(QNO) - Tâm huyết của người thầy vùng cao có khi đơn giản chỉ từ chính những khó khăn của học trò, để rồi trở thành nghiệp trên suốt quãng đời gieo chữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Mai chăm lo bữa ăn cho học sinh. |
Ở miền núi Quảng Nam, để hoàn thành việc gieo chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, những thầy giáo, cô giáo cắm bản phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ đời sống đến điều kiện giảng dạy, bất đồng ngôn ngữ. Song với tình yêu thương học trò và cái tâm của người gieo chữ, nhiều thầy, cô giáo đã gắn bó hàng chục năm và tự nguyện ở lại những bản làng xa xôi với các em.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Võ Thị Sáu (xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My) nằm giáp ranh với huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, học sinh nơi đây có thêm người mẹ thứ hai là cô giáo Nguyễn Thị Ánh Mai. Tất cả học sinh của trường là dân tộc Co và Ca Dong. Toàn trường có 37 thầy cô giáo, người gắn bó lâu nhất cũng ngót hơn 20 năm. “Mẹ Mai” là cách gọi thân thiết mà các em dành cho cô Ánh Mai.
Vào nghề từ năm 1990 tại các bản làng xa xôi nhất ở huyện Nam Trà My, rồi luân chuyển về Bắc Trà My, cô có nhiều kinh nghiệm công tác, gắn bó với học sinh và am hiểu tiếng nói của đồng bào. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Mai tâm sự: “Là giáo viên phụ trách địa bàn miền núi, việc thông thạo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng. Chúng tôi phải dùng tiếng mẹ đẻ để giảng giải cho các em khi lần đầu học tiếng Việt hoặc trao đổi khuyến khích, vận động học sinh đến lớp”.
Với kinh nghiệm 25 năm đứng lớp ở miền núi, theo cô Mai tâm sự phải hiểu hoàn cảnh, tính cách của từng học sinh, để có phương pháp tiếp cận tốt nhất. “Khi vào dạy, mình phải tìm hiểu hoàn cảnh từng em cũng như mức độ tiếp xúc về tiếng Việt để có thể giao tiếp, giảng dạy. Sự gần gũi, thân thiện của giáo viên là mắc xích để các em yên tâm đến trường” - cô Mai chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Mai giúp các giáo viên trẻ soạn giáo án. |
Ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Võ Thị Sáu, không chỉ đảm nhiệm việc truyền dạy kiến thức, mà các thầy cô giáo còn chăm lo cái ăn, cái mặc và nơi ở cho các em. Cùng với tập thể giáo viên, cô Mai cẩn thận chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, coi những học sinh nhỏ như những đứa con thân yêu của mình. Em Hồ Thị Thi, học sinh lớp 5/1 nói: “Cô Mai như mẹ của chúng em. Đến trường, chúng em được các thầy cô quan tâm từ việc ăn uống đến nơi ở, bàn ghế học tập, em rất vui”.
Chứng kiến những khó khăn của học sinh dân tộc thiểu số, sau 3 năm được điều động, cô Mai tình nguyện viết đơn ở lại phục vụ lâu dài tại trường tiểu học Võ Thị Sáu. “Tôi muốn đem những kinh nghiệm mình có ở những năm trước để giúp cho các em phát triển hơn, mong rằng đóng góp công sức nhỏ của mình vào công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Trên này còn nhiều khó khăn, tình cảm học sinh dành cho chúng tôi là quà từ núi rừng như củ sắn, nải chuối rất cảm động” - cô Mai tâm sự.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hữu nhận xét về đồng nghiệp: “Hoàn cảnh của cô Mai đặc biệt khó khăn, hiện chồng cô phải bươn chải đủ nghề để nuôi hai con nhỏ đang học ở thị trấn Bắc Trà My. Bản thân cô một mình lên vùng cao công tác, cuối tuần mới về nhà. Thế nhưng vượt qua khó khăn, cô Mai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quán xuyến gia đình, con cái học rất giỏi”.
Tiếng trống tan trường điểm, cô giáo Mai ân cần dặn dò học trò thân yêu của mình ra về cẩn thận, lễ phép với ông bà, cha mẹ và học bài cũ trước khi đến lớp. Còn cô Mai lại trở về với trang giáo án và dành ít phút điện thoại nhắc nhở hai đứa con thơ chăm ngoan học giỏi. Tâm huyết của người thầy vùng cao có khi đơn giản chỉ từ chính những khó khăn của học trò, để rồi trở thành nghiệp trên suốt quãng đời gieo chữ.
SỸ BÌNH