Tấm gương kiên trung, bất khuất

NGUYỄN HẢO (Bí thư Huyện ủy Đại Lộc) 26/04/2021 08:12

Đại Lộc - mảnh đất kiên cường trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc nói chung, quê hương Quảng Nam nói riêng, là nơi sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt. Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển - yếu nhân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, thành viên sáng lập Duy tân hội, người đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc trên quê hương Đại Lộc là một trong số những anh hùng hào kiệt đó.

Mộ chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển - được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Ảnh: Đ.L
Mộ chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển - được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Ảnh: Đ.L

1. Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ngày 14.5.1856 tại làng Ô Gia, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Ông là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Cha của ông là Đỗ Đăng Bộ và mẹ là Nguyễn Thị Hà. Ông có tên khác là Đăng Các, hiệu Hy Đào, biệt hiệu Túy Am, một số đồng chí của ông còn gọi ông là Trình Hiền, Sơn Tẩu hay Trình Ô Gia.

Xuất thân trong một gia đình bình thường, song Đỗ Đăng Tuyển đã được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Ông nổi tiếng là người viết chữ đẹp, giỏi thi phú, học rộng, có thực tài nhưng ông lại là người lận đận trong thi cử, chỉ đỗ Tú tài. Đến cuối đời Tự Đức, ông mới được mời ra kinh đô Huế giữ một chức quan là chủ sự, chuyên viết các sắc bằng của triều đình.

Sau khi Hòa ước Quý Mùi 1883 được ký kết, thực dân Pháp dần mở rộng địa bàn xâm lược nước ta. Với khí tiết của một sĩ phu yêu nước, Đỗ Đăng Tuyển từ quan về quê. Nhưng sâu thẳm trong trái tim người sĩ phu đó là tình yêu quê hương, đất nước, là sự đồng cảm với nhân dân dưới sự áp bức, bóc lột của triều đình tay sai và thực dân Pháp.

Năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu, hào kiệt và nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Đỗ Đăng Tuyển gia nhập hàng ngũ sĩ phu yêu nước của mảnh đất Quảng Nam, tham gia Nghĩa hội do Trần Văn Dư chủ xướng, đứng lên chống thực dân Pháp. Ông được giao giữ chức Đội quân biện lương với nhiệm vụ vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội.

2. Năm 1886, sau trận tập kích của quân Pháp và quân triều đình do Nguyễn Thân chỉ huy đánh vào Tân Tỉnh, Trung Lộc (nay là thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn), tiếp đến tấn công vào An Lâm, Phước Sơn, lực lượng Nghĩa hội bị tổn thất nặng nề. Khí giới, lương thực, sổ sách, giấy tờ gần như bị mất sạch. Thế cùng, lực kiệt, Phan Bá Phiến và Nguyễn Duy Hiệu đã chọn lấy cái chết bất khuất để bảo toàn lực lượng còn lại.

Tuân thủ di huấn cuối cùng của người lãnh đạo Nghĩa hội là tạm thời phân tán lực lượng, Đỗ Đăng Tuyển trở về quê sống thu mình và giấu chí, chờ thời cơ mới. Nguyễn Thành, bạn chiến đấu của ông thì về làng cũ, lập trại Nam Thạnh (nay thuộc địa phận huyện Thăng Bình), bề ngoài tỏ ra an phận làm ruộng nuôi mẹ già, còn Đỗ Đăng Tuyển trở về nhà làm như là chẳng còn bận tâm gì đến thời cuộc, hằng ngày mượn chén rượu, ngâm nga thơ phú như để tìm quên lãng.

Bọn lý hương ở làng thường theo dõi hành vi của ông, cảm thấy yên tâm rằng vị tán tương ngày nào đã trở thành một người suốt ngày chỉ làm bạn với rượu, được gọi là “lão túy ông” (ông lão say).

Tuy ngoài mặt Đỗ Đăng Tuyển cho thấy sự chán chường với thời cuộc, nhưng trong lòng hun đúc ngọn lửa quyết tâm chống giặc của một sĩ phu yêu nước, ông vẫn âm thầm giữ liên lạc với các đồng chí cũ như Tiểu La Nguyễn Thành ở Thăng Bình, Châu Thượng Văn ở Hội An để mưu việc lớn.

3. Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu liên kết hào kiệt bốn phương từ Bắc vào Nam để mưu cầu giải phóng dân tộc. Đến Quảng Nam, Phan Bội Châu tìm tới các sĩ phu đã từng tham gia Nghĩa hội, trong đó có Đỗ Đăng Tuyển.

Trong cuộc họp lịch sử thành lập hội Duy tân vào thượng tuần tháng 4 năm Giáp Thìn (1904) tại Nam Thạnh sơn trang với khoảng 20 đại biểu tham dự, trong đó có 5 người được Phan Bội Châu sau này nhắc đến trong cuốn Tự phán, đó là Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Lê Võ, Đặng Tử Kính và Đặng Thái Thân.

Năm 1908, phong trào Duy tân và Đông du bị thực dân Pháp đàn áp, chúng bắt lưu đày và tàn sát nhiều nhà lãnh đạo, Đỗ Đăng Tuyển trốn thoát. Đến năm 1910, chúng mới bắt được ông. Chúng giải ông đi từ nhà lao này đến nhà lao khác, rồi giải ra tận Nghệ An để đối chất với những đồng chí cùng tham gia phong trào ở phía Bắc. Nhưng thực dân Pháp và chính quyền tay sai không moi được thông tin gì từ Đỗ Đăng Tuyển.

Mặc dù bị tra tấn, hành hạ bằng nhiều thủ đoạn dã man, người chí sĩ ấy vẫn giữ vững khí tiết của một sĩ phu yêu nước. Không lấy được thông tin gì từ ông, thực dân Pháp và bè lũ tay sai giải ông từ Nghệ An lên nhà lao Lao Bảo. Tại đây, Đỗ Đăng Tuyển đã tuyệt thực để thể hiện thái độ với quân thù. Ông hy sinh vào ngày 4.4 năm Tân Hợi (1911) khi mới 55 tuổi.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam nói chung, của quê hương Đại Lộc, Quảng Nam nói riêng. Ông dành nửa cuộc đời để tham gia các hoạt động, phong trào yêu nước với mong muốn mang lại độc lập cho quê hương, đất nước, cho cuộc sống yên bình của nhân dân.

Những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mà chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển tham gia đã đi vào sử sách, là những mốc son trong công cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến, giải phóng quê hương.

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển cùng các sĩ phu yêu nước đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân, là nền tảng quan trọng cho các phong trào cách mạng sau này. Lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên trung, bất khuất trước kẻ thù của ông sẽ còn lưu truyền mãi với thời gian.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm gương kiên trung, bất khuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO