Bác Hồ kính yêu đã ghi trong bức ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”
Anh Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường và bút tích của Bác Hồ. |
Tuổi trẻ sôi nổi
Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1.2.1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng (nay là xã Điện Thắng Trung), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình dòng họ giàu truyền thống cách mạng. Thân phụ anh là ông Nguyễn Văn Hóa (tự Thoàn) từng tham gia cách mạng thời chống Pháp; anh ruột là Nguyễn Văn Toàn, cũng từng tham gia cách mạng, hoạt động vùng Điện Bàn - Đà Nẵng.
Thuở nhỏ, anh Trỗi học ở Trường Tiểu học Miếu Xóm (nay là Trường Nguyễn Trãi, đội 2 thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung) do thầy giáo Nguyễn Văn Nhung dạy. Chưa được mười tuổi thì mẹ mất, gia cảnh gặp khó khăn, hằng ngày anh phải đi xay bột thuê cho một lò bún trong làng. Năm 13 tuổi, anh Trỗi theo anh trai ra Đà Nẵng, học nghề may. Trong thời gian 3 năm học may tại Đà Nẵng, anh đã ý thức được lòng căm thù đối với Mỹ-ngụy. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Toàn, có một lần đi ngang qua chỗ quân đoàn, thấy lính ngụy chào cờ, anh Trỗi không chịu dừng lại chào, thế là bị hạch sách đủ điều... Cho rằng nghề may có vẻ yếu đuối, anh thôi không theo nữa. Đến mùa hè năm 1956, anh Trỗi (lúc đó được 16 tuổi) đã lén lấy 900 đồng của anh trai, mua vé tàu thủy Nam Việt, vào Sài Gòn.
Ở Sài Gòn, anh trọ nhà bác Ba Nhân (người cùng quê), ban ngày đi làm thuê, ban đêm đạp xích lô. Sau đó anh học thêm nghề thợ điện. Trong thời gian này, được sự dìu dắt của bà con cùng quê phiêu bạt vào Sài Gòn, anh càng nung nấu ý chí cách mạng. “Đánh Mỹ” là nguyện vọng của anh lúc này.
Đến giữa năm 1963, anh Trỗi được Tư Kiếm (Nguyễn Hữu Kiếm, người cùng quê) nhận vào tổ biệt động cùng lúc với Nguyễn Hữu Lời. Tổ biệt động do Tư Kiếm chỉ huy gồm bốn người: Tư Kiếm (tổ trưởng), Ba Sơn (Nguyễn Hữu Sơn, anh ruột Tư Kiếm), Nguyễn Văn Trỗi (23 tuổi), Nguyễn Hữu Lời (19 tuổi). Cả 4 anh em quê ở làng Thanh Quýt và lúc đó đều cư ngụ ở quanh vùng Vườn Xoài, đường Trương Minh Giảng. Thời gian này, anh Trỗi ở tại nhà Tư Kiếm. Đến tháng 10.1963, anh Trỗi tranh thủ về thăm quê, đây là chuyến về thăm quê cuối cùng của anh. Dịp này anh ghé thăm thầy giáo Nhung. Và theo lời kể của thầy giáo Nhung sau này, lúc đó anh Trỗi đã dùng gai bồ kết khắc lên cây cau trước nhà thầy: “15.10.1963”, sau đó anh vào lại Sài Gòn.
Đầu năm 1964, nhân dịp tết, Tư Kiếm đã bố trí cho anh Trỗi và Nguyễn Hữu Lời ra căn cứ ở Rừng Thơm (nay thuộc Đức Hòa, Long An) gặp Ban chỉ huy cánh tây nam, hai anh ở lại căn cứ 3 ngày, coi như dự lớp chính trị ngắn ngày, kết hợp học một số “miếng” võ hiểm để phòng thân. Từ căn cứ về, anh Trỗi chọn ngay mục tiêu “đánh thí điểm” là cư xá Mỹ ở đường Cao Thắng. Sau khi báo cáo, kế hoạch của anh được đồng chí Tư Đạt - Chính trị viên cánh tây nam cho phép và tặng một quả lựu đạn da láng của Mỹ. Bằng quả lựu đạn này và cách đánh thông minh của mình, anh đã diệt gọn 4 tên Mỹ và làm bị thương 8 tên. Sau đó anh tìm hàng loạt mục tiêu như tàu hải quân Mỹ đóng tại bến Bạch Đằng, nhà máy điện... để xin đánh, nhưng tổ chức không cho mà chuẩn bị kế hoạch “đón” Mácnamara - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đến miền Nam Việt Nam trong nay mai.
Ngày 21.4.1964, anh Trỗi cưới vợ - Phan Thị Quyên người miền Bắc, theo cha mẹ vào Nam sinh sống, là công nhân hãng bông Bạch Tuyết. Sau khi cưới, vợ chồng anh cùng người cháu tên Hứa về ở chung nhà với một gia đình đồng hương tại số 1701, ấp Tây Ba, gần xứ đạo Bùi Chu - Phát Diệm. Vì mới cưới vợ nên Ban chỉ huy cánh tây nam ưu tiên cho anh Trỗi không có tên trong danh sách đánh Mácnamara. Điều này làm cho tổ trưởng Tư Kiếm đắn đo mãi vì anh Trỗi vẫn đinh ninh là được tham gia trận đánh này và rất hăng hái trong công việc chuẩn bị kỹ thuật nối dây điện, quan sát địa bàn đặc mìn, kéo dây... Cuối cùng, Tư Kiếm cùng Ba Sơn và Nguyễn Hữu Lời quyết định cả tổ sẽ chịu trách nhiệm trước tổ chức về việc để anh Trỗi tham gia trận này.
Khí phách người cộng sản
Vào sáng thứ Hai ngày 11.5.1964, phái đoàn đặc biệt của Mỹ đến sân bay Tân Sơn Nhất, gồm: Mácnamara - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dẫn đầu, Thống tướng Maxwell-Taylor - Chủ tịch Hội đồng tham mưu hỗn hợp, Đại tướng Westmoreland - Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, Mac-Cone - Giám đốc Cục tình báo CIA và nhiều quan chức cấp cao khác. Đây là một phái đoàn sừng sỏ có đầy đủ thẩm quyền quyết định tại chỗ mọi vấn đề về quân sự, kinh tế, chính trị... của chính quyền Sài Gòn. Do tầm quan trọng đó mà chính quyền Sài Gòn tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các tuyến đường phái đoàn sẽ đi qua từ mấy hôm trước.
Trong khi đó, tổ của Tư Kiếm, bằng trí thông minh đã đánh lừa được bọn lính gác để Lời và Ba Sơn đặt quả mìn 8 ký ngay gần đầu cầu Công lý (nơi phái đoàn sẽ đi qua) từ trưa ngày 8.5.1964. Đến 9 giờ 30 phút tối 9.5.1964, tổ Tư Kiếm xuất phát để hoàn tất việc chuẩn bị còn lại. Tư Kiếm và Ba Sơn ở vòng ngoài bảo vệ cho anh Trỗi và Lời kéo dây điện nối với trái mìn đặt sẵn. Khi anh Lời nối được dây điện vào quả mìn thì bị một tên là em của cảnh sát phát hiện, báo cảnh sát đến bao vây, bắt anh Trỗi và Lời. Nghe ồn ào, bà con xung quanh ra xem rất đông, lúc đó Tư Kiếm và Ba Sơn đứng ngoài, có súng, có lựu đạn trong tay nhưng không thể hành động để giải vây, vì sợ gây thương vong đến người dân, đành cắn răng để đồng đội bị bắt. Ngay từ đầu anh Trỗi đã nhận mọi trách nhiệm về mình, để tránh tai nạn cho đồng đội, cơ sở đã nuôi nấng mình, đặc biệt là để cứu sống Lời.
Tại Tổng nha cảnh sát, bọn địch vừa tra tấn, vừa dụ dỗ anh Trỗi, nhưng chúng hoàn toàn thất bại. Mấy ngày sau, anh Trỗi thừa cơ hội nhảy lầu vượt ngục nhưng bị gãy chân nên bị bắt lại. Địch đưa đi chữa trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó biệt giam anh. Đến ngày 8.8.1964, địch đưa anh Trỗi và Lời về Khám Chí Hòa. Ngày 10.8.1964, chúng đưa hai anh ra tòa. Trước tòa, anh Trỗi đã trở thành người buộc tội đế quốc Mỹ và tay sai: “Chính bọn Mỹ mới là kẻ có tội, là thủ phạm gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh chết chóc lầm than, con mất cha, vợ mất chồng”. Chiều 11.8.1964, địch đưa anh Trỗi đến phòng giam 3B11 trên lầu hai.
Thời gian ở trong tù, anh đã chịu bao nhiêu cực hình tra tấn của địch; nhưng anh vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm cách vượt ngục để được tiếp tục chiến đấu. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ gây xúc động trong tuổi trẻ và nhân dân ta, mà cả tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Tuy biết trước sẽ bị tử hình nhưng anh vẫn ung dung, lạc quan, yêu đời, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cảm kích trước hành động của anh, để cứu anh, một tổ chức du kích nước Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là trung tá không quân Mỹ - Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, khi viên sĩ quan Mỹ này được trả tự do thì anh Trỗi bị địch đưa đi xử bắn.
Phút giây làm nên lịch sử
Vào lúc 9 giờ 45 phút, ngày 15.10.1964, địch đưa anh Trỗi ra pháp trường Chí Hòa xử bắn. Chân anh vẫn còn đau do lần nhảy lầu vượt ngục không thành, người anh gầy yếu do chế độ hà khắc của nhà giam tử tù, nhưng tinh thần của anh không hề nao núng, không hề khuất phục trước đường lê, mũi súng giặc. Anh không cho bịt mắt để được nhìn nhân dân, đất nước và thể hiện khí phách trước kẻ thù… Trong những phút cuối cùng, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, anh đã hô vang: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đã đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”, được các phóng viên ghi lại.
Ngày 17.10.1964, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã truy tặng Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Năm 1995, Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho anh.
Sau khi xử bắn anh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bí mật chôn thi thể anh Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trung Đông, quận 2, TP.Hồ Chí Minh). Sau nhiều ngày tìm kiếm, cha và vợ anh Trỗi mới tìm thấy mộ. Năm 1994, tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng với sự góp sức của tuổi trẻ cả nước đã xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (xã Điện Thắng Trung, quê hương anh). Năm 2002, nhân ngày giỗ lần thứ 38 của anh, tuổi trẻ Quảng Nam cũng như gia đình anh Trỗi có nguyện vọng được di dời phần mộ của anh về nghĩa trang liệt sĩ tại quê nhà, đồng thời cũng là di nguyện của cha anh trước lúc qua đời. Nhưng cũng theo nguyện vọng của thanh niên TP.Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước, mộ anh vẫn được giữ lại tại nghĩa trang Văn Giáp. Năm 2012, nhân kỷ niệm 48 năm ngày anh hy sinh (15.10.2012) tuổi trẻ Quảng Nam đã khánh thành công trình “Xây dựng và nâng cấp Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”. Dịp này, huyện Điện Bàn kêu gọi tuổi trẻ cả nước tích cực sưu tầm hình ảnh, tư liệu, kỷ vật và các đoạn video giới thiệu về cuộc đời Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi để trưng bày tại nhà lưu niệm, và nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của tuổi trẻ Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.
PHAN THANH HẬU