Tuần này, chuỗi các hoạt động trong Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI- 2017 mở màn.
Quảng Nam sẽ đón khoảng 1 nghìn nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 32 đoàn tham dự Hội thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An.
Rồi một Festival Diều quốc tế với sự tham gia của 90 nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành phố trong nước (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Nam….) và 22 nghệ nhân đến từ các quốc gia: Canada (1), Nhật Bản (3), Hàn Quốc (2), Trung Quốc (3), Malaysia (4), Đài Loan (4), Indonesia (2), Thái Lan (2), New Zealand (1). Tại Hội An và Tam Kỳ, các nghệ nhân sẽ trình diễn và giới thiệu đến du khách khoảng 300 diều truyền thống và hiện đại.
Từ trong tiếng ngân vang của âm nhạc, tiếng vi vu những cánh diều, bay lên cả một trời háo hức về một mùa lễ hội giao lưu văn hóa nhiều vùng đất, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam và Việt Nam. Chuỗi các hoạt động trong festival lần này sẽ đi đến cao trào trong một tuần (từ ngày 7 đến 14.6), diễn ra trên một không gian rất rộng từ phía bắc đến phía nam, từ miền biển lên miền núi. Du khách sẽ được tham quan hầu khắp các di sản của nhân loại, khu dự trữ sinh quyển thế giới, các di sản quốc gia hiện diện trên đất Quảng; được tìm hiểu các di sản biển đảo, di sản văn hóa Chăm, Việt, Cơ Tu...; trải nghiệm nghi thức dựng cây nêu và lễ hội sâm ở vùng cao; được chiêm ngưỡng các cuộc đua thuyền buồm, lướt ván, đua thuyền kayak; được dự hội tơ tằm và thỏa sức ngắm các bộ sưu tập thiết kế thời trang; được nghe hô hát bài chòi và trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đã vinh danh; được thưởng thức các món ngon từ liên hoan ẩm thực quốc tế... Sẽ ngút ngàn những cuộc đi chơi hội, réo rắt lời gọi mời đến vùng đất mà mỗi bước chân qua đều bắt gặp những di sản, di tích đã hằn in trong lòng người, lại được tắm mình trong khung cảnh nên thơ của sông hồ, biển cả, núi non đất Quảng.
Mục tiêu cho một kỳ festival với nhiều sản phẩm du lịch mới là thu hút khoảng 1 triệu người đến tham quan, tham gia, tham dự chuỗi các hoạt động lễ hội. Quả là rất đông. Đây là cơ hội cho các dịch vụ phục vụ đi kèm nở rộ, nhưng cũng là thách thức cho quảng bá hình ảnh du lịch, làm sao để lưu dấu sự thân thiện, nồng ấm, chu đáo, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt và vui chơi của khách như lời gọi mời hấp dẫn. Như thế, không chỉ mỗi cán bộ lãnh đạo mà đến từng người dân tham gia, cần làm tròn vai trò chủ nhà và là “đại sứ du lịch” để quảng bá nét đẹp của vùng đất con người xứ Quảng.
Với một lượng du khách lớn, lời ước vọng là “đừng lấy gì ngoài những tấm hình, không để lại gì ngoài những dấu chân” khi tham quan các di sản, di tích, các danh lam, thắng cảnh. Bởi các di sản, di tích đều là chứng nhân của thời gian, cần trân quý và giữ gìn bằng cách “đi nhẹ nói khẽ” trên từng viên gạch cổ đã nhuốm màu rêu phong. Bởi các danh thắng đều cần một cảnh quan không rác rưởi, không ô uế. Bởi bãi biển và sông hồ cần sự trong sạch, trong lành...
Chủ và khách cùng vào hội, hòa quyện trong một không khí tươi vui, nồng ấm, để có những tấm hình trong trẻo mà lưu niệm câu chuyện về tình đất, tình người. Xứ Quảng mở hội với rất nhiều mong đợi!
ĐĂNG QUANG