(QNO) - Người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) lại khốn khổ chuyện đi lại khi phà tự hành vỏ thép vận chuyển người, hàng hóa qua bến Tam Quang - Tam Hải bị hỏng không thể vận hành. Dự kiến việc sửa chữa chỉ 1 tháng, đến nay đã gần 2,5 tháng nhưng chiếc phà này vẫn nằm trên triền đà.
Từ ngày 14.10 đến nay, việc đi lại qua xã đảo Tam Hải phụ thuộc vào chiếc phà gỗ cũ kỹ, nhiều hỏng hóc. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Chen chúc bước lên chiếc phà gỗ để vào bờ đi công chuyện, bà Hoàng Thị Lý (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) lắc đầu ngán ngẩm. Bởi cả thời gian dài, dân ở xã đảo như bà phải chịu cảnh chờ phà, rồi tranh nhau lên phà vì phà gỗ nhỏ chẳng vận chuyển nhiều và nhanh như phà sắt. “Giờ cao điểm như buổi sáng sớm hay chiều tối, hàng trăm công nhân, cán bộ ai cũng muốn tranh nhau lên đi sớm cho kịp giờ làm. Còn mấy người già như tôi thì chịu trễ” - bà Lý cho biết.
Phà vỏ thép tạm ngưng hoạt động, để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, UBND xã Tam Hải cho vận hành phà vỏ gỗ dự phòng. Nhưng chiếc phà gỗ này đã quá cũ kỹ nên trong quá trình vận hành liên tục xảy ra hỏng hóc như gãy bửng phà, rớt chân vịt. Những lúc như thế, bức bách về nhu cầu đi lại nên người dân buộc chọn cách qua sông Trường Giang bằng ghe nhỏ khá nguy hiểm.
Theo nhân dân xã Tam Hải, từ giữa tháng 10.2018, UBND xã Tam Hải có ra thông báo cho người dân biết việc phà vỏ thép 18 tấn sẽ tạm ngưng hoạt động, tu sửa từ ngày 14.10 đến 14.11.2018. Nhưng đến nay đã cuối tháng 12 mà người dân vẫn chưa thấy phà vỏ thép hoạt động trở lại, UBND xã cũng chưa có thông báo gì thêm về vấn đề này.
Phà thép ngưng hoạt động còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thông thương hàng hóa. Bà Hoàng Thị Lý cho biết thêm, 39 vạn tôm thẻ chân trắng của gia đình đã đến thời kỳ khai thác nhưng chẳng thể xuất bán được, vì xe tải thu mua tôm không qua được đảo Tam Hải. “Mỗi ngày tôi phải mất cả tạ bột thức ăn, tốn hơn 3 triệu đồng nhưng phải ráng cầm cự chứ chưa biết tính sao” - bà Lý nói.
Hoạt động buôn bán, kinh doanh ở xã Tam Hải bị ảnh hưởng nặng nề do trắc trở thông thương hàng hóa. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Trong khi đó, một chủ cửa hàng trang trí nội thất ở Tam Hải cho hay, bình thường nếu có phà vỏ thép thì cửa hàng sẽ vận chuyển trực tiếp hàng hóa đến nhà của khách. Nay thì không thể, hàng hóa được bốc xuống tại xã Tam Quang, ông thuê người bốc từng ít chuyển qua phà gỗ rồi sau đó lại tiếp tục thuê xe ba gác máy chở đến nhà khách hàng. “Đi trực tiếp bằng ô tô tải thì chỉ mất 50 nghìn đồng tiền phí phà, còn giờ chuyển thủ công kiểu này tốn đến 500 nghìn cho mỗi chuyến hàng” - chủ cửa hàng trang trí nội thất này cho biết.
Trao đổi cùng Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã Tam Hải - Trần Ngọc Hữu cho hay, lãnh đạo xã đang rất sốt ruột về chuyện vẫn chưa đưa phà vỏ thép trở lại hoạt động. Đồng thời thừa nhận tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến việc giao thương giữa xã đảo với đất liền, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn đường thủy.
Ông Hữu thông tin, sau khoảng 10 năm hoạt động phà vỏ thép đã bị hư hỏng khá nhiều, phần lớn là bị gỉ rét, thủng đáy nên việc dự toán kinh phí sửa chữa phải thay đổi nhiều lần. “Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng hoàn tất các hồ sơ liên quan để nhanh chóng đưa phà vỏ thép vận hành trở lại. Bằng mọi giá phải xong trước dịp Tết Âm lịch Kỷ Hợi này” - ông Hữu cho hay.
Vẫn không thể có một câu trả lời chính xác về thời gian phà vỏ thép có thể hoạt động trở lại khi vị lãnh đạo xã Tam Hải chưa biết chính xác con số kinh phí dự toán sửa chữa, thời gian hoàn thành các hồ sơ liên quan, và phải chờ đợi cuộc làm việc với UBND huyện Núi Thành dự kiến vào ngày 2.1.2019. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chiếc phà này bị hư hỏng phải sửa chữa.
ĐOÀN ĐẠO