Gần đây, lại tiếp tục có những cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Xôn xao như vụ việc thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng.
Tại hội nghị chuyên đề “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng” vừa rồi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi doanh nghiệp tiên phong dấn thân làm, hướng dẫn, đặt hàng người nông dân để cho ra thực phẩm, nông sản sạch.
Phản biện ý kiến này, nhiều doanh nghiệp cho biết còn vướng về chính sách đất đai, cơ chế đầu tư và cả phía người sản xuất cũng chưa giải quyết được đầu ra nông sản sạch một cách bền vững mà chủ yếu ở dạng cung cấp quy mô nhỏ lẻ, manh mún với kiểu “của nhà làm”, “rau nhà trồng”, “heo nhà nuôi”, “gà thả vườn”…
Về phía Nhà nước, cũng theo ông Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện dần các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nông sản sạch. Đồng thời dần chuyển hoạt động khuyến khích sản xuất trong nông nghiệp sang bắt buộc từ quy mô nhỏ, rồi dần chuyển sang diện rộng và siết chặt các chứng nhận nông sản, chuẩn hóa lại quy trình kiểm nghiệm để nông dân, doanh nghiệp dễ dàng thực thi hơn.
Trong khi chờ đợi “hoàn thiện” đủ loại quy định, quy trình, chứng nhận, kiểm nghiệm thì tình trạng sản xuất, tiêu thụ nông sản không an toàn với sức khỏe con người (chứ không nói là sạch hay không, bởi khái niệm này còn gây tranh cãi), đã, đang và sẽ còn diễn ra.
Thực chứng điều này là chưa ai dám khẳng định chắc chắn tất cả nông sản thực phẩm bán tại chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) được kiểm định an toàn thực phẩm mỗi ngày. Bởi chợ này rộng 25ha có tới 1.800 thương nhân, nên như ông Hoan nhận xét “là quá nhiều và khó quản lý”.
Tương tự, ở chợ nông sản Thủ Đức, bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường 2.300 tấn rau củ quả trái cây, trong đó khoảng 1.300 tấn rau củ tươi. Với số lượng lớn hàng hóa như vậy thì quy trình để đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc tại vùng trồng là một vấn đề khó đối với công ty quản lý chợ.
Đáng chú ý như ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc bộ phận Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức, cho hay việc quản lý an toàn thực phẩm tại chợ hiện chỉ dựa trên lấy mẫu ngẫu nhiên, mẫu gì nghi ngờ thì dùng test sâu phải mất từ 3-5 ngày mới có kết quả, khi ấy rau đã đến tay người tiêu dùng mất rồi (theo Kinh tế & Đô thị).
Các chợ đầu mối lớn, có đơn vị quản lý bề thế vậy mà còn thấy khó, huống chi chợ nông sản ở các tỉnh lẻ như Quảng Nam, nơi mà nhiều chỗ chỉ có người nông dân tự nuôi trồng và mang đến bán nông sản. Thường người bán và mua đều dựa trên “niềm tin” mà thôi chứ hỏi ai kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, cả nhãn mác thì mơ hồ.
Như thế, để giải quyết căn cơ vấn đề an toàn cho nông sản, thiển nghĩ cần phải trở lại bài toán thực hiện các giải pháp đồng bộ trên cả ba mặt sản xuất - phân phối - tiêu dùng. Nghĩa là ba mặt ấy hình thành tam giác đều có ba cạnh quan hệ biện chứng với nhau, trong đó sản xuất là gốc, cơ sở tiền đề đóng vai trò quyết định; tiêu dùng là động lực, mục đích của sản xuất; phân phối là những khâu trung gian tác động mạnh mẽ đến sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh tam giác đều này là chuỗi tam giác đều khác về tiêu chuẩn nông sản như: truy xuất nguồn gốc - kiểm định chất lượng - phân phối sản phẩm; thực thi quản lý trên cả ba phương diện nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông… Tâm điểm của mỗi tam giác đều ấy là tiêu chí an toàn với sức khỏe con người, không để cạnh nào chông chênh, chẳng hạn sản xuất không an toàn lấy đâu ra sản phẩm để phân phối, trao đổi, tiêu dùng cho an toàn.