó là ngày tổ chức lễ kết nghĩa 20.7; phong trào vì Điện Bàn với hàng nghìn vật phẩm và hàng vạn đồng được gửi cho người anh em; ngày anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh và “Công trình Nguyễn Văn Trỗi” đã có từ ngày ấy. “Người con gái Việt Nam” Trần Thị Lý cũng được lưu trong sổ của ông. Đặc biệt là Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn chi viện cho Điện Bàn được ông viết khá cụ thể… Tiếc là sức khỏe có hạn, ông không diễn giải kỹ hơn những điều đã ghi. Chia tay chúng tôi, ông gửi gắm nên đặt tên địa danh của hai địa phương trên các con đường để lớp con cháu sau này luôn nhớ mãi về tình cảm khắng khít này.
2. Chủ tịch Hội khuyến học huyện Hoằng Hóa - Lê Đức Ky nguyên là Bí thư Huyện ủy; đã 84 tuổi mà trí tuệ vẫn còn rất mẫn tiệp. “Hoằng Hóa tự hào về Điện Bàn” là câu ông hay nói suốt buổi trò chuyện. Ông kể, khi là hiệu trưởng trường cấp 2 xã Hoằng Trinh, ông được dự lễ kết nghĩa hai huyện Hoằng Hóa - Điện Bàn. Sau buổi lễ, ông đã về truyền “lửa” cho giáo viên, học sinh. Các cháu ngày ấy tuổi ngây thơ vậy mà hỏi về Điện Bàn không trò nào không biết. Ông chưa nắm hết lớp học sinh ngày ấy 5 năm sau có bao nhiêu người vào chiến đấu ở Điện Bàn, nhưng ông rõ nhất là người con của cô mình: “Anh Nguyễn Danh Truyền con cô ruột tôi đi trong đợt đầu tiên của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn và đã hy sinh sau đó. Nhà có mỗi anh là con trai vậy mà…” - Giọng ông trầm tư.
Năm 1983, trên cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, ông đã có chuyến vào Điện Bàn đầu tiên và nhớ như in cảnh người dân đang dưới ruộng, lau vội bàn tay lấm bùn để bắt tay những người anh em miền Bắc. Những ngày ở đây, ông có dịp đi thăm mẹ Thứ ở Điện Thắng, mẹ Bưng ở Điện Ngọc. Cảm xúc về những người mẹ lay động trong ông đến bây giờ.
Theo ông Lê Đức Ky, cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển giữa hai huyện có lẽ bắt đầu từ năm 1995. Đó là lần đầu tiên Điện Bàn tổ chức một đoàn 21 cán bộ từ Bí thư Huyện ủy đến lãnh đạo các ban ngành ra thăm Hoằng Hóa. Trước đó, có nhiều đoàn ra thăm nhưng không đông đủ như thế. Hoằng Hóa đã tổ chức đêm tiệc ấm cúng cùng nhiều hoạt động ý nghĩa đón đoàn. Lãnh đạo Điện Bàn đã đến thăm và hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, nghiên cứu xây một công trình có giá trị tặng Hoằng Hóa là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Ông bảo: “Năm 1975, anh Bùi Khắc Nhẫn vào Điện Bàn đầu tiên, khi ra có báo cáo lại với Huyện ủy rằng, Điện Bàn tổn thất lớn quá. Không biết đến bao giờ mới khôi phục được. Vậy mà bây giờ Điện Bàn phát triển tốc độ phi mã. Đặc biệt về công nghiệp, du lịch, xúc tiến đầu tư, một số mặt Hoằng Hóa phải học tập. Tôi vẫn mong mình có sức khỏe để có dịp lại vào đấy nhìn người anh em ngày càng thay da đổi thịt…”.
* *
*
Anh Hùng, lái xe của Huyện ủy đưa tôi về TP.Thanh Hóa khi dàn đèn trên cầu Nguyệt Viên bắt đầu hắt bóng. Những con đường rộng thênh thang, dãy nhà kiểu cổ xinh đẹp giống hệt nhau dọc thị trấn Bút Sơn khiến tôi mê mẩn. Huyện Hoằng Hóa đang phát triển đa ngành, đẩy mạnh công nghiệp hóa trên mảnh đất vốn thuần nông. Tôi lại nhớ đến cuộc nói chuyện sáng nay với các đồng chí nguyên lãnh đạo Hoằng Hóa trong chiến tranh. Như thấy đâu đây trên cung đường tôi đi qua, đều có “Cánh đồng Điện Bàn”, “Hàng cây Điện Bàn” một thuở...