Tác phẩm, tác giả

Tâm hồn “rất Quảng” trong ca khúc của Phan Huỳnh Điểu

TRƯỜNG SƠN 12/11/2024 09:15

Cùng với sự khoáng đạt, mộc mạc trong mỗi ca từ, chất liệu dân gian xứ Quảng trong mỗi giai điệu đã làm nên những ca khúc của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thấm đượm tình đất, tình người.

Buổi tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”.
Buổi tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”.

Tại tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức vào cuối tuần qua, các nhạc sĩ đã có nhiều phân tích về chất quê xứ Quảng trong những ca khúc, đặc biệt là “Quảng Nam yêu thương” của cố nhạc sĩ.

Giai điệu “Quảng Nam yêu thương”

Nữ nhạc sĩ Văn Thu Bích cho biết, chỉ trong những năm cuối đời, ông thường đau ốm nên không về thăm Đà Nẵng song tình yêu quê hương luôn đau đáu dù ông đã sống xa quê khi còn rất trẻ, miệt mài trên con đường tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc.

“Cho đến nay, khó có ca khúc nào vượt qua cái bóng lừng lững của bài hát “Quảng Nam yêu thương” được ông cảm tác theo chất liệu làn điệu lý tang tít, dân ca Nam Trung bộ bằng cả tấm lòng yêu thương sâu sắc gửi tới quê hương xứ Quảng” - bà Bích đánh giá.

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh kể, ông nhớ mãi những lời tâm tình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm này. Đó là một ngày vào năm 1982, khi nhạc sĩ về thăm quê “rồi ngồi lỳ ở một phòng trọ khu vực Đống Đa gần bến cá Đà Nẵng trong khoảng 3 ngày thì ca khúc hoàn thành…”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: “Ca khúc được NSND Thu Hiền thể hiện trên đài thát thanh không ngờ được nhiều khán giả yêu thích đến thế. Cho đến hôm nay, tuổi của bài hát đã ngoài 40 năm nhưng vẫn được vang lên trong các kỳ hội diễn, sự kiện. Phải nói ca khúc này mang một tâm hồn rất Quảng”.

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh cũng nhận định, các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu ít khi kể lể địa danh nhưng trong ca khúc này, những địa danh của Quảng Nam được ông kể ra ngọt như mía lùi, không hề gượng ép, như: quế Trà My, mía Điện Bàn, Duy Xuyên tiếng thoi dệt lụa, nhớ chiều Hòa Vang, nhìn lên Hải Vân Sơn Trà…

“Về giai điệu, ngay từ đầu tác phẩm, hai câu ca dao trong một làn điệu hò khoan quen thuộc “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ (Chớ) rượu hồng đào chưa nhắm (mà) đà say” văng vẳng điệu ru lý tang tít “tàng, tit tang nòn nang tit tàng tàng”... Nói về loại tác phẩm “tỉnh ca” thì ca khúc “Quảng Nam yêu thương” không thua kém gì các địa phương khác. Bài hát thực sự đã trở thành logo của tỉnh Quảng Nam” - ông Khanh nói.

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh kể, mỗi lần về thăm quê hương và được hội âm nhạc mời cơm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu luôn gọi món ăn dân dã đậm dư vị xứ Quảng - món canh nghêu nấu rau muống. Còn nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa nhớ lại: “Mỗi lần cố nhạc sĩ chuẩn bị về Đà Nẵng, chú thường viết thư và nhờ tôi báo cho một số người biết để được gặp mặt. Chú rất thích ăn bánh xèo và nhiều lần về ở lại nhà tôi để được thưởng thức món ăn này. Đó là tình cảm rất Quảng Nam, giản dị mà đậm sâu”.

Nặng lòng với dân ca

Từ đầu tay sáng tác - năm 1940 (bài hát “Trầu cau”) cho đến khi qua đời vào tháng 6/2015, cây đại thụ Phan Huỳnh Điểu đã để lại hơn 100 ca khúc cho nền âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh nhiều bản tình ca, ca khúc nổi tiếng viết về quê hương đất nước, nhạc sĩ đã dành nhiều tâm sức để viết về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, như: “Hội An ai mà không nhớ”, “Lãng đãng chiều Phú Ninh”, “Hát trên sông Vu Gia”, “Có ai về Quảng Nam”, “Quảng Nam yêu thương, “Bài ca Núi Thành”, “Đà Nẵng là nỗi nhớ”, “Về với sông Hàn”…

Nhà phê bình, lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng đặc điểm sáng tác đậm chất xứ Quảng của âm nhạc Phan Huỳnh Điểu chính là bởi mạch nguồn dân ca nuôi nấng ông từ thuở ấu thơ.

“Người ta nói sữa nuôi phần xác, thơ nhạc nuôi phần hồn. Lời ru của người mẹ đã ngấm sâu vào ông từ lúc còn nhỏ. Để rồi khi trở thành nhạc sĩ, tất cả những chất liệu đó gắn kết như máu thịt và đi vào âm nhạc một cách tự nhiên. Lý, vè, hò sông nước của xứ Quảng gần gũi mà cũng đậm chất trữ tình trong âm nhạc của ông” - bà Châu nói.

Bà Châu đánh giá thêm, cố nhạc sĩ đã đi rất nhiều nơi, khắp mọi miền đất nước, rồi cả nước ngoài, đến đâu cũng để lại những ca khúc mang đậm tình đất, tình người. Nhưng ưu ái nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông vẫn là vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu, người ta có thể cảm nhận ông là một con người nhạy cảm trước cái đẹp và nhạy bén trước thời cuộc. Chính lẽ đó mà ông viết nên những tác phẩm vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật.

“Cũng nhờ thế mà tác phẩm của ông sống mãi. Ông ra đi nhưng tình thì còn ở lại trong những giai điệu đẹp…” - bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm hồn “rất Quảng” trong ca khúc của Phan Huỳnh Điểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO