Tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm

THANH THẮNG 08/01/2020 14:36

(QNO) - Bằng tâm huyết của một người con Xê Đăng, 40 năm qua, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (thôn 3, xã Trà Cang, Nam Trà My) không chỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình mà còn miệt mài truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (bìa trái) truyền nghề dệt cho phụ nữ địa phương. Ảnh: THANH THẮNG
Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (bìa trái) truyền nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ địa phương. Ảnh: THANH THẮNG

Cuối tuần, trong ngôi nhà nhỏ ở làng Tắc Chưng (thôn 3, xã Trà Cang), nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa miệt mài bên khung dệt để hoàn thiện những bức thổ cẩm cho người dân Xê Đăng trước mùa lễ hội và xuân năm 2020.

Bà Hoa nói, mùa xuân người Xê Đăng có truyền thống mặc váy, khố, tấm dồ để dự lễ cúng máng nước, ăn trâu huê... Cuối năm, người dân đặt hàng may đồ thổ cẩm nhiều, bà dệt không xuể. "Để dệt một tấm thổ cẩm phải ngồi từ sáng đến tối mịt mới hoàn thiện, còn may một bộ trang phục truyền thống phải mất ít nhất 5 ngày" - bà cho biết.

Bước qua tuổi 60, đã 40 mùa xuân người phụ nữ Xê Đăng này làm bạn với khung dệt. "Khi lên 7 tuổi, tôi đã thấy mẹ mình làm khung dệt thổ cẩm, nhiều lần muốn dệt thử nhưng bị mẹ can ngăn vì sợ hư hỏng tấm thổ cẩm đang dệt. Những lần ba mẹ vắng nhà, tôi "mạnh dạn" mang khung dệt ra dệt thổ cẩm theo những bước như mẹ đã làm, dần dà thành thạo các công đoạn" - bà kể.

Nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng duy trì theo cách mẹ truyền con gái nối nghề. Nhưng có một thời, chiến tranh tàn phá khiến nghề mai một dần, thậm chí không còn mấy người biết đến nghề. Đỉnh điểm vào năm 1969 - 1970, cả làng phải vào rừng để tránh bom đạn, bỏ lại làng những khung dệt một thời được người dân trân quý.

Hòa bình lập lại, người dân lo dựng làng, sản xuất, không còn để ý đến nghề dệt thổ cẩm. May thay, dưới chân núi Ngọc Linh, người con gái Trần Thị Kim Hoa thời ấy đang độ đôi mươi vẫn nhớ lời dặn của mẹ: phải giữ nghề dệt thổ cẩm, giữ văn hóa của người Xê Đăng. Rồi bà tự mày mò lại cách dệt để khôi phục nghề, tìm đến các bản làng gặp người cao tuổi để học hỏi thêm kinh nghiệm.

"Nguyên liệu ngày xưa để dệt thổ cẩm là bông do người dân trồng. Màu của thổ cẩm cũng được làm bằng vỏ và lá cây rừng, hiện nay được thay thế bằng sợi đủ màu" - bà Hoa nói.

Clip nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa truyền nghề cho học viên:

Nhiều năm qua, bà Hoa luôn miệt mài tìm người trẻ để truyền nghề. Bà nói đã dạy được 6 lớp dệt thổ cẩm ở xã Trà Cang, học viên đều là phụ nữ người đồng bào, họ tiếp thu nghề rất nhanh. Hiện nay bà được mời đứng lớp tại xã Trà Mai (Nam Trà My), học viên chủ yếu là người đồng bào Ca Dong. Điều mà người nghệ nhân này trăn trở nhất, là sản phẩm thổ cẩm của học viên làm ra không có thị trường, khó bán.

Ông Trần Xuân Mố - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa là người duy nhất ở địa phương biết dệt và may thành thạo trang phục truyền thống thổ cẩm. "Nhờ những tâm huyết của bà Hoa mà nghề dệt thổ cẩm ở Trà Cang được khôi phục, qua đó gìn giữ được bản sắc văn hóa của người Xê Đăng nơi đây" - ông Mố nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO